Đây là vụ án thứ ba ông Chung bị xét xử, cùng với vụ án thứ nhất, hiện ông phải chấp hành tổng cộng 10 năm tù. Vụ án thứ hai liên quan Nhật Cường, ông Chung nhận 3 năm tù song đang kháng cáo nên bản án chưa có hiệu lực pháp luật.
Trong vụ án này, bị cáo Chung kháng cáo kêu oan, bị cáo Giang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo nhận định của HĐXX, đơn kháng cáo của các bị cáo đều trong thời hạn luật định, hợp pháp. Xét kháng cáo của bị cáo Chung, HĐXX phúc thẩm nhận thấy cấp sơ thẩm xác định Cty Arktic là Cty gia đình của bị cáo Chung, những người đứng tên góp vốn đều thừa nhận việc đứng tên chỉ là hình thức, tất cả là do vợ của bị cáo Chung điều hành; là có cơ sở.
HĐXX nêu rõ Cty Arktic được Nguyễn Đức Chung “bật đèn xanh”, tạo điều kiện cho việc nhập chế phẩm Redoxy-3C. Cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Chung về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là không oan. Tuy nhiên, thông qua LS, bị cáo đã tác động đến gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả, đồng thời tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã nhận thức được trách nhiệm của bản thân, thể hiện sự ăn năn… nên HĐXX thấy có đủ căn cứ áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ mới, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Xét kháng cáo của bị cáo Giang, HĐXX thấy bị cáo Giang là đồng phạm của Nguyễn Đức Chung, thực hiện một loạt hành vi sai phạm, gây thiệt hại cho ngân sách TP. Ngoài các tình tiết giảm nhẹ đã được cấp sơ thẩm xem xét, đến nay bị cáo Giang đã nộp toàn bộ số tiền khắc phục hậu quả, nhận thức được hành vi vi phạm của mình nên HĐXX có căn cứ chấp nhận giảm một phần hình phạt cho Nguyễn Trường Giang.
Bên cạnh việc xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Chung và Giang, HĐXX cũng phân tích và thấy có cơ sở giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu TGĐ Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội).
Do các bị cáo đã nộp đủ số tiền mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên, vì thế toàn bộ thiệt hại đã được khắc phục nên HĐXX quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản với 3 bị cáo.
Từ những phân tích nêu trên, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định chấp nhận kháng cáo của các bị cáo. Cụ thể, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Chung 5 năm tù, bị cáo Giang 3 năm tù và Hùng 30 tháng tù. Trước đó, ông Chung bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù, Nguyễn Trường Giang 4 năm 6 tháng tù và Võ Tiến Hùng 4 năm tù về cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo bản án sơ thẩm, ông Chung với cương vị người đứng đầu UBND TP đã đề nghị Cty Watch Water nghiên cứu chế phẩm Redoxy-3C. Ông mong muốn đây là sản phẩm độc quyền của TP và Watch Water sau đó đồng ý bán giá "ưu đãi" 8,5 euro/kg.
Sau khi thử nghiệm 100kg chế phẩm đầu tiên, ông Chung chỉ đạo miệng Võ Tiến Hùng "giao mua chế phẩm Redoxy-3C qua Cty Arktic". Cty này do vợ ông Chung thành lập, góp 5 tỷ đồng, nhưng để Giang cùng một người khác đứng tên.
Cựu chủ tịch UBND TP ban hành thông báo đàm phán mua độc quyền chế phẩm từ Đức, nhưng lại chỉ đạo Hùng không mua trực tiếp với giá ưu đãi, mà mua thông qua Arktic.
Từ năm 2016 đến 2019, theo chỉ đạo và được ông Chung tạo điều kiện, Arktic đã nhập khẩu hơn 489.000kg chế phẩm Redoxy-3C với chi phí hơn 115 tỷ đồng. Arktic bán lại cho Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội giá hơn 151 tỷ đồng. Hành vi mua bán lòng vòng của hai công ty khiến Hà Nội bị thiệt hại 36,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Chung còn chỉ đạo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C của Cty Arktic trái với chỉ đạo của chính bị cáo tại Thông báo số 308 ngày 22/8/2016.
Trước đó, trong hai ngày xét xử phiên phúc thẩm, ông Chung một mực kêu oan, cho rằng làm tất cả cũng chỉ vì sự trong sạch của các sông hồ ở Hà Nội; không biết việc vợ cùng con trai và một số người khác thành lập Cty. Ông cũng không tham gia điều hành, chỉ đạo ở Cty này nên cơ quan công tố cáo buộc ông "ưu ái cho Cty gia đình mua chế phẩm" là không đúng.
Về quá trình mua sắm, ông Chung phủ nhận chỉ đạo Võ Tiến Hùng mua Redoxy-3C thông qua Cty Arktic của Nguyễn Trường Giang; khẳng định mọi việc làm đều minh bạch và cá nhân "đã làm hết khả năng để Hà Nội có được sản phẩm chất lượng nhất".
Trong phiên thẩm vấn, ông Chung còn từng từ chối nhận 10 tỷ đồng chị gái nộp thay ở phiên sơ thẩm, đòi gặp trực tiếp để "hỏi cho rõ các vấn đề". Ông Chung sau đó chấp nhận khi HĐXX công bố lá đơn của chị gái ông gửi đến tòa, thể hiện rằng chỉ vì tình thương em trai nên đã nộp thay 10 tỷ đồng. Số tiền này, chị gái "cho ông Chung chứ không đòi lại".
Tuy vậy, sau hai phiên tranh cãi, đến cuối ngày xét xử thứ hai, ông Chung nói đã nhận thức được trách nhiệm người đứng đầu UBND TP. Ông cho rằng đây là trách nhiệm của tập thể lãnh đạo TP với tất cả công việc, chứ không riêng gì vụ mua Redoxy-3C. Cùng lúc này, gia đình thay ông nộp thêm 15 tỷ đồng khắc phục hậu quả để hoàn thành trách nhiệm dân sự trong vụ án là 25 tỷ đồng.
Gia đình Nguyễn Trường Giang cũng nộp thêm tiền để khắc phục toàn bộ 7,1 tỷ đồng, Võ Tiến Hùng nộp đủ 4 tỷ đồng.
Ngược lại với những gì ông Chung khai, Giang cho rằng không phải họ hàng nhưng có quen biết với gia đình cựu Chủ tịch UBND Hà Nội do cung cấp một số hàng hoá cho siêu thị của vợ ông Chung. Giang nói Arktic là Cty thuộc gia đình ông Chung và anh ta không góp vốn, làm thuê hưởng lương theo năm. "Việc mua bán các sản phẩm của Cty, trong đó có chế phẩm Redoxy 3C, đều do ông Chung chỉ đạo", Giang khai.
Từ năm 2016, Giang bắt đầu gặp ông Chung và được nhờ đi cùng đoàn công tác của Hà Nội để phiên dịch cho đoàn, dự triển lãm ở Đức. Quá trình công tác, Giang được tham gia cuộc họp với một số đối tác để trao đổi về chế phẩm xử lý nước thải do Cty Watch Water sản xuất, không bàn về kế hoạch mua bán.
"Vậy ai chỉ đạo Arktic ký thỏa thuận phân phối độc quyền sản phẩm của Watch Water, bao gồm Redoxy 3C?", chủ toạ hỏi.
Giang cúi đầu, nói: "Chính anh Nguyễn Đức Chung chỉ đạo bị cáo thay mặt Cty Arktic ký phân phối độc quyền hóa chất xử lý nước. Tuy vậy, bị cáo chỉ quản lý hoạt động Cty và làm theo chỉ đạo của người khác".