BHXH TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ người tham gia

(PLO) - Qua việc nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), thời gian qua, BHXH TP HCM đã tạo nên chuyển biến rõ rệt trong việc giải quyết các hồ sơ về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), giảm thiểu được tỷ lệ hồ sơ giải quyết tồn đọng hoặc thất lạc hồ sơ. 
Hội nghị trực tuyến công tác lưu trữ năm 2018 và triển khai phần mềm lưu trữ hồ sơ điện tử phiên bản 1.0 tại điểm cầu BHXH TP Hồ Chí Minh
Hội nghị trực tuyến công tác lưu trữ năm 2018 và triển khai phần mềm lưu trữ hồ sơ điện tử phiên bản 1.0 tại điểm cầu BHXH TP Hồ Chí Minh

Nỗ lực thực hiện cải cách hành chính

Tính đến 30/9/2018, toàn TP HCM có 80.745/83.841 đơn vị giao dịch điện tử, đạt tỷ lệ 96,31%; có 419.674 bộ hồ sơ giao dịch điện tử đã được xử lý, với 3.274.575 lượt người, tăng và 3.297.378 lượt người giảm qua hồ sơ điện tử.

Đến nay, trên địa bàn TP HCM đã có gần 2,3 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; hơn 5 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, gần 2,15 triệu người tham gia BH thất nghiệp, gần 7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và đạt độ bao phủ 82,9% dân số. Số thu BHXH, BHYT trong 9 tháng đầu năm 2018 đã thực hiện 41.428 tỷ đồng (năm 2018 ước thu được 62.000 tỷ đồng), đạt 69% so với kế hoạch năm, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TP HCM - cho biết, đây là thành phố đông dân, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Nhiều năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP HCM hết sức phong phú, đa dạng với tốc độ phát triển cao, tập trung nhiều dân cư và thu hút nhiều lao động từ các địa phương khác đến, từ đó, tạo ra tiềm năng và những điều kiện cần thiết để thực hiện chính sách BHXH, BHYT. 

Để đáp ứng yêu cầu đó, BHXH TP HCM luôn đặt công tác cải cách TTHC là mục tiêu hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể, cơ quan BHXH TP HCM và các quận huyện luôn luôn đổi mới phương thức hoạt động để người dân và doanh nghiệp (DN) lựa chọn khi giao dịch (giao dịch điện tử, giao dịch qua bưu điện và trực tiếp). Đồng thời, đòi hỏi ngành y tế cũng phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT.

Hiện tại, ứng dụng CNTT đã bao phủ hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu của BHXH tại TP HCM như: Giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giám định điện tử chi phí KCB thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản… Đến nay, BHXH TP HCM đã đạt tỉ lệ kết nối 100% giữa BHXH Việt Nam với các đơn vị trực thuộc; kết nối 100% với sở chuyên ngành. Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT được trang bị đầy đủ và đang vận hành hiệu quả, tiếp tục phát huy hoàn thiện. 

“Trên nền tảng đó, với khối lượng quản lý lớn và số lượt giao dịch hồ sơ ngày càng tăng, đòi hỏi BHXH TP HCM phải luôn đẩy mạnh CCHC từ khâu tiếp nhận đến giải quyết hồ sơ, trả kết quả đến tận NLĐ thông qua đại lý thu, đơn vị sử dụng lao động...”, ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TP HCM - nhấn mạnh.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Tuy nhiên, nhiều người dân hiện nay chưa quan tâm đến tham gia BHXH, BHYT, do vậy, thời gian qua BHXH TP HCM đã tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của về BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện. 

Mới đây nhất, cuối tháng 9/2018, Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP HCM đã phối hợp với BHXH TP HCM ký kết Quy chế phối hợp công tác nhằm tăng cường phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH. Ông Tô Đại Phong - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP HCM - tin rằng, với vai trò của mình, Ban Tuyên giáo sẽ tích cực chủ động trong triển khai các hoạt động thông tin, định hướng, chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo đài thường xuyên tuyên truyền chủ trương, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT đến đông đảo người dân, DN.

Riêng đối với ngành Thuế, BHXH TP HCM cũng đã phối hợp chặt chẽ trong triển khai công tác trao đổi thông tin. Căn cứ vào quy chế phối hợp đã được ký kết, BHXH và Cục Thuế TP HCM đã thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình đóng thuế và tình hình tham gia BHXH của tổ chức trả thu nhập giữa hai cơ quan. Đồng thời, phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức trả thu nhập có số nợ tiền BHXH từ 100 triệu đồng trở lên. Hàng năm, dựa vào danh sách các tổ chức chi trả thu nhập đang được quản lý thuế do cơ quan thuế cung cấp cho cơ quan BHXH để rà soát và lọc ra những đơn vị đang được cơ quan thuế quản lý thuế nhưng chưa thực hiện tham gia BHXH, từ đó khai thác và mở rộng đối tượng tham gia BHXH trên tinh thần Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị.

Đọc thêm