Bi hài chuyện dâu, rể lo Tết

Tết là dịp để các chàng rể, nàng dâu thể hiện trách nhiệm của mình với cha mẹ hai bên. Tuy nhiên, do bất cẩn, xuê xoa đại khái trong việc thực hiện nghi lễ, nhiều dâu, rể đã làm bố mẹ phiền lòng, Tết vì thế mà kém vui.

Tết là dịp để các chàng rể, nàng dâu thể hiện trách nhiệm của mình với cha mẹ hai bên. Tuy nhiên, do bất cẩn, xuê xoa đại khái trong việc thực hiện nghi lễ, nhiều dâu, rể đã làm bố mẹ phiền lòng, Tết vì thế mà kém vui.

Tết là dịp để thể hiện tấm lòng hiểu thảo của con cái với cha mẹ.
Tết là dịp để thể hiện tấm lòng hiểu thảo của con cái với cha mẹ.

Con rể bị bố vợ trả lễ

Tại nhiều tỉnh phía Bắc hiện nay vẫn còn giữ phong tục con rể “đi Tết” nhà vợ. Với nhiều gia đình, tính chất lễ nghĩa này là không thể thiếu, thậm chí còn là thước đo phẩm giá của con rể. Tuy nhiên, do sự qua loa đại khái mà nhiều anh con rể bị rơi vào tình thế khó xử. Chuyện của anh Hùng ở Bình Lục, Hà Nam, là một ví dụ.

Chuyện xảy ra từ trước Tết Nhâm Thìn năm ngoái. Như thường lệ, năm nào anh Hùng cũng sắm lễ vật rất to mang đến nhà bố mẹ vợ. Dù nhà bố vợ thuộc hàng khá giả nhưng vì muốn thể hiện tấm lòng thành nên anh Hùng thường “chi” thoáng cho vụ này.

Vào đúng ngày 29, anh Hùng mua một nải chuối rất đẹp, một quả phật thủ lớn cùng rượu vang ngoại với rất nhiều bánh kẹo dự định mang đến nhà bố mẹ vợ. Nhưng vì bận bịu sửa soạn bàn thờ nhà mình nên anh đã nhờ Lành, em gái vợ mang về giúp. Nhìn thấy con gái mang lễ vật của con rể về, ông Mai, bố vợ anh Hùng giận tím mặt.

Ông mắng con gái một thôi một hồi rồi bắt cô mang lễ vật trả lại cho con rể. Anh Hùng đỏ mặt vì ngượng. Ngượng với các con và với cả em vợ của mình. Đã “nhỡ qua sông thì phải lụy đò”, anh Hùng bảo Lành về trước, còn mình quần áo chỉnh tề, mang theo đứa con út 3 tuổi vội vàng đến nhà ông ngoại dâng lễ. Vừa vào đến cổng, anh đã chào thật to: “Bố, con mang lễ cúng gia tiên đây ạ. Có chút sơ suất, bố bỏ qua cho con!”.

Nhìn thấy anh con rể khệ nệ tay bưng lễ, luôn mồm “xin lỗi bố”, ông Mai hết giận nhưng vẫn không quên dạy dỗ: “Nhà tôi không thiếu. Anh lấy con tôi 5 năm rồi phải biết đây là chuyện hiếu nghĩa. Anh đừng nghĩ cái lễ của anh là to, không có lễ của anh thì tôi không có gì để mà cúng. Nhà tôi cần là cần cái tấm lòng của anh chứ đâu phải nải chuối hay chai rượu…”.

Nói rồi, ông Mai giúp con rể mang lễ sắp lên bàn thờ. Ông gọi vợ chuẩn bị cơm nước để bố con anh Hùng ở lại cùng ăn bữa tất niên.

Sợ Tết vì chuyện cúng Tân niên

Vợ chồng Thương sống chung với mẹ chồng ở Mỹ Đình, Hà Nội, bố chồng Thương đã mất. Kinh tế chủ yếu do vợ chồng Thương gây dựng nhưng những công to việc lớn trong nhà Thương luôn để cho mẹ chồng được nắm quyền chỉ đạo.

