Bị gắn nội dung xấu, độc trong quảng cáo trên Youtube: “Thuốc” nào trị “bệnh”?

(PLO) - Trước tình trạng quảng cáo của nhiều nhãn hàng bị gắn vào các video xấu, độc trên Youtube, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất giải pháp lập ra danh sách tài khoản sạch (White list) và danh sách tài khoản xấu, độc (Black list) cho Youtube.
Bị gắn nội dung xấu, độc trong quảng cáo trên Youtube: “Thuốc” nào trị “bệnh”?

Quảng cáo bất chấp quy định pháp luật Việt Nam

Tại Hội thảo “An toàn thương hiệu trong thời đại kinh tế số” do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) – cho biết, vào tháng 2/2017, đơn vị này đã có một hoạt động thu hút sự chú ý của các bên là cảnh báo doanh nghiệp, nhãn hàng, đại lý trong nước về việc những sản phẩm thương hiệu của họ bị gắn vào các video xấu, độc được lan truyền trên Youtube. Các video mà nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam bị gắn có nội dung xấu, độc như chống phá Nhà nước, chống phá chế độ, khiêu dâm, những nội dung quảng cáo xuyên tạc, sai sự thật, mặt hàng giả…

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, lần này, chúng ta dùng danh sách trắng để khuyến khích những tổ chức, cá nhân mong muốn kinh doanh lành mạnh, nhất là những người muốn kiếm tiền từ sản xuất nội dung trên Youtube. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích những người sản xuất video trên Youtube, hưởng thu nhập từ quảng cáo đăng ký với Bộ, để Bộ có đầy đủ thông tin về cá nhân, tổ chức, địa chỉ, được cơ quan chủ quản quản lý, khi có vấn đề sẽ có kênh để liên hệ. Từ đó, Bộ sẽ đưa ra một danh sách các kênh uy tín trên Youtube. Có thể hiểu rằng đây chính là công tác tiền kiểm thay vì hậu kiểm như cách mà Youtube đang áp dụng.

Khi Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo, tất cả các nhãn hàng lớn như Vinamilk, FPT, Ford, VietnamAirlines... cũng đều dừng quảng cáo trên Youtube cho tới khi Google tìm được cách khắc phục triệt để tình trạng này.

Ông Tự Do nhận định, Facebook đang quảng cáo bất chấp các quy định của pháp luật Việt Nam. Bởi, bất cứ nội dung nào cũng được đưa lên như buôn bán động vật hoang dã, tiền giả, hàng giả, vũ khí…, thậm chí là nội dung xúc phạm đến cá nhân, doanh nghiệp cũng được tung lên theo dạng mua quảng cáo.

Về vị trí hiển thị quảng cáo, tất cả quảng cáo chỉ quan tâm đến nội dung, chưa quan tâm đến vị trí hiển thị nên mới có tình trạng xuất hiện quảng cáo ở nội dung xấu, độc, lực lượng phản động trên Facebook. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử một mặt yêu cầu Facebook, một mặt rà soát những quy định để bổ sung do hiện nay vẫn còn thiếu nhiều quy định như chưa có quy định thẩm định về nội dung quảng cáo trên mạng xã hội, về vị trí hiển thị quảng cáo, chế tài xử phạt.

Lỗi tại ai: doanh nghiệp, đại lý quảng cáo hay Google, Facebook?

Điều bất ngờ là khi sự việc được phát hiện thì cả 3 bên tham gia bao gồm doanh nghiệp, đại lý quảng cáo và những nhà cung cấp nền tảng như Google, Facebook đều đổ lỗi cho nhau. 

Sau sự việc này, Google cho biết họ đã thay đổi thuật toán, tinh chỉnh lại các bộ phận kiểm duyệt trên mạng. Tuy nhiên, “một điều đáng tiếc là đến nay (cuối tháng 1/2018) Google vẫn chưa tìm ra giải pháp triệt để”, ông Lê Quang Tự Do nhận định. Khi Google tăng cường bộ lọc thì những kẻ đăng video xấu, độc lại tìm ra chiêu ứng phó. 

Google và Facebook đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường quảng cáo ở Việt Nam. Chỉ tính trong năm 2017, hai đơn vị này chiếm 66% thị phần quảng cáo trực tuyến, các báo điện tử, mạng xã hội, thông tin trong nước chỉ chiếm 7%, 27% rơi vào hệ thống quảng cáo Adnetwork, trong đó Google và Facebook chiếm hơn một nửa, cộng lại Facebook và Google chiếm 80% thị phần quảng cáo, nhưng không đóng một đồng thuế nào.

Theo thống kê, trong năm 2017, mỗi phút có trung bình 400 giờ video được đăng tải trên mạng Youtube, đến từ hơn 350 triệu kênh Youtube trên toàn cầu, và chỉ riêng Việt Nam đã có tới 78.000 kênh.

