Dù chính phủ đã ban hành những hình phạt nghiêm khắc hơn nhưng các vụ tấn công man rợ bằng axit tại Pakistan vẫn tiếp tục gia tăng. Ước tính, mỗi năm có đến hơn 150 phụ nữ tại nước này trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công bằng axit.
|
Shama trước khi bị tấn công. Ảnh: BBC |
Thủ phạm thường chính là người chồng hoặc gia đình nhà chồng, và hầu hết những người này chẳng bao giờ phải chịu sự trừng trị của pháp luật.
Cái tên Shama – có nghĩa là “ngọn nến” - dường như đã “vận” vào người thiếu phụ trẻ khi cô bị chính người chồng đốt cháy cả da thịt như thể một ngọn nến thực thụ. Người mẹ của 4 đứa con vừa được bổ sung vào danh sách dài những nạn nhân mới nhất bị tạt axit tại Pakistan khi phải sống với sự tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần với 15% diện tích cơ thể đã bị bỏng.
Cái “tội” mà Shama đã phạm phải chính là cô quá xinh đẹp! “Tôi và chồng thường xuyên xảy ra tranh cãi. Một ngày nọ, trước khi đi ngủ, chồng tôi nói rằng tôi đã quá tự hào về sắc đẹp của mình. Đến giữa đêm hôm ấy, hắn đã hất cả một bịch axit vào người tôi rồi bỏ chạy” – Shama kể lại trong khi vẫn phải nằm viện để điều trị. Người chồng độc ác cũng không quên cầm theo cả chiếc điện thoại của vợ để cô không thể gọi ai đó đến cứu.
Cô gái trẻ cho phóng viên xem một bức ảnh chụp 4 tháng trước. Shama có đủ lý do để tự hào về vẻ đẹp của mình ở thời điểm trước khi bị tấn công với gương mặt gần như không trang điểm, mái tóc vén ra sau, để lộ đôi hoa tai lấp lánh. Nhưng, axit đã cuốn đi tất cả sự tự tin và tàn phá cô gái trẻ đến thảm hại.
“Tôi cảm thấy vô cùng đau đớn khi nghĩ về tôi của quá khứ và tôi bây giờ” – Shama nói, với những giọt nước mắt lăn dài trên gò má đã bị cháy xém vì axit của mình. “Cuộc sống này với tôi giờ thật tối tăm. Tôi thấy mình giống như một cái thây ma còn sống hoặc thậm chí còn tệ hơn thế nữa. Thà chết đi còn sướng hơn” – Shama chua chát nói.
Shama hiện đang nằm tại giường số 10, khoa Bỏng tại Bệnh viện Nishtar, thuộc tỉnh Punjab. Cơ sở vật chất của bệnh viện này hết sức tồi tàn nhưng các bác sỹ tại đây lại đều là những chuyên gia trong việc điều trị cho các bệnh nhân bị tấn công bằng axit – bởi mỗi tuần họ đều phải điều trị cho một đến 2 bệnh nhân như vậy.
Mỗi sáng, các bác sỹ lại đến thăm khám, bôi thuốc cho Shama để cô có thể dịu bớt đi nỗi đau nhưng họ lại không thể làm gì để vợi bớt những tổn thương tinh thần của cô. “Tôi không thể nói gì về tương lai. Có thể tôi sẽ không qua khỏi. Nhưng vì con, tôi sẽ gắng gượng hết sức. Tôi cần làm việc để tạo dựng tương lai cho chúng” – bà mẹ trẻ tỏ ra kiên cường.
Hồi tháng trước, dư luận Pakistan xôn xao trước thông tin Fakhra Younis – một cựu vũ công và cũng là một nạn nhân đáng thương của axit – đã tự tử tại Italia. Người ta nói rằng Fakhra đã phải chết đến 2 lần – lần đầu tiên là khi bị tạt axit 13 năm trước và lần thứ 2 chính là khi cô tự tử để giải thoát cho bản thân. Những người tiếp xúc với Fakhra những ngày cuối đời cho hay, cô gái trẻ đã từ bỏ hy vọng về việc đòi công lý cho mình.
Bởi chồng cũ của cô – vốn xuất thân trong một gia đình quyền lực – đã được tuyên trắng án dù tấn công vợ hết sức dã man. Cái chết của Fakhra trở thành tiêu điểm trên các phương tiện truyền thông Pakistan nhưng các nhà hoạt động xã hội nói rằng vẫn còn rất nhiều các nạn nhân khác không hề được biết đến.
“Chỉ có khoảng 10% các vụ việc như vậy được đưa ra tòa án” – ông Zohra Yusuf - Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Pakistan, cho biết. Ông Yusuf cũng nói thêm rằng, ngay cả trong trường hợp nghiêm trọng như của Fakhra, việc truy tố vẫn hết sức khó khăn bởi cảnh sát hiếm khi điều tra về các vụ việc.
|
Shama sau khi bị tấn công. Ảnh: BBC |
Theo đạo luật vừa được thông qua hồi năm ngoái, những tội phạm tấn công bằng axit sẽ phải đối mặt với án tù từ 14 năm tới chung thân. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Marvi Memon đồng thời là người ủng hộ bộ luật mới cho hay, phần lớn những kẻ gây án vẫn không bị trừng phạt. “Ngay cả khi bị bắt, kẻ phạm tội vẫn có thể đút lót cho cảnh sát và hắn sẽ được chuyển tới những địa phương khác” - bà Memon nói.
Theo bà Marvi Memon, nguyên nhân chính là do hệ thống chính trị Pakistan quá yếu kém, không đủ khả năng để thực thi luật pháp. “Rất khó để khiến cảnh sát phối hợp với những phụ nữ, bởi họ không bị buộc phải làm như vậy” – bà Memon nói thêm.
Chính phủ Pakistan cũng thừa nhận cần phải giúp đỡ các nạn nhân bị tạt axit nhiều hơn nhưng việc thi hành luật pháp vẫn là thách thức lớn. “Việc thông qua luật chỉ là bước đầu tiên.
Tuy nhiên, vẫn cần phải thúc đẩy để đưa các vụ việc này ra tòa. Đó là một phần công việc mà chúng tôi đang tiến hành. Chúng tôi đang cần có sự công tâm của cảnh sát, hệ thống tòa án cấp cơ sở và cộng đồng tư pháp” - Shahnaz Wazir Ali – một cố vấn của chính phủ nói.
Thanh Tâm (Theo BBC)