Tính đến hết tháng 9/2017, kết quả thu Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm tự nguyện (BHTN) trên toàn TP Hà Nội là 23.819,3 tỷ đồng, đạt 71,6% kế hoạch BHXH Việt Nam giao (tăng 4.184,3 tỷ đồng và tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2016).
Hiện nay, có 68.027 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia BHXH, BHYT, BHTN (tăng 13.302 đơn vị, tăng 31,5% so cùng kỳ 2016), trong đó, có 1.443.729 người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; 1.379.372 người tham gia BHTN và 6.033.395 người tham gia BHYT (tăng 400.123 người, tăng 7,1% so cùng kỳ 2016). Đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình là 946.078 người, tăng 377.602 người và tăng 66,4% so cùng kỳ năm 2016. Khối doanh nghiệp Thành phố hiện có 51.709 doanh nghiệp (tăng 7.464 DN, tăng 16,9% so cùng kỳ 2016) với 1.101.241 lao động đang tham gia BHXH, BHYT.
Toàn thành phố đã cấp và chuyển 330.770 sổ BHXH chuyển đến người lao động. Tuy nhiên, việc nhập dữ liệu và bàn giao sổ BHXH còn chậm (đạt khoảng 23,3%). Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn Thành phố có 6.097.459 thẻ BHYT đang trong thời gian sử dụng.
Công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH luôn được quan tâm, đảm bảo đến tận tay đối tượng trước ngày mồng 10 của tháng, an toàn, chính xác. Tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH trong 9 tháng đầu năm là 24.524 tỷ đồng, trong đó, chi lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng cho 554.893 đối tượng hưởng với số tiền 21.021 tỷ đồng; giải quyết thất nghiệp cho 28.821 lượt người hưởng với 417,5 tỷ đồng; giải quyết ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 367.059 lượt đối tượng hưởng với 2.259 tỷ đồng; trợ cấp BHXH 1 lần cho 36.975 lượt đối tượng hưởng với số tiền 826,5 tỷ đồng và giải quyết chế độ hưu trí cho 10.815 đối tượng hưởng.
Hiện nay, có 205 cơ sở y tế ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với BHXH TP Hà Nội, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 3.976.614 lượt người với tổng chi phí KCB BHYT là 3.820,4 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, BHXH TP Hà Nội thực hiện gửi văn bản đôn đốc thu nợ đến 29.917 doanh nghiệp nợ BHXH, thu hồi được 628,6 tỷ đồng, thực hiện kiểm tra 728 doanh nghiệp thu hồi được 118,5 tỷ đồng; thực hiện thanh tra liên ngành tại 45 doanh nghiệp, thu hồi được 6,2 tỷ đồng; thanh tra chuyên ngành 101 doanh nghiệp, thu hồi được 26,3 tỷ đồng; UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tại 477 doanh nghiệp, thu hồi được 40,9 tỷ đồng (đạt 34,5%).
Đặc biệt, khi ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra có 39/73 doanh nghiệp tự giác nộp đủ số tiền nợ BHXH (11, 4 tỷ đồng), nên dừng thanh tra, kiểm tra. Trong đó, phối hợp phòng CSKT Công an Thành phố kiểm tra 56 doanh nghiệp có 31 doanh nghiệp tự giác nộp đủ tiền.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ người dân, đơn vị và doanh nghiệp, cơ quan BHXH tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, đến nay đã có 53.302 đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, chiếm 87% các đơn vị tham gia tham BHXH, BHYT (chủ yếu là các doanh nghiệp), trong đó các đơn vị là doanh nghiệp có trên 10 lao động thực hiện giao dịch điện tử đạt tỉ lệ 97,02%. Thực hiện 582.868 lượt giao dịch hồ sơ điện tử và 136.077 lượt giao dịch hồ sơ qua dịch vụ bưu chính.
Mặc dù, tỷ lệ giải quyết hồ sơ chậm muộn giảm so cùng kỳ năm 2016 gần 3% nhưng vẫn còn cao. Đồng thời, tiếp tục triển khai kết nối hệ thống dữ liệu với các Ngân hàng thương mại, Kho bạc nơi cơ quan BHXH mở tài khoản thu BHXH, BHYT, BHTN; phấn đấu thực hiện giao dịch điện tử mức độ 4 về kê khai, thu nộp BHXH, BHYT.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục như: tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT còn ở mức rất cao; công tác nhập dữ liệu để trả sổ BHXH người lao động tiến độ còn chậm…một số khó khăn trong công tác thực hiện Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam, dữ liệu thông tin đồng bộ chưa cao, phần mềm tra cứu còn tương đối chậm dẫn đến khó khăn trong việc xử lý, hoàn thiện hệ thống dữ liệu…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban công tác tháng 10/2017, Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa đề nghị các phòng Nghiệp vụ và BHXH các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, khẩn trương hoàn thành trong 3 tháng cuối năm 2017 với một số nội dung cụ thể sau:
Một là, tiếp tục phối hợp tốt với Sở, ban, ngành chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt Thông báo số 848/TB-TU ngày 10/8/2017 của Thành ủy Hà Nội về ý kiến kết luận của đồng chí Bí thư Thành ủy và Công văn số 4456/UBND-KGVX ngày 12/9/2017 của UBND Thành phố về việc thực hiện Thông báo số 848-TB/TU của Thành ủy. Hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch thu 2017; đạt tỷ lệ bao phủ BHYT Thành phố giao là 82,8%;
Hai là, tập trung triển khai thực hiện tốt Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Tiếp tục tập trung thực hiện đôn đốc thu nợ BHXH, trọng tâm là 2 tháng 10 và 11, không để số nợ dưới 3 tháng tăng cao; đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, duy trì phối hợp liên ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp nợ BHXH, chú trọng doanh nghiệp nợ dưới 6 tháng. Tham mưu để UBND Thành phố chủ trì Hội nghị về công tác thu nợ BHXH và quản lý, sử dụng quỹ BHYT;
Ba là, phối hợp Cục thuế Thành phố cập nhật danh sách các doanh nghiệp đang đóng thuế nhưng chưa tham gia BHXH để tập trung phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Đẩy nhanh tiến độ rà soát và nhập dữ liệu bàn giao sổ BHXH cho người lao động. Triển khai thực hiện tốt các nội dung Công văn 4724/UBND-KGVX ngày 27/9/2017 của UBND Thành phố về việc hoàn thiện, cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT;
Bốn là, duy trì phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, phấn đấu giảm 10% chi phí bình quân so với năm 2016;
Năm là, thực hiện chi trả, giải quyết các chế độ chính sách BHXH, BHYT đảm bảo kịp thời, an toàn, chính xác, đúng đối tượng hưởng;
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, thực hiện giao dịch Hồ sơ điện tử, ứng dụng hiệu quả Hệ thống thông tin giám định BHYT vào công tác giám định thanh toán chi phí KCB BHYT. Phấn đấu đến cuối năm 2017, giảm tỷ lệ hồ sơ chậm muộn xuống dưới 3%;
Bảy là, tập trung thực hiện tuyên truyền, đối thoại trực tiếp các doanh nghiệp nợ tiềnBHXH, các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH để phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT;
Tám là, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao năm 2017, đồng thời xử lý nghiêm với những trường hợp vi phạm pháp luật trong khi thực thi công vụ. nâng cao ý thức văn hóa công sở trong giao tiếp, ứng xử với các tổ chức, cá nhân đến liên hệ giao dịch với cơ quan BHXH.