Hà Nội một thời vàng son của sân khấu ca nhạc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ cái rạp ban đầu trên phố Hàng Cót, Hà Nội đã thật sống động với nhiều rạp hát sáng đèn phục vụ cho diễn kịch, tạp kỹ, ca hát, cải lương, tuồng… Một thời vang son đó làm cho đất Thăng Long lưu danh nhiều “tiếng hát với cung đàn”.
Hà Nội một thời vàng son của sân khấu ca nhạc

Gợi giấc mơ xưa

Năm 1887, một công ty của Hoa kiều đã xây rạp hát ở đầu phố Takou (nay là phố Hàng Cót) để diễn tuồng Trung Hoa. Tuy nhiên đứng tên xây dựng rạp lại là viên bác sĩ người Pháp tên là Nico. Ngoài diễn tuồng Trung Hoa, thỉnh thoảng rạp cũng cho các nhóm sân khấu, ca nhạc từ Pháp qua thuê biểu diễn. Rạp Takou là rạp hát đầu tiên ở Hà Nội theo kiểu phương Tây. Nó mở ra một lối sống giải trí mới của người Việt Nam vốn quen với lối diễn sân đình, hay những rạp hát nhỏ, lưu diễn ở hội hè, chợ… mang tính nghiệp dư.

Do cái rạp này quá chật chội và không đủ tầm với thành phố. Năm 1889, Hội đồng thành phố đã họp và quyết định xây dựng nhà hát. Đồ án thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp là Voyer và Harley được duyệt và nó mang dáng dấp của nhà hát Opera Paris. Hai nhà thầu khoán Pháp trúng thầu là Charavy và Savelon được giao thi công dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Harley lúc đó là quan thanh tra nhà cửa... Công trình được khởi công vào ngày 7/6/1901.

Sau khi khánh thành vào năm 1911, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật của người Pháp sống ở Hà Nội và cũng là địa điểm biểu diễn lý tưởng cho các đoàn kịch, nhóm nhạc từ Pháp qua. Tháng 10/1921, một sự kiện quan trọng diễn ra tại Nhà hát Lớn đó là ra mắt vở kịch “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long do Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp đứng ra tổ chức. Từ năm 1933-1939, nhiều ban kịch của người Việt đã diễn tại đây, trong đó có nhóm cải lương tài tử diễn vở “Hai gã thanh niên” lấy tiền ủng hộ bà con bị thiệt hại do bão lũ ở Thái Bình.

Bên cạnh Nhà Hát Lớn, Hà Nội vẫn tồn tại những rạp hát nhỏ, như rạp của nhà Thông Sáng ở phố Lương Văn Can với cái tên Kinh Kỳ hý viện. Đây là rạp hát tuồng đầu tiên của người Việt Nam ở Hà Nội. Đối diện với Thông Sáng là rạp Nam Chăn. Gọi là nhà hát nhưng thực ra là mấy ngồi nhà dài và rộng. Về sau Năm Chăn được cải tạo thành rạp chiếu bóng Tonkinois (nay là Nhà hát ca múa nhạc Hà Nội).

Sau Thông Sáng và Năm Chăn là Quảng Lạc chuyên diễn tuồng, xây năm 1900 ở số 8 Tạ Hiện (nay do Nhà hát kịch Hà Nội quản lý). Tuồng vắng dần khán giả, Quảng Lạc chuyển sang diễn cải lương vào 1935, phần lớn là các ban từ Nam ra. Khoảng năm 1920, Hà Nội có thêm rạp Thăng Long ở số 72-74 Hàng Bạc là nơi diễn tuồng và chèo. Năm 1925 rạp chuyển sang diễn cải lương và đổi tên thành Cải lương hý viện rồi Tố Như, nay là rạp Chuông Vàng.

Ngoài ra có rạp Phúc Thắng chuyên diễn tuồng. Gánh hát Phúc Thắng ra diễn ở Chợ Gạo, rồi chuyển sang Khâm Thiên ở chỗ nay là rạp Dân Chủ. Phố Hàng Buồm có rạp xi nê Family (thời bao cấp là Nhà văn hóa trung tâm thành phố), chủ yếu diễn tuồng do các gánh Tàu sang biểu diễn cho Hoa kiều. Có một rạp cũng diễn chèo là Tam Ký, sau đổi thành Lạc Thiện, nay là nhà hát chèo Kim Mã.

