Sau khi điều chỉnh, giá đất ở Lâm Đồng có tăng?

(PLVN) - Những ngày qua, dư luận quan tâm khi đất ở tại TP Đà Lạt gần 73 triệu đồng/m2 sau khi Lâm Đồng điều chỉnh bảng giá đất toàn tỉnh. Vậy thực sự giá đất mới ở Lâm Đồng có tăng hay không?

Theo Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024, Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025; trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Khu Hoà Bình (phường 1, TP Đà Lạt) có giá đất ở cao nhất.

Tại Lâm Đồng, ngày 17/10/2024 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái đã ký Quyết định số 34/2024/QĐ-UBND ban hành quy định điều chỉnh bảng giá đất các loại đất giai đoạn 2020 – 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Quyết định có hiệu lực từ ngày ký, được áp dụng từ ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành đến hết 31/12/2025. Đối với hồ sơ phát sinh trước ngày ban hành quyết định số 34 nhưng chưa xác định nghĩa vụ tài chính thì thực hiện theo quy định tại Quyết định 34.

Ngay sau khi Lâm Đồng ban hành bảng giá đất các loại đất điều chỉnh giai đoạn 2020- 2024 trên địa bàn 12 huyện, thành phố ở Lâm Đồng, nhiều người dân hoang mang vì nhận thấy giá đất mới so với trước khi điều chỉnh tăng nhiều lần.

Khu Hoà Bình có giá đất xấp xỉ 73 triệu đồng/m2.

Cụ thể, theo bảng giá đất mới, tại TP Đà Lạt, giá đất nông nghiệp cao nhất 1,2 triệu đồng/m2, đất ở tại nông thôn cao nhất 4,83 triệu đồng/m2, đất ở tại đô thị cao nhất 72,8 triệu đồng/m2 thuộc về khu Hoà Bình (phường 1) và tất cả đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường 1), giá đất tại các tuyến đường trung tâm phường 1 dao động từ 30 – 50 triệu đồng/m2, phường 1 Đà Lạt cũng là khu vực có giá đất ở cao nhất Lâm Đồng.

So với bảng giá trước khi điều chỉnh, xét theo giá cao nhất và chưa nhân với hệ số K, giá đất nông nghiệp tại TP Đà Lạt tăng 6 lần, giá đất ở nông thôn tăng 2,3 lần, giá đất ở đô thị tăng 1,3 lần.

Tại TP Bảo Lộc, giá đất nông nghiệp sau khi điều chỉnh cao nhất 546 nghìn đồng/m2, giá đất ở nông thôn cao nhất 9,6 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất ở đô thị dự kiến cao nhất 35,1 triệu đồng/m2 thuộc về đường Lê Hồng Phong, đoạn từ sau đường Kim Đồng đến hết đường Trần Phú; giá đất ở nông thôn tại TP Bảo Lộc cao nhất 9,6 triệu đồng/m2 thuộc quốc lộ 20, đoạn cách chợ Lộc Châu (xã Lộc Châu) 100m hai đầu.

So với bảng giá đất trước điều chỉnh, nếu xét theo giá cao nhất và chưa nhân với hệ số K, giá đất nông nghiệp tại TP Bảo Lộc dự kiến tăng 4,3 lần, giá đất ở nông thôn tăng hơn 2 lần và giá đất ở đô thị tăng 1,8 lần.

Thực chất, giá đất ở Lâm Đồng sau khi điều chỉnh không tăng so với bảng giá đất trước đây.

Tương tự, tại 10 huyện khác của Lâm Đồng cũng ghi nhận giá đất mới tăng so với bảng giá đất trước khi điều chỉnh. Vậy thực ra bảng giá đất mới có tăng không?

Ông Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch Lâm Đồng giải thích vắn tắt, trước đây giá trị của thửa đất = Giá đất trong bảng giá đất x hệ số điều chỉnh giá (hệ số K). Hệ số K được UBND tỉnh điều chỉnh từng năm hoặc từng thời điểm có biến động. Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 chỉ có bảng giá đất và không còn khung giá đất và hệ số điều chỉnh giá (hệ số K) và chỉ căn cứ duy nhất vào bảng giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai. Do đó các tỉnh ban hành bảng giá đất mới theo qui định Luật đất đai 2024 .

Tại Lâm Đồng, bảng giá đất điều chỉnh thực chất là bảng giá đất đã ban hành trước đây x hệ số K. Do đó về bản chất, bảng giá đất mới Lâm Đồng điều chỉnh trên toàn tỉnh không tăng; trường hợp các huyện, thành phố nếu phát sinh những con đường mới chưa có trong bảng giá đất sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Lâm Đồng tính giá đất mới như thế nào?

Trong quy định mới về tính giá đất, tỉnh Lâm Đồng vẫn áp dụng các hệ số điều chỉnh để xác định giá đất theo vị trí gồm: Hệ số địa hình (KĐH­) là thửa đất, khu đất có địa hình cao hoặc thấp hơn so với mặt đường là thửa đất, khu đất đó tiếp giáp tính giá đất. Hệ số KĐH áp dụng 0,9 đối với địa hình chênh lệch so với mặt đường từ 1-3m, áp dụng hệ số 0,8 đối với mức chênh trên 3m; Hệ số thuận lợi (KTL) là thửa đất, khu đất có vị trí thuận lợi, có từ 2 mặt tiền trở lên. Hệ số này áp dụng 1,15 đến 1,2. Hệ số giáp ranh (KGR) là thửa đất, lô đất ở khu vực giáp ranh giữa các đoạn đường có mức giá khác nhau thì phần diện tích nằm trên đoạn đường có giá đất cao hơn được giữ nguyên mức giá, còn diện tích thuộc đoạn đường có mức giá thấp hơn phải điều chỉnh giá tăng lên theo hệ số giáp ranh không quá 1,2 lần nhưng phải đảm bảo nguyên tắc giá đất ở đoạn đường có mức giá thấp sau khi điều chỉnh không cao hơn đoạn đường ở mức giá cao. Hệ số vị trí (KVT) áp dụng đối với diện tích của các thửa đất, khu đất thuộc vị trí 2, 3, 4. Tuỳ theo từng hẻm sẽ có các hệ số vị trí khác nhau.

Đọc thêm