Bế mạc Đại hội lần thứ 9 Hội Nhà báo Việt Nam

 Chiều 12-8, Đại hội lần thứ 9 Hội Nhà báo Việt Nam (nhiệm kỳ 2010-2015) bế mạc sau 3 ngày làm việc (từ 10 đến 12-8).

 Chiều 12-8, Đại hội lần thứ 9 Hội Nhà báo Việt Nam (nhiệm kỳ 2010-2015) bế mạc sau 3 ngày làm việc (từ 10 đến 12-8).

Đại hội thông qua Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam (sửa đổi) phù hợp với tình hình hoạt động báo chí và hoạt động Hội trong giai đoạn 2010 – 2015; bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2010-2015 gồm 51 ủy viên. Nhà báo Lê Trọng Nghĩa Tổng Biên tập Báo Hải Phòng Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố tham gia Ban Chấp hành với phiếu bầu cao. Ban Chấp hành đã họp Hội nghị lần thứ nhất, bầu Ban Thường vụ Hội khóa IX gồm 11 đồng chí.

Nhà báo Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa 8, tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa 9.

Ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX phát biểu tại lễ bế mạc. Ảnh: TTXVN
Ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX phát biểu tại lễ bế mạc. Ảnh: TTXVN

4 Phó chủ tịch HNBVN khóa 9 gồm các nhà báo: Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Phạm Quốc Toàn, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa 8; Hà Minh Huệ, Phó tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Mã Diệu Cương, Phó tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh.

Ban Kiểm tra HNBVN khóa 9 do nhà báo Hà Kim Chi, Trưởng ban công tác Hội làm Trưởng ban, 2 Phó trưởng ban và 4 ủy viên.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết với 7 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 gồm: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 10) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; Đổi mới nhận thức và tăng cường các biện pháp, các hình thức mới trong công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh cách mạng, nhận thức chính trị - xã hội; Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí cho hội viên; Tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý, chỉ đạo báo chí; Chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên – nhà báo; Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao; Tiếp tục tăng cường, mở rộng hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội.

Phát biểu kết thúc Đại hội, nhận định về tình hình báo chí trong giai đoạn sắp tới, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa 9 nhiệm kỳ 2010-2015, Đinh Thế Huynh cho biết: Trong xu thế hội nhập và phát triển, sự toàn cầu hóa về thông tin, nhất là xu hướng hòa tan công nghệ đặt nền báo chí nước ta nhiều cơ hội phát triển, đồng thời không ít thách thức. Về loại hình, báo chí không chỉ đơn nhất một loại hình mà đã trở thành báo chí đa phương tiện. Nhiều cơ quan báo chí có từ 2-3 loại hình báo chí. Báo điện tử có lợi thế đưa tin nhanh, kịp thời và sức lan truyền rộng, nhưng đồng thời cũng tạo ra tình trạng sao chép lẫn nhau, khiến cho thông tin trở nên nhàm chán. Báo viết mất dần bạn đọc, suy giảm số lượng phát hành. Do tác động của việc tăng giá giấy và các vật tư in khác cộng với sự sụt giảm số lượng phát hành, khó khăn thu hút quảng cáo dẫn tới nguồn thu của các cơ quan báo viết giảm mạnh. Trong khi nguồn thu bị giảm thì các cơ quan báo chí lại bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với các doanh nghiệp thuần túy khác. Các cơ quan báo nói, báo hình cũng đứng trước tình hình cạnh tranh gay gắt cả về thông tin, nguồn nhân lực và nguồn thu.

Chủ tịch HNBVN Đinh Thế Huynh khẳng định: Thực trạng trên là một thách thức lớn đòi hỏi các cơ quan báo chí phải nâng cao chất lượng nội dung và hình thức một cách toàn diện để vừa giữ vững tôn chỉ mục đích, vừa hấp dẫn, lôi cuốn công chúng. Trước thực trạng này, thái độ của người làm báo Việt Nam là chấp nhận nhập cuộc để vượt qua thách thức!

Giải pháp đưa ra là: đổi mới, hiện đại hóa phương tiện làm báo và đề xuất với Đảng, Nhà nước cơ chế, chính sách hợp lý.