Hà Nội cũng có một rạp dành riêng để biểu diễn ca nhạc là Philharmonique, nay là Nhà hát múa rối Thăng Long ở phố Đinh Tiên Hoàng. Đây là nơi chủ yếu dành để chơi nhạc, ngoài ra còn tổ chức khiêu vũ, liên hoan hoặc cho các gánh hát.

Quảng cáo chương trình CLB âm nhạc Hội nhạc sĩ trên Báo Hànộimới ngày 10/3/1988. (Ảnh tư liệu)

Quảng cáo chương trình CLB âm nhạc Hội nhạc sĩ trên Báo Hànộimới ngày 10/3/1988. (Ảnh tư liệu)

Sự hình thành ban đầu của các gánh hát, rạp hát ở Hà Nội thời kỳ thuộc Pháp làm cho đời sống văn hoá tinh thần của người dân Thủ đô thêm phong phú. Nhiều nhạc sĩ trẻ hay nghệ sĩ đã bắt đầu viết nhạc tạo nên một đời sống tân nhạc Việt Nam phong phú, mang nhiều nỗi niềm tâm sự của người Việt trong một giai đoạn lịch sử.

Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng

Trong cuốn "Một thời Hà Nội hát", nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Trương Quý cho biết, cho đến thời điểm cuối thập niên 1940 ở Hà Nội, tân nhạc vẫn chưa có những chương trình riêng tại các sân khấu thuần túy cho biểu diễn ca nhạc. Nhà hát Lớn vẫn mang chức năng một địa điểm tổ chức các hội nghị long trọng hoặc kịch nói, hơn nữa lại gần như không mở cửa vào mùa hè.

Một địa điểm để các bài tân nhạc được biểu diễn công cộng là Nhà Kèn tại vườn hoa Chí Linh, song chủ yếu của ban nhạc quân đội Bảo chính đoàn vào các ngày Chủ nhật. Lối ra thương mại chính của chúng vẫn giống như thời kỳ đầu: phụ trợ cho các vở cải lương hoặc các buổi chiếu phim, hai loại hình giải trí ăn khách nhất. Để tạo ra sự cạnh tranh, các chủ rạp thuê các ban nhạc mới hát các bài hát này vào trước buổi chiếu và giờ giải lao, chẳng hạn rạp Long Biên ở phố Hàng Chiếu, rạp Hiệp Thành ở phố Đào Duy Từ, rạp Hàng Quạt.

Rạp Hiệp Thành quảng cáo: “Ngày chủ nhật 18/9/49, hồi 2 giờ. Một cuộc trình bày âm nhạc cải cách khổng lồ chưa từng thấy. Với những danh ca tại đài phát thanh Hà thành, mà bà con đã từng nghe danh tiếng như: Ngọc Bảo với giọng ca êm ái dịu dàng, Hoàng Giác tinh hoa của ca nhạc cải cách” (Thời Sự 18/9/1949).

Ban hợp ca Thăng Long trở lại Hà Nội bắt đầu biểu diễn ngày 1/9/1953 tại rạp Bắc Đô (phố Hàng Giấy) với “sự hướng dẫn của nhạc sĩ Phạm Duy với các cô Thái Thanh, Thái Hằng, Khánh Ngọc, các ca sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc, tài tử của đài Phát thanh Sài Gòn với sự cộng tác của hai nhạc sĩ Võ Đức Thu và Nguyễn Văn Giệp” (Tia Sáng 30/8/1953). Trong vòng hai tuần, ban hợp ca nổi tiếng này biểu diễn ca nhạc trước phần chiếu bóng với các ca khúc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Hoàng Trọng, Trần Văn Nhơn, cả những ca khúc của các nhạc sĩ kháng chiến như Văn Chung, Lê Yên, Nguyễn Xuân Khoát.

Chương trình này còn được tổ chức tại Nhà hát Lớn với sự tham gia của Thủ hiến Bắc Việt và thị trưởng Hà Nội. Tờ nhật báo Tia Sáng đã ghi nhận đây là “Một luồng gió mới trong ca nhạc kịch” và nhận xét đoàn thành công về cả tư tưởng và kỹ thuật vì “đã lột tả được tinh thần dân tộc ta”. (Sách Một thời Hà Nội hát).

