Bí ẩn “lời nguyền của sơn thần Nyanga“

(PLO) -Ngay giữa thiên nhiên tươi đẹp Phi châu vẫn còn có những nơi kỳ bí, thách thức sự hiểu biết của con người trong suốt hàng thiên niên kỷ qua với những câu chuyện gợi sự tò mò, những truyền thuyết cùng những hiện tượng không sao giải thích được...
Thổ dân núi Nyanga trong một nghi lễ cúng thần linh nhằm trả lại người bị mất tích
Thổ dân núi Nyanga trong một nghi lễ cúng thần linh nhằm trả lại người bị mất tích

Một trong những nơi như thế là một rặng núi hẻo lánh nằm ngay tại Zimbabwe, được mang tên “Rặng núi nuốt người”. Rặng núi này cũng trở nên khét tiếng với những vụ người mất tích trong vùng, xem ra còn “tà ác” hơn hẳn Tam giác quỷ Berrmuda ở Đại Tây Dương.

Myanga – rặng núi dị thường

Nằm ngay trong lòng khu hoang dã có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở phía Bắc cao nguyên Đông xứ Zimbabwe là một địa danh có tên gọi Vườn quốc gia Nyanga, một trong những vườn quốc gia lớn nhất và lâu đời nhất tại Zimbabwe, quê hương của ngọn thác nước cao nhất Zimbabwe - thác Mutarazi.

Nổi bật nhất trong số cảnh quan ở đây là rặng núi Nyanga huyền thoại. Với độ cao 2.592 m, núi Nyanga được xem là ngọn cao nhất Zibabwe, nổi tiếng bởi những vụ mất tích kỳ bí, cùng những kiểu biến đổi thời tiết kỳ quái. 

Những lời đồn đãi nhuốm màu hoang đường vẫn đang râm ran giữa các bộ lạc. Dân địa phương và cả du khách khi đi vào núi Nyanga thảy đều báo cáo rằng họ đã tiếp xúc với nhiều sự việc kỳ lạ: la bàn và thiết bị điện đôi khi hoạt động chệch choạc và thường nổ tung; ảnh chụp thường bị hỏng bất ngờ; thời tiết diễn biến kỳ lạ không sao dự báo trước được, gió hú như chọc thủng màng tai; sương mù dày đặc bất ngờ hiện ra như thể xuất hiện từ đâu đó trên trời và như có mắt dõi theo người đi bộ.

Hai ngọn thác nơi được khách du lịch yêu thích chụp ảnh ở núi Nyanga, Zimbabwe
Hai ngọn thác nơi được khách du lịch yêu thích chụp ảnh ở núi Nyanga, Zimbabwe 

Ngoài ra, còn có các báo cáo rằng khách tham quan bỗng nhiên chóng mặt, mất phương hướng mà không rõ lý do, ngay cả người đi núi dày dạn kinh nghiệm nhất cũng nhiều khi bị mất phương hướng, hay cảm giác chóng mặt nặng hoặc buồn nôn xuất hiện rất thình lình... 

Những vụ mất tích bí ẩn

Vùng núi Nyanga còn được biết đến nhiều bởi những vụ mất tích huyền bí  khi dân trong vùng sợ hãi nói rằng, những vị khách không may mắn khi vào đây đã bị núi “nuốt chửng”. Mặc dù không rõ có bao nhiêu người đã mất tích trong vùng núi Nyangan, nhưng vào năm 1981, 2 cô con gái của một viên chức chính phủ tên là Tichaendepi Masaya đột nhiên mất tích trong lúc đang trên núi. Vị quan chức đã tung một đội quân tìm kiếm đông đảo, nhưng kết cục vẫn là con số 0 cho đến tận ngày nay. 

Gần đây hơn, là vụ mất tích của một khách du lịch người Zimbabwe gốc Ấn Độ trạc 31 tuổi tên là Zayd Dada, vào ngày 4 tháng Giêng năm 2014. Dada leo núi cùng với bà xã và một cặp vợ chồng khác vào lúc tảng sáng, và kể từ đó không còn ai nhìn thấy anh nữa.

Những người còn lại kể rằng, trong lúc cả đám mệt mỏi sau khi cuốc bộ thì chỉ có Dada tách ra một góc để ngắm cảnh. Khi không thấy Dada quay lại, họ bổ đi tìm nhưng không biết anh đang ở nơi nào, bèn cấp tốc xuống núi báo với nhà chức trách.

Biển báo ghi những lời khuyên và cảnh báo du khách khi vào núi Nyanga do chính quyền Zimbabwe dựng nên
Biển báo ghi những lời khuyên và cảnh báo du khách khi vào núi Nyanga do chính quyền Zimbabwe dựng nên 

Một cuộc tìm kiếm với sự tham gia của Quân đội quốc gia Zimbabwe, Không lực Zimbabwe và Cảnh sát cộng hòa Zimbabwe cũng như nhiều nhà leo núi chuyên nghiệp khác, càn quét toàn bộ địa hình bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến như bản đồ vệ tinh 3D và máy chụp hồng ngoại nhưng không thành công. 

Và kỳ quặc hơn cả khi nói đến sự thần bí của rặng núi Nyanga là có trường hợp người bị tuyên bố là mất tích thì bỗng dưng xuất hiện trở lại. Đó là vào đầu thập niên 1980, trong lúc thực hiện một chuyến dã ngoại cùng với 2 người bạn đồng hành, một quan chức cao cấp của chính phủ bỗng nhiên mất tích trên núi Nyanga. Nhóm bộ ba đã mất tích tổng cộng 4 ngày và mọi cuộc tìm kiếm đều vô hiệu.

