Đặt vấn đề xấp hạng 139 ĐH từ năm 2008 nhưng đến nay, quá trình này vẫn bế tắc vì độ chính xác của các số liệu được cung cấp và tiêu chí xếp hạng chưa rõ ràng.
Từ năm 2007, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu, từ năm 2007-2008 sẽ tiến hành xếp hạng các ĐH-CĐ theo nhóm 25% trường hàng đầu cả nước và 25% tiếp theo. Việc xếp hạng do các công ty kiểm định chất lượng chuyên trách đảm nhận và khi ấy thứ hạng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của nhà trường. Tuy nhiên, đến nay, việc xếp hạng các ĐH chủ yếu dựa vào kinh nghiệm “dân gian”, trình độ đào tạo, theo quan điểm của một số trường… Có thể nói, các nhà quản lý đang “bế tắc” trong việc triển khai xếp hạng ĐH.
|
Khoảng 10-20 năm nữa, ĐH Việt Nam mới đáp ứng nhu cầu đào tạo. Ảnh: Trung Kiên |
Tính đến cuối năm 2009, Việt Nam có 376 ĐH, CĐ trong đó số trường đại học chiếm 43,1%, cao đẳng chiếm 56,9% với tổng số 1.719.499 sinh viên. Nhưng chưa ĐH nào của Việt Nam có vị trí trong bảng xếp hạng các ĐH hàng đầu châu Á, chưa nói đến chuyện thế giới.
Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng giáo dục, xếp hạng các trường là một nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, cho đến nay, việc xếp hạng ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ về cả lý luận lẫn thực tiễn. Có nhiều ý kiến như nội dung, tiêu chí để xếp hạng, cách thu thập dữ liệu để xếp hạng, ai sẽ là người đứng ra đảm nhiệm, công bố việc này… Nhưng đến nay, còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Theo đánh giá của ông Nguyễn Kim Hồng, Hiệu phó ĐH Sư phạm TP HCM, các ĐH Việt Nam phần lớn đang ở điểm xuất phát của một cuộc “marathon” chất lượng. Với năng lực đào tạo hiện nay, phải 10- 20 năm nữa, các ĐH Việt Nam mới đáp ứng một cách tương đối đầy đủ nhu cầu người học.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất cho việc xếp hạng các ĐH chính là việc quản lý và kiểm định chất lượng các ĐH ở Việt Nam còn rất mới mẻ. Các chuyên gia kiểm định chất lượng đều chung nhận định, độ tin cậy của các dữ liệu do các trường cung cấp chưa cao, chưa chính xác gây khó khăn cho việc thu thập, xử lý thông tin khi xếp hạng.
Theo Đất Việt