Thành ủy TP Hồ Chí Minh: Lập Ban Chỉ đạo xây dựng Bảng giá đất điều chỉnh

(PLVN) - Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM vừa có kết luận về chủ trương điều chỉnh và cách thức thực hiện Bảng giá đất (BGĐ) theo Quyết định số 02.
Một góc TP HCM. (Ảnh: Trần Tiến).

Thành ủy nhận định Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực nên việc áp dụng BGĐ hiện tại của TP HCM không còn phù hợp quy định hiện hành. Vì vậy, TP cần khẩn trương ban hành BGĐ điều chỉnh và triển khai trong thời gian sớm nhất, không để bị động, ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách pháp luật trên địa bàn.

Thành ủy nhấn mạnh, BGĐ điều chỉnh là nội dung rất quan trọng, tác động lớn đến các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất và phát triển kinh tế, xã hội của TP. Do đó, quá trình thực hiện phải xem xét, đánh giá tác động toàn diện, tiếp thu ý kiến các bên liên quan và lựa chọn phương án tối ưu, phù hợp nhất với tình hình thực tế để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. BGĐ điều chỉnh tuân thủ theo phương châm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất.

Để bảo đảm các bước thực hiện điều chỉnh BGĐ chặt chẽ, TP HCM cần lập Ban Chỉ đạo với sự tham mưu của đại diện Thường trực Thành ủy, HĐND, MTTQ Việt Nam TP HCM, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo và các đơn vị có liên quan. Việc điều chỉnh này phải phổ biến thông tin rõ ràng, thấu đáo đến người dân. Xác định BGĐ điều chỉnh là cần thiết và không thể không thực hiện, qua đó giúp người dân hiểu, đồng thuận và ủng hộ.

Trước đó, xử lý vướng mắc trong việc áp dụng BGĐ điều chỉnh tại TP HCM, ngày 10/9, Bộ TN&MT cũng đã chủ trì cuộc họp giữa các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TP HCM và Hiệp hội Bất động sản TP. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân thống nhất với UBND TP HCM là cần khẩn trương xây dựng và ban hành BGĐ điều chỉnh sớm.

Ông Ngân khẳng định, theo quy định của Luật Đất đai 2024, TP có đầy đủ thẩm quyền xây dựng BGĐ để áp dụng trên địa bàn. Tuy nhiên, phải lưu ý việc điều chỉnh giá cần cân nhắc so với mặt bằng giá đất tại địa phương, đánh giá tác động và bảo đảm hài hòa lợi ích, tránh ảnh hưởng tới người dân, DN.

UBND TP cũng cần sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện BGĐ theo Luật Đất đai 2024 và các Nghị định thuộc thẩm quyền để chuẩn bị áp dụng từ ngày 1/1/2026. Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp và báo cáo Thủ tướng để xem xét chỉ đạo trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến 8.808 hồ sơ đất đai tồn đọng phát sinh từ ngày 1/8 đến nay trên địa bàn, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM yêu cầu UBND TP bám sát chỉ đạo của Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Tài chính để giải quyết vướng mắc liên quan đến việc tính nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Như PLVN đã đưa tin, Sở TN&MT TP HCM đã xây dựng và đang lấy ý kiến dự thảo BGĐ điều chỉnh theo Luật Đất đai 2024. Theo đó, giá tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình 5 - 10 lần, một số nơi thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh 15 - 50 lần so với hiện tại. Sở này cho rằng nếu tính cả hệ số K, so với Quyết định 02 của UBND TP ban hành năm 2020, giá đất tăng khoảng 2,5 lần và tiệm cận với thị trường khi được tính toán bằng khoảng 70%.

Theo Sở TN&MT, BGĐ điều chỉnh nếu áp dụng sẽ có 80.000 hộ dân bị thu hồi đất để làm các dự án được bồi thường với giá tốt hơn, nhưng gần 111.091ha đất nông nghiệp các hộ gia đình, cá nhân sử dụng ở 9 quận, huyện, TP Thủ Đức (TP HCM) sẽ bị tác động khi chuyển mục đích sử dụng.

Dự thảo BGĐ điều chỉnh đang được Sở TN&MT lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, trình Hội đồng thẩm định BGĐ TP thẩm định, sau đó UBND TP HCM xem xét phê duyệt. Nếu được thông qua, BGĐ mới sẽ sử dụng đến 31/12/2025, nhưng cuối năm nay, TP vẫn đánh giá lại để phù hợp tình hình kinh tế. Từ đầu 2026, TP HCM sẽ áp dụng BGĐ mới hàng năm chung theo Luật Đất đai 2024.

Đọc thêm