Bé Ngân "lang thang" khi bố mẹ tăng ca

Mỗi khi bố, mẹ tăng ca, bé Ngân lại được gửi chỗ vợ của người bảo vệ công ty vì nhà trẻ công lập, nơi học mới của bé Ngân, chỉ trông trẻ đến 4h30.
Mỗi khi bố, mẹ tăng ca, bé Ngân lại được gửi chỗ vợ của người bảo vệ công ty vì nhà trẻ công lập, nơi học mới của bé Ngân, chỉ trông trẻ đến 4h30.
Anh Trần Quang Huy, công nhân Công ty Văn Khánh, chuyên sản xuất các mặt hàng điện, điện lạnh, hàng xóm của bé 3 tuổi bị bạo hành khi tắm, đang phải nghỉ việc hai ngày nay để trông con. “Chúng tôi thực sự hoang mang khi biết sự việc của bé Ngân và không thể yên tâm gửi con ở điểm trông tư nữa. Trước mắt tôi xin nghỉ việc một thời gian để trông cháu, sau đó có thể gửi cháu ở nhà bà con", anh Huy nói. Trước đó, anh Huy cũng gửi con ở nhà bà Phụng.

Anh Huy cho biết, việc ở nhà trông con hay gửi con về quê chỉ là những giải pháp bất đắc dĩ và tạm thời. “Lương công nhân rất thấp nên nếu một người đi làm thì không thể đủ chi phí cho ba người. Còn gửi cháu về cho ông bà thì bố mẹ lại nhớ con và còn phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của ông bà. Chúng tôi mong có một nhà trẻ dành riêng cho công nhân, thuận lợi về giờ giấc, kinh phí”.

Đó cũng là mong đợi của vợ chồng anh Đinh Minh Lực, bố bé Ngân. Anh Lực cho biết, bé Ngân đã được một số cán bộ bảo lãnh cho vào học tại một trường mầm non chất lượng gần đó. Thế nhưng, theo quy định, trường chỉ giữ đến 16h30 nên những lúc tăng ca, hai vợ chồng phải nhờ vợ anh bảo vệ của công ty trông giúp bé Ngân. "Nếu như công ty có một nhà trẻ dành riêng cho con em công nhân thì thuận lợi cho chúng tôi quá", anh Lực nói.
Bố mẹ bé Ngân và những phục huynh là công nhân khác mong mỏi có một nhà trẻ trong công ty để yên tâm gửi con khi đi làm, kể cả những ngày tăng ca. (Ảnh: Dân trí)

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thuận An, trong địa bàn xã Thuận Giao có cả nhà trẻ công lập và ngoài công lập, tuy nhiên một nhà trẻ dành riêng cho con em công nhân thì chưa có. “Công nhân thường xuyên phải làm tăng ca, nhất là vào các ngày thứ 7, chủ nhật. Vì thế, nếu một nhà trẻ công lập làm theo giờ hành chính thì không thuận lợi cho các phụ huynh là công nhân. Do đó, công nhân cần một nhà trẻ xã hội hóa”.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thuận An, trước mắt, khi kế hoạch xây dựng một trẻ dành riêng công nhân chưa thực hiện được thì ngành giáo dục cần phải xiết chặt các quy định về nhà trẻ tư, nhà trẻ ngoài công lập.

Trao đổi với báo giới, ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch công đoàn Công ty Hài Mỹ (nơi làm việc của cha mẹ bé Ngân), cho biết, sau vụ việc bé Ngân, công ty đang bàn đến việc xây dựng một nhà trẻ cho con em công nhân tại khuôn viên công ty.

"Hiện nay, công ty chưa biết các điều kiện, tiêu chuẩn và các quy đinh pháp lý để được xây dựng nhà trẻ. Nếu được thành lập, chúng tôi cũng mong các ban ngành chức năng hỗ trợ công ty nguồn giáo viên có đủ khả năng quản lý, chăm sóc trẻ để có thể thành lập một nhà trẻ dành riêng cho con em công nhân", ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, Công ty Hài Mỹ hiện có khoảng 5.500 công nhân, trong đó có gần 400 công nhân có con nhỏ. Hiện, các công nhân ở rải rác ở các khu vực lân cận như xã Bình Giao, Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú.

Trả lời báo Dân Việt, bà Mai Thị Dung, Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh kiêm Trưởng ban Văn hoá xã hội HĐND tỉnh Bình Dương, cho biết, toàn tỉnh có khoảng 700.000 lao động, trong đó trên 80% là nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Do tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh quá nhanh nên cơ sở vật chất nuôi dạy trẻ rất thiếu thốn.

Bà Dung nói: "Qua khảo sát, tôi thấy nhóm trẻ tư nhân tự phát rất mạnh, nhưng cơ sở vật chất của nhiều cơ sở giữ trẻ rất tồi tàn vì họ cơi nới từ những nhà bếp, thậm chí là cải tạo lại chuồng lợn để làm chỗ nuôi trẻ".

Theo bà Dung, tỉnh Bình Dương đang kêu gọi các thành phần kinh tế cùng hỗ trợ nhà nước mở lớp, mở nhóm nuôi dạy trẻ có chất lượng tại các khu công nghiệp để hỗ trợ cho người lao động. Tuy nhiên, hiện khả năng đầu tư vào các hoạt động này chưa được quan tâm nhiều.

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ ngày 1/2/2010, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương về vấn đề phát triển trường mầm non trong các khu công nghiệp.

Ông Nhân cho biết bộ GD-ĐT đang tính đến phương án giảm nguy cơ rủi ro cho các cháu trong nhóm trẻ bằng cách giao cho Vụ Mầm non đặt ra chuẩn tối thiểu, dù là cơ sở giữ trẻ gia đình, người đứng đầu phải được bồi dưỡng nhất định về sư phạm, nhân viên phải được huấn luyện tối thiểu kỹ năng nuôi dạy trẻ.

Theo
Khánh Tường
Đất Việt

Đọc thêm