Bí ẩn 'ông Tổ' nghề sân khấu

(PLVN) - Nhiều năm trở lại đây, ngày giỗ Tổ nghề sân khấu 12/8 âm lịch đã trở thành ngày lễ quen thuộc ở Việt Nam, đặc biệt với giới nghệ sĩ. Dù còn nhiều bí ẩn về “ông Tổ” nghề nhưng với những nghệ sỹ, ngày này có ý nghĩa rất lớn, là sự tri ân với các bậc tiền nhân đã sáng tạo ra nghệ thuật sân khấu.
Nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TP Hồ Chí Minh trình diễn nghi lễ dâng hương, thỉnh Tổ. (Ảnh: Linh Bảo)
Nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TP Hồ Chí Minh trình diễn nghi lễ dâng hương, thỉnh Tổ. (Ảnh: Linh Bảo)

“Ông Tổ” nghề sân khấu là ai?

Theo các nhà nghiên cứu, có rất nhiều giai thoại về ngày giỗ Tổ của ngành Sân khấu Việt Nam nhưng giai thoại nào cũng chỉ mang tính ước lệ, rất khó để xác định cụ thể nguồn gốc của ngày này. Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất là truyền thuyết về một nhà vua không có con nên thường xuyên làm lễ cầu xin trời phật ban phúc, mỗi lần làm lễ lại cho người đóng vai thần tiên múa hát.

Sau này, hoàng hậu hạ sinh được hai vị hoàng tử. Cả hai lớn lên đều rất mê ca hát, đến nỗi bỏ ăn, bỏ ngủ, sức khỏe suy sụp. Vua cha vì thế cấm các con xem hát. Các hoàng tử đã lén rời khỏi hoàng cung, chui vào bộng cây vông nem để trốn theo gánh hát, nhưng không may hỏa hoạn xảy ra khiến họ qua đời. Ngày ấy là 12/8 âm lịch. Tuy nhiên, linh hồn của hai hoàng tử vẫn ở lại sân khấu, độ trì cho người theo nghiệp cầm ca. Giới nghệ sĩ từ đó quyết định lấy ngày 12/8 âm lịch là ngày giỗ Tổ và lập bàn thờ phụng kính là Tổ nghiệp. Bàn thờ trong các đoàn hát thường đặt hai cốt gỗ nhỏ như búp bê, tượng trưng cho hai vị hoàng tử.

Nhưng nhiều người cũng cho rằng, việc hai vị hoàng tử vì quá mê xem hát mà mất ngày vào 12/8 âm lịch chỉ là lý do ca ngợi nghề sân khấu. Họ chỉ là khán giả yêu sân khấu, chứ không phải là Tổ nghề. Hơn nữa, vua cha thành lập đoàn hát chứng tỏ những nghệ sĩ hát phải có trước. Vậy Tổ nghiệp của sân khấu trước nữa là ai?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái từng chia sẻ, đó không phải giai thoại duy nhất. Còn nhiều giai thoại khác và nhiều nghệ sĩ tin rằng Tổ của ngành Sân khấu gồm ba vị là Tiên sư, Tổ sư và Thánh sư, gọi chung là Tam vị Thánh Tổ. Tiên sư là vị khai sáng ra nghề, Tổ sư là người tiếp nối, lưu truyền nghề và Thánh sư là vị soạn giả có tài văn chương.

Lại có giai thoại cho rằng Tổ nghề sân khấu bao gồm ba ông: ông vua, ông ăn mày và ông ăn cướp. Đó là lý do thời xưa có nghệ sĩ kỵ cho tiền người ăn mày và cũng có người tin kẻ cướp sẽ không cướp của các đoàn hát. Và cũng vì có Tổ là ăn xin nên những người nghệ sĩ thường không than vãn về những sóng gió phải trải qua, chuyện nhận lại ít hay nhiều là do “phúc phần”. Có những nghệ sĩ dù cả đời không được một lần điểm mặt, nhớ tên, họ vẫn cần mẫn và say sưa với con đường đã chọn mà không một lời oán thán.