Trong khi đó, giải pháp quản lý với Facebook khó hơn với Google, vì quảng cáo trên Facebook theo từng đợt, chiến dịch. Ví dụ họ muốn nhắm đến đối tượng người sống tại Hà Nội từ 20-25 tuổi, yêu thích thể thao thì với BigData đang nắm giữ, Facebook có thể lọc dễ dàng. Và khi chạy quảng cáo trong 1-2 tuần, sau đó thì hết. Tức là không giống như Google tồn tại mãi, dễ dàng phát hiện, với Facebook cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn hơn.

“Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Facebook các cấp để yêu cầu họ gỡ các tài khoản phục vụ cho các mục đích quảng cáo sai trái như vậy. Họ đã gỡ nhưng chưa đạt được nhiều theo yêu cầu” - ông Lê Quang Tự Do cho biết – “Tín hiệu tích cực là vừa qua Cục đã gửi 400 tài khoản kinh doanh buôn bán, quảng cáo mặt hàng giả, hàng cấm thì Facebook cũng xóa được khoảng 70%”.

Theo Phó Cục trưởng Lê Quang Tự Do, nguyên nhân là các tài khoản quảng cáo sai trái lại núp dưới danh nghĩa tài khoản cá nhân, không lấy tên công ty, doanh nghiệp, việc quét để tìm ra tài khoản đó mất khá nhiều công sức. Điểm hạn chế nữa là để xóa tài khoản, chính sách của Facebook rất khó khăn. Không như gỡ bình luận, để xóa tài khoản phải có quy trình các bước, phải chứng minh được người đó vi phạm nhiều lần.

“Tuy nhiên, tại Việt Nam thì khác, chỉ 1 lần vi phạm cũng có thể đi tù chứ không phải nhiều lần” - ông Tự Do nói – “Hiện hai bên đang tìm tiếng nói chung”. 

Còn các đại lý quảng cáo thì trong tình trạng “bỏ thì thương vương thì tội”, do nhu cầu quảng cáo trực tuyến đang rất lớn, trong khi báo giấy sụt giảm, quảng cáo trên truyền hình thì lại quá đắt đỏ.

Khắc phục cách nào?

Phó Cục trưởng Lê Quang Tự Do cũng nêu ra 3 thiếu sót lớn của hệ thống pháp luật hiện tại. Thứ nhất là việc thẩm định nội dụng quảng cáo trên mạng xã hội. Thứ hai, vị trí hiển thị các quảng cáo chưa được quan tâm đúng mức. Thứ ba, mức chế tài xử phạt quá thấp chưa đủ sức răn đe.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Lê Quang Tự Do đề cập tới một giải pháp sẽ được đưa ra triển khai từ tháng 3/2018, đó là lập ra một danh sách “sạch”, hay còn gọi là “white list” cho Youtube nhằm lọc ra các doanh nghiệp, nhà cung cấp uy tín, được đăng kiểm và quản lý chặt chẽ và thông tin xác thực. Từ đó từng bước giúp thị trường trong sạch và đảm bảo an toàn thương hiệu trước các thông tin xấu, độc.

Được biết, trước đây chỉ có một danh sách gồm các đơn vị vi phạm tạm gọi là danh sách đen - “black list”. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Tự Do, danh sách xấu, độc này  là “không thể kiểm soát được”, bởi số lượng các clip thông tin xấu độc gia tăng liên tục và nằm ngoài tầm kiểm soát của các đơn vị chức năng.

Công việc chuẩn bị cho giải pháp này đang được tiến hành và được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả phòng chống thông tin xấu, độc, giúp Nhà nước thu thuế được từ những người làm nội dung trên Youtube.

Số lần hiển thị quảng cáo ít ỏi trên một môi trường không an toàn có thể làm giảm uy tín thương hiệu

Theo ông Niall Hogan, hiện là Giám đốc IAS của thị trường châu Á (công ty thực hiện chứng nhận 7 tỉ lần xuất hiện quảng cáo mỗi ngày), chất lượng quảng cáo tổng quan tại Việt Nam hiện đang thấp hơn tiêu chuẩn trung bình.

Đây là thông số được đưa ra dựa trên kết quả xác thực 1 tỉ lần hiển thị quảng cáo của IAS. Cụ thể, tỷ lệ hiển thị cho người xem tại Việt Nam là 53,2% (thấp hơn mức trung bình 59,3%), và tỷ lệ an toàn đạt 89,5% (mức trung bình 95,85%).

Đối với chất lượng quảng cáo bằng video thì tỷ lệ người thật xem cao hơn với 59%, nhưng tỉ lệ an toàn lại thấp hơn, chỉ có 76,8%.

Ông Hogan cũng nhận định rằng chỉ với số lần hiển thị quảng cáo cực kỳ ít ỏi trên một môi trường không an toàn cũng có thể làm giảm uy tín thương hiệu của bạn. Chính bởi lý do này mà theo ông, ngày càng có nhiều doanh nghiệp không tin tưởng để quảng cáo trên YouTube nữa.

Đọc thêm