Sau khi tái xuất hiện, bộ ba này kể rằng họ đã lang thang vô vọng nhưng không cảm thấy mệt mỏi, khát nước hay đói cồn cào trong suốt 4 ngày bị “mất tích”. Họ đã nhìn thấy đám người tìm kiếm mình, nhưng không sao ra hiệu được, có cảm giác như đang “tàng hình”, không nghe tiếng người kêu gọi, cũng không sao gọi to để được cứu hộ.

Mãi sau đó, các tù trưởng bộ lạc thực hiện một nghi lễ hiến tế máu để cầu cúng sơn thần thì 3 người bị mất tích mới được tìm thấy lại. Và kỳ lạ là, cả 3 nói rằng dù họ mất tích 4 ngày nhưng có cảm giác mọi chuyện như mới xảy ra từ... cách đó vài giờ.  

Nạn nhân Zayd Dada cùng vợ đi vào núi Nyanga và vĩnh viễn không thấy trở về
Nạn nhân Zayd Dada cùng vợ đi vào núi Nyanga và vĩnh viễn không thấy trở về 

Gần đây là một vụ cũng không kém phần kỳ lạ. Một du khách Anh 20 tuổi tên là Thomas Gaisford, đã biến mất trong lúc thám hiểm núi Nyanaga vào tháng 11/2014. Thomas Gaisford quyết tâm tự mình lên đỉnh núi Nyanga, tuy nhiên cỡ 3 giờ chiều, Gaisford nhìn thấy một đám sương khói dầy đặc hạ xuống núi và như nhấn chìm cậu.

Mất phương hướng, Gaisford quyết định dựng trại và sinh hoạt trong lều để đợi thời tiết bất lợi qua đi. Trong màn đêm như mực, cậu chợt nhìn thấy có rất nhiều động vật quây vòng tròn quanh lều và nhìn cậu không chớp mắt. Khi được tìm thấy, Gaisford đã viết về trải nghiệm kỳ lạ đó như sau: “Tôi cầu nguyện và ngủ khoảng 10 tiếng.

Vài con rắn đáng sợ tiếp cận tôi. Tôi không làm gì chọc tức chúng cả. Tôi cũng nhìn thấy những đôi mắt ngầu máu đang lom lom nhìn tôi. “Các vị khách” muốn đo dây thần kinh của tôi. Tôi vẫn tự tin mình đối phó được. Ngày hôm sau khi sương mù tan đi, tôi thức dậy, leo xuống núi”. 

Lời nguyền của sơn thần Nyanga

Hầu hết tù trưởng các bộ lạc trong vùng đều cảnh báo về sự giận dữ của những linh hồn lang thang,  những “vùng cấm” nơi nhốt các linh hồn. Những tù trưởng cao niên từ rất lâu đã cảnh báo phải tuân thủ các quy tắc khi lên núi Nyanga và không chọc tức các linh hồn khi họ làm sơn thần canh gác chốn tôn nghiêm. 

Những đám mây sương khói dị thường là căn nguyên gây nên các vụ mất tích ở núi Nyanga
Những đám mây sương khói dị thường là căn nguyên gây nên các vụ mất tích ở núi Nyanga 

Theo người dân địa phương, những người mất tích là đang được quản thúc bởi các sơn thần, và rằng chỉ khi họ tuân theo các chỉ dẫn ấy thì thì tính mạng mới được an toàn. Bằng cách thực hiện các nghi lễ cầu cúng, mong thần linh tha thứ, thì mới đủ khả năng để mang những người bị thất lạc trở lại đời thực. 

Song, có lẽ cách giải thích hợp lý hơn liên quan đến địa hình kỳ lạ của vùng núi Nyanga. Đây có lẽ là một trong những nơi có kiểu biến đổi thời tiết ngoạn mục nhất và sắc nét nhất hành tinh, cũng như có những kiểu sản sinh ra các đám mây sương khói dầy đặc bất thường có thể đe dọa hay làm rối loạn phương hướng của người leo núi.

Thêm nữa, bề mặt địa hình rất không tốt với nhiều khối đá dựng đứng hoặc sắc nhọn, những bậc thang đá phân tầng không hợp lý, những tuyến đường mòn mọc rậm rạp dây, cây rừng, sự xâm thực dữ dội của các thảm thực vật... có thể đã tạo ra sự cố khó hiểu cho các nhà leo núi giàu kinh nghiệm nhất. Một tai nạn nhỏ nhất cũng có thể khiến cho họ bị mắc kẹt, bị thương trong điều kiện sương mù, không thể tìm thấy lối ra và tệ hơn là có thể bị rơi thẳng xuống vách núi, chết bất đắc kỳ tử. 

Hiện tại, những người muốn khám phá núi Nyanga phải trả một khoản phí tương đương 5 USD/giờ để được đồng hành cùng với hướng dẫn viên dầy dạn kinh nghiệm. Họ phải đem theo điện thoại di động được sạc đầy pin, có đèn pin với nguồn pin ổn định.

Thổ dân núi Nyanga trong một nghi lễ cúng thần linh nhằm trả lại người bị mất tích
Thổ dân núi Nyanga trong một nghi lễ cúng thần linh nhằm trả lại người bị mất tích 

Chính phủ Zimbabwe cũng đang xây dựng các tháp vô tuyến trong các khu vực lân cận núi Nyanga, thường xuyên dọn dẹp và đánh dấu vị trí các tuyến đường mòn chính và an toàn, xây dựng những tuyến đường mòn với đầy đủ vỉa hè. Vùng núi Nyanga vẫn chìm trong bí ẩn, đan xen giữa phong cảnh thiên nhiên trác tuyệt và các truyền thuyết dị thường, những hiện tượng lạ lẫm cùng những vụ mất tích người rất kinh ngạc.../.