Những thánh đường nghệ thuật của Hà Nội xưa.

Những thánh đường nghệ thuật của Hà Nội xưa.

Theo nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Trương Quý cho biết thêm: “Sau ngày tiếp quản Thủ đô gần một tháng (10/10/1954), trên tờ nhật báo phổ thông nhất Hà Nội khi đó – Thời Mới (thay thế tờ Tia Sáng), đã quảng cáo ca nhạc tại rạp Majestic (Tháng 8 ngày nay). Một tuần sau đó, chương trình này được đưa về rạp Đại Đồng. Trong khi đó, tại rạp Olympia có chương trình ca nhạc của dàn nhạc Lúa Vàng. Bên hồ Hoàn Kiếm, phòng trà Hoa Việt khai trương ngày 2/12/1954 tại quán Taverne Royale cũ, đường Đinh Tiên Hoàng, có ca nhạc vào 6 giờ tối hàng ngày.

Rạp Long Biên, sau gần một năm ban Văn Huy ngừng hoạt động, ngày 5/12/1954 phát quảng cáo chương trình ca nhạc của ban nhạc Lúa Vàng. Nhạc mục này có thay đổi hàng tuần, nhưng cơ bản vẫn sử dụng các bài hát sáng tác trước đây mang màu sắc lãng mạn hoặc mang tình tự dân tộc như Tình ca, Nhớ người ra đi (Phạm Duy), Tình nước (Vũ Hòa Thanh, thơ Chính Hữu)…

Đời sống âm nhạc giải trí Hà Nội khá nhộn nhịp, thu hút các ngôi sao từ thời tạm chiếm tái xuất. Tài tử Ngọc Bảo, “một danh ca nổi tiếng vắng mặt từ lâu, nay lại góp mặt trên sân khấu ca nhạc” trong quảng cáo vào ngày chủ nhật 9/1/1955 tại rạp Công Nhân với dàn nhạc Huy Cẩn. Ông hát bài Đợi anh về (Văn Chung, lời Tố Hữu dịch thơ Simonov) và Tiếng hát quay tơ (Tử Phác). Sau đó ông có tham gia biểu diễn tại rạp này, Đại Đồng và Long Biên…”.

Đó là nét sơ bộ về đời sống ca hát thời tân nhạc cho đến thời kháng chiến chống Pháp khói lửa. Những nhạc sĩ tài danh buổi ban đầu của âm nhạc Việt đã cho ra đời những khúc ca bất hủ mà bây giờ nghe lại vẫn rất tuyệt. Thời gian có thể làm những ông bầu, nhạc sĩ qua đời, rạp hát đã thay tên theo chiều dài lịch sử. Nhưng bài hát vẫn sống mãi, tình nghệ sĩ vẫn còn lưu luyến hậu thế.

Chương trình của CLB Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, (chỉ đạo nghệ thuật Khắc Huề) là sân khấu đầu tiên “phá rào” biểu diễn các ca khúc “tiền chiến”, tức các bài hát lãng mạn sáng tác trước 1954 (về sau mở rộng cả các ca khúc phổ biến ở miền Nam trước 1975 có màu sắc trữ tình lãng mạn nối tiếp âm hưởng nhạc tiền chiến). Nhiều bài hát được hát lại sau 30 năm và các tác giả còn sống vô cùng xúc động khi chứng kiến những đứa con tinh thần thời tuổi trẻ đã được tái xuất. Ra đời vào khoảng sau Tết Âm lịch Mậu Thìn 1988, sau các đêm nhạc của Văn Cao (đầu năm), Đoàn Chuẩn (ngày 3/2/1988), thì chương trình sáng đèn hàng đêm, bắt đầu từ 10/3/1988 kéo dài đến tận khoảng năm 2016. Địa điểm biểu diễn ở chính phòng hòa nhạc nhỏ có sức chứa 70 người của biệt thự 51 Trần Hưng Đạo, nơi đặt trụ sở của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng nhiều hội nghệ thuật khác. Đây cũng là biệt thự cũ của vua Bảo Đại trước 1945.

Đọc thêm