NSND Đinh Bằng Phi lý giải: “Ông cha ta đặt ra những giai thoại này vừa dựa trên thực tế, vừa mang tính hoang đường, rồi truyền miệng từ đời này truyền sang đời khác. Ví dụ, giai thoại hai vị hoàng tử là hai vị hoàng tử nào đó, đâu rõ đời nào đâu. Còn nếu nói “ông tổ” là ăn mày thì do người hát luôn tôn kính tất cả các nghề, vì nghề nào cũng có đóng góp cho sự nghiệp sân khấu cả. Tại sao ăn mày được cho là “ông tổ”? Vì khi diễn nhân vật ăn mày, nghệ sĩ cũng phải học nghề ăn mày. Để nhớ ơn, sau này, họ liệt những người có đóng góp cho sân khấu đều là Tổ nghề…”.

Ngày giỗ Tổ “vui hơn Tết”

Do rất nhiều giai thoại khác nhau nên câu hỏi “Tổ nghề Sân khấu là ai” vẫn là một ẩn số. Dù vậy, cho đến nay, ngày 12/8 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng. Tục lệ giỗ Tổ sân khấu có hơn trăm năm nay, xuất phát từ những đoàn hát rong đầu tiên trong dân gian ở phía Nam là những gánh hát bội sơ khai. Sau hát bội, đến cải lương, kịch nói miền Nam tiếp nhận tục lệ này.

Hiện nay từ hát bội, cải lương, kịch nói, tấu hài đến ca sĩ, người mẫu, diễn viên điện ảnh, người dẫn chương trình, người đi theo gánh hát, hậu đài, các công ty sản xuất chương trình giải trí có liên quan đến nghệ sĩ đều tham dự giỗ Tổ sân khấu. Ngoài tham dự giỗ Tổ ở các sân khấu, nhiều nghệ sĩ tổ chức giỗ riêng tại nhà. Hiện, lệ giỗ Tổ sân khấu đã phổ biến trong giới nghệ sĩ cả nước.

Trong ngày giỗ Tổ, các nghệ sĩ thường sắm sửa lễ vật cúng Tổ thật chu toàn và dâng hương trước bàn thờ tổ nghiệp. Lễ giỗ thường có 3 hoạt động chính: lễ dâng hương, dâng hoa tổ nghề; đi thăm hỏi và tặng quà những nghệ sĩ cao tuổi, nghệ sĩ có cuộc sống khó khăn, tưởng nhớ những nghệ sĩ vang bóng một thời hoặc đã qua đời; biểu diễn những tiết mục nghệ thuật đặc sắc phục vụ khách đến cúng Tổ. Dù bận rộn đến đâu, các nghệ sĩ cũng thu xếp về dự giỗ Tổ, dâng nén nhang tưởng nhớ và cầu nguyện Tổ nghiệp phù hộ.

Nhiều nghệ sĩ chia sẻ, lễ giỗ Tổ sân khấu, các nghệ sĩ “vui hơn Tết”. Những ngày này, nghệ sĩ “chạy show” rất nhiều, nhưng không phải là show để biểu diễn mà là show dự lễ cúng tổ, đến chỗ này chung vui một ít, chỗ kia một ít, dâng hương cúng Tổ, vừa gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, rất rôm rả. Hầu hết nghệ sĩ đến cúng Tổ nghề đều ăn mặc trang trọng, đem theo lễ vật cúng Tổ với một đức tin gắn bó và phát triển nghiệp diễn.

NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ: “Cảm giác khi dâng hương lên Tổ nghiệp linh thiêng lắm. Mỗi lúc như vậy, mình có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát và bình an, vững tâm hơn. Tôi vẫn thường nói với học trò rằng có đức tin thì bản thân mình sẽ hoàn thiện hơn và sống nghiêm túc, đạo đức với nghề mà mình đã chọn hơn”.

Diễn viên Thúy Ngân tâm sự: “Năm nào Thúy Ngân cũng đến với Tổ để tự nhắc nhở bản thân phải làm nghề tử tế. Nếu như năm rồi vẫn còn băn khoăn và nhiều suy nghĩ về con đường sự nghiệp của mình thì năm nay niềm tin về nghề nghiệp của Thúy Ngân đã vững chắc hơn. Ngân tin nếu mình làm nghề tử tế và thành tâm thì Tổ nghề sẽ nhìn thấy và soi sáng cho con đường của mình phía trước”.

Năm 2011, Thủ tướng đã ký và ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg lấy ngày 12/8 âm lịch làm ngày Sân khấu Việt Nam. Đây là hoạt động kỷ niệm nhằm động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu và hoạt động sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ toàn dân, đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động cũng thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đọc thêm