Trước đó sáng ngày 12-8, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức trọng thể Đại hội lần thứ 9 Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015 với sự tham dự của 403 đại biểu đại diện cho gần 18.000 hội viên đang sinh hoạt trong 263 tổ chức Hội Nhà báo trong cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến dự đại hội. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng nhiều vị lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi lẵng hoa chức mừng Đại hội.

Phát biểu khai mạc Đại hội, nhà báo Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ Đại hội lần thứ 9 Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ đánh giá, tổng kết các hoạt động báo chí và hoạt động của Hội trong những năm qua; khẳng định và biểu dương những thành tựu và đóng góp của báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đối với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại hội cũng chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm trong hoạt động báo chí cũng như hoạt động của các cấp Hội; xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao vai trò, vị trí chất lượng và hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới. Đại hội có nhiệm vụ lựa chọn những nhà báo xứng đáng đại diện cho giới báo chí cả nước vào Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa 9 để nhận trách nhiệm chỉ đạo các cấp Hội Nhà báo xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam phát triển lớn mạnh trong những năm 2010-2015.

Chủ tịch
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại đại hội


Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, trong giai đoạn sắp tới, báo chí với những khả năng và thế mạnh của mình, phải là một trong những lực lượng quan trọng đi đầu trong việc phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết nhất trí, tập trung cao độ sức người, sức của, khai thác tích cực nhất mọi tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ủng hộ và tạo các điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển, để các nhà báo phát huy tài năng sáng tạo, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, phục vụ và cống hiến nhiều nhất cho đất nước. Với chức năng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị-xã hội, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, báo chí cần nỗ lực phấn đấu để góp phần nâng cao dân trí, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, cổ vũ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa 8, nhà báo Lê Quốc Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khóa 8 đã trình bày báo cáo chính trị với tựa đề: "Tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."

Tính đến tháng 12-2009, cả nước có 706 cơ quan báo chí in, gồm 178 báo in (trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có 76 báo; các tỉnh, thành phố có 102 báo); 528 tạp chí (trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có 414 tạp chí; địa phương 114 tạp chí); 1 hãng thông tấn quốc gia; 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 1 đài truyền hình của ngành, 64 đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố, trên 600 đài cấp huyện, hàng nghìn trạm truyền thanh cấp xã; 37 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo chí, hàng ngàn trang thông tin điện tử... Cả nước có gần 18.000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ nhà báo, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, nghệ sỹ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục ngàn người khác là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn viết bài, sản xuất chương trình, cung cấp thông tin, in ấn, tiếp thị, quảng cáo, phát hành và các dịch vụ khác.


Báo cáo nêu rõ, bằng các hình thức, phương pháp, thể loại phong phú, các cơ quan báo chí đã phản ánh kịp thời mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, phát hiện, cổ vũ các nhân tố, điển hình tiên tiến, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân với sự nghiệp Đổi mới.

Các ấn phẩm báo chí đã giới thiệu nhiều tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật có giá trị, đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa của nhân dân; đồng thời tham gia tích cực, có trách nhiệm, hiệu quả trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội, phanh phui các vụ tiêu cực.
Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một số hạn chế của báo chí hiện nay là một số cơ quan báo chí và nhà báo còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa thực hiện tốt tôn chỉ mục đích, để lọt thông tin không trung thực, giật gân...

Một số cơ quan báo chí chậm đổi mới nội dung và hình thức, chưa hấp dẫn, hiệu quả tuyên truyền không cao. Một số báo, đài có xu hướng mở thêm ấn phẩm phụ, thêm chương trình theo hướng xã hội hóa nhưng chưa quản chặt nội dung và chất lượng. Hiện tượng khai thác chương trình nước ngoài với tỷ lệ cao, thiếu chọn lọc còn xảy ra...

Chiều 12-8, Đại hội tiếp tục thảo luận các nội dung quan trọng, phương hướng công tác nhiệm kỳ tới, thông qua Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam (sửa đổi) và công bố Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa 9 nhiệm kỳ 2010-2015.

Đọc thêm