Bế mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII

Sáng 26/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã hoàn thành chương trình đề ra, sau 31 ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, với tinh thần dân chủ, đổi mới và trách nhiệm cao.

[links()]Sáng 26/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã hoàn thành chương trình đề ra, sau 31 ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, với tinh thần dân chủ, đổi mới và trách nhiệm cao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng .
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng .
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tập trung thảo luận, đánh giá việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2010; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; tiến hành công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước. Dự lễ bế mạc có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị lão thành cách mạng.Một kỳ họp sôi động, hấp dẫn với nhiều nội dung quan trọng Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nhìn lại diễn biến của toàn bộ kỳ họp, có thể khẳng định, đây là một trong những kỳ họp sôi động, hấp dẫn với nhiều nội dung quan trọng, có chất lượng tốt. Quốc hội đánh giá cao sự tham gia tích cực, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, cầu thị của Chính phủ; tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm cao của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm tốt nhất cho kỳ họp. Để phát huy tốt nhất những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngay sau kỳ họp này quan tâm thực hiện tốt một số công việc. Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; tăng cường công tác quản lý và chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền để thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong việc khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011. Các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và đổi mới công tác tiếp xúc cử tri. Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tiếp tục rà soát việc thi hành pháp luật, phát hiện những quy định không phù hợp để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung. Các thành viên Chính phủ tiếp tục đề cao trách nhiệm, tiếp thu và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các chất vấn của đại biểu Quốc hội, thực hiện tốt những điều đã báo cáo trước Quốc hội và nhân dân cả nước. Các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến của cử tri với Quốc hội; giám sát, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; gương mẫu và động viên nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, lập thành tích thiết thực chào mừng những sự kiện lớn của đất nước. Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất và Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010.Công tác cải cách hành chính đã có những bước tiến quan trọng Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001- 2010 với trên 90% số đại biểu tán thành. Theo Nghị quyết, qua 10 năm thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước nói chung và trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở, thuế, hải quan nói riêng, cùng với những kết quả bước đầu nhưng rất có ý nghĩa của quá trình triển khai Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30) đã có những cải cách quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã có bước trưởng thành cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức, phẩm chất cũng như tinh thần phục vụ. Nghị quyết cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính như tiến độ còn chậm, chưa đạt được yêu cầu theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính đã đề ra. Một số lĩnh vực thủ tục hành chính vẫn còn bất cập, chồng chéo, không hợp lý, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực còn khá phổ biến; kỷ cương, kỷ luật hành chính và việc xử lý cán bộ vi phạm chưa nghiêm. Mô hình cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong một số lĩnh vực còn lúng túng, hình thức, chưa thực sự hợp lý. Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu những nội dung đã được kiến nghị trong các báo cáo để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý; tiếp tục tổ chức rà soát để sửa đổi, hủy bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ những quy định, thủ tục hành chính không phù hợp hoặc ban hành không đúng thẩm quyền, loại bỏ những khâu trung gian, không cần thiết. Các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính để có giải pháp phù hợp; nghiên cứu toàn diện các mặt và sớm ban hành đồng bộ, cụ thể các chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật, hồ sơ, quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, tạo khuôn khổ pháp lý công khai, minh bạch để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời các vi phạm. Bố trí ngân sách hàng năm bảo đảm yêu cầu đẩy nhanh công tác cải cách hành chính; sớm cải cách cơ bản chế độ tiền lương gắn với vị trí việc làm và việc tinh giản hợp lý biên chế, bộ máy; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm và đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bao gồm cả hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án 30 quyết liệt hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu của cải cách thủ tục hành chính đã đề ra; đồng thời Chính phủ cần bổ sung nội dung đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong báo cáo công tác hằng năm trước Quốc hội. Trên cơ sở các kiến nghị về hoàn thiện hệ thống pháp luật được nêu trong các báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, trình Quốc hội quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và nhiệm kỳ để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.Nâng cao tối đa hiệu quả dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết số 07/1997/QH 10 và Nghị quyết số 44/2005/QH 11 về dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất với 86,61% số đại biểu tán thành. Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội ghi nhận Dự án nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành thương mại; những kết quả bước đầu đạt được, những bài học thành công và chưa thành công; những công việc cần tiếp tục thực hiện của dự án. Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục có biện pháp bảo đảm nguyên liệu cho nhà máy vận hành ổn định lâu dài; khẩn trương giải quyết những công việc còn lại của Dự án; nâng cao tối đa hiệu quả kinh tế-xã hội tổng hợp của Dự án, nhất là tác động lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho Nhà máy theo quy định của pháp luật; coi trọng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, tiếp thu công nghệ hiện đại để sớm làm chủ công nghệ về lọc hóa dầu. Chính phủ rà soát, chỉ đạo để sớm hoàn thành công tác di dân, tái định cư; ổn định sản xuất, việc làm và cuộc sống cho nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của dự án; khẩn trương hoàn thành việc thanh quyết toán dự án; thực hiện kiểm toán toàn bộ công trình theo quy định của pháp luật. Kết thúc công việc hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện việc xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất. Báo cáo với Quốc hội sau khi hoàn thành các công việc của dự án tại kỳ họp gần nhất./. Xem phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại đây.
(TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm