Tháo gỡ 'nút thắt', khơi thông nguồn lực đất đai

(PLVN) -  Sửa đổi Luật Đất đai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 cũng như trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Nhiều ý kiến kỳ vọng, dự án Luật này qua tiếp thu góp ý của người dân, chuyên gia, nhà nghiên cứu… sẽ gỡ bỏ những chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản.
Cần khơi thông nguồn lực đất đai. (Ảnh minh họa)

Thường xuyên tổng hợp ý kiến nhân dân

Đất đai có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người và các hoạt động xã hội. Sau thời gian tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm, mang nặng tính hình thức, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội… Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế, tạo điều kiện khơi thông “điểm nghẽn” trong việc sử dụng tài nguyên quan trọng này phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước.

Hiện nay, Quốc hội (QH) đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Mới đây, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải vừa chủ trì một số buổi làm việc với các cơ quan của QH liên quan đến dự án Luật này.

Cụ thể, tại buổi làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, Phó Chủ tịch QH cho rằng, những khía cạnh khoa học công nghệ, tài chính liên quan đến tài nguyên đất, phương pháp định giá đất và nhiều hoạt động liên quan đến đất đai có ứng dụng khoa học công nghệ cần được Ủy ban tham gia tích cực cũng như chú trọng lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các nhà khoa học. Để triển khai nhiệm vụ này, Ủy ban cần thành lập một nhóm nghiên cứu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và có ý kiến chính thức gửi về Ủy ban Kinh tế của QH.

Còn tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch QH yêu cầu Ủy ban tập trung cao độ và có kế hoạch triển khai một cách cụ thể, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả. Phó Chủ tịch QH lưu ý đối với những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau sẽ với tinh thần từng bước tháo gỡ, đi đến thống nhất chung.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân cần có trọng tâm, thường xuyên tổng hợp, chọn lọc các nhóm vấn đề, kết hợp lý luận và thực tiễn để có giải pháp đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn. Phó Chủ tịch QH đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp với các chuyên gia, đối tác và gắn các nhiệm vụ lập pháp với giám sát một cách chủ động để có đôn đốc và làm việc với Chính phủ, các cơ quan, các địa phương.

Thể chế hóa giao dịch về đất đai qua sàn giao dịch

Trao đổi với phóng viên PLVN, Luật gia, TS Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (PACC) cho rằng, cần xây dựng, hoàn thiện quy định về sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo sự phù hợp với điểm 2.3 Mục IV Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương.

Đồng thời, cần tiếp tục cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, trong đó có các dự án đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội để thực hiện đúng định hướng tại điểm 2.3 Mục IV Nghị quyết số 18-NQ/TW, tương tự như quy định của Luật Đất đai 2013 hiện nay.

Về quy định việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc các dự án kinh doanh bất động sản “theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản”, ông Trần Minh Sơn mong muốn, cần có lộ trình để thể chế hóa việc giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua sàn giao dịch theo định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW: Nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất đảm bảo tính công khai, minh bạch, tại điểm 2.4 Mục IV Nghị quyết số 18-NQ/TW chủ trương: “Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm...”.

Ông Sơn cũng cho rằng, cần có lộ trình để thể chế hóa việc giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua sàn giao dịch đảm bảo phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của bên bán (trong đó có chủ đầu tư dự án bất động sản) và bên mua (chủ yếu là khách hàng cá nhân và nhà đầu tư).

Đọc thêm