Bà Chinh, mẹ chồng Thương năm nay 60 tuổi. Theo nếp gia đình nhà chồng để lại từ trước, bà Chinh rất coi trọng lễ cúng Tân niên (năm mới, có nơi còn gọi là cúng đơm) trong ba ngày Tết. Cái Tết đầu tiên khi về làm dâu nhà bà Chinh, Thương “hơi sốc” vì ba ngày Tết phải làm việc đầu tắt mặt tối. Ngày nào cũng hai bữa làm cơm để cúng gia tiên khiến Thương mệt nhoài, chẳng có thời gian để đi chơi nữa.

Thương kể: “Cứ sắp lên, cúng xong lại dọn rửa chứ có ăn uống được nhiều đâu chị. Nhà có bao nhiêu món là sắp lên bấy nhiêu nên lượng bát đĩa rất nhiều. Nấu nướng, rửa bát còng cả lưng chị ạ. Ngày thường mình chỉ lo một bữa thường, ấy thế mà Tết lo đến hai bữa cúng, không khác gì hai bữa tiệc nên mệt mỏi  vô cùng. Tết phải làm ô sin nên em sợ lắm!”.

Không thể chấp nhận được việc ba ngày Tết chỉ biết có mỗi cái bếp nên Thương đã cùng chồng bàn mưu thay đổi quan niệm của mẹ chồng. Cũng cái Tết Nhâm Thìn năm ngoái, Thương nhờ chồng tác động bằng cách bố trí cho cả gia đình đi du lịch. Thương thuyết phục bà Chinh “mẹ phải đi cùng bọn con, một mình mẹ ở nhà lo chuyện cúng đơm sao xuể...”, rằng “năm nay ông thầy bói bảo gia đình con  phải đi du lịch thì mới có lộc”...

Nói là nói vậy nhưng Thương biết tỏng mẹ chồng sẽ không bao giờ đi. Không phải bà không muốn đi cùng con cháu mà vì bà nặng lòng với chuyện cúng lễ gia tiên ngày Tết. Rốt cuộc, vì hoàn cảnh mà bà Chinh đã phải ở lại “lo Tết” một mình, còn vợ chồng con cái Thương đi du lịch ở Sapa.

Thương cho biết: “Thương bà lắm nhưng không biết phải làm cách nào. Đây là nghi lễ của gia đình mà mẹ chồng em phải thực hiện từ khi về làm dâu nên cứ nhất nhất muốn bọn em làm theo. Việc cúng gia tiên là quan trọng, em cũng không dám tự ý làm khác đi đâu. Nhưng em đã đi hỏi một số nhà tâm linh rồi, họ cũng tư vấn là chỉ cần cúng mỗi ngày một bữa để thể hiện được cái tâm của mình là chính. Nhiều gia đình bạn bè đồng nghiệp của em cúng gia tiên mấy ngày Tết rất đơn giản chứ không cầu kỳ như nhà em”.

Thương cũng cho biết, sau khi đi Sapa về, cô mua rất nhiều quà cho bà Chinh. Vừa lấy lòng vừa an ủi mẹ chồng, đồng thời Thương đưa bà đến nhà ông thầy bói đã xem cho cô từ trước. Bằng sự khéo léo này của Thương, cuối cùng bà Chinh cũng phải thay đổi cách nghĩ. Thay vì ngày cúng cơm ngày hai lần thì Tết năm nay mẹ con bà Chinh đã thống nhất chỉ cúng mỗi ngày một bữa sáng hoặc trưa.

“Năm nay em không phải lo nhiều chuyện cúng đơm ngày Tết nữa. Sáng dậy em có thể chuẩn bị nhanh, cúng sớm là xong, tha hồ vợ chồng con cái đi chơi. Và nếu có đi du lịch đâu xa thì mẹ em vẫn có thể đảm nhiệm được việc cúng đơm mà không đến nỗi quá vất vả chị ạ”, Thương nói.

GS Đặng Cảnh Khanh (Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển): Lễ cốt ở tâm!

Người Việt xưa có câu “dâu là con, rể là khách” với ý nghĩa con dâu sau khi lập gia đình thì về ở nhà chồng nên bố mẹ chồng nên coi như con. Còn con rể thường không ở cùng nhà với bố mẹ vợ nhưng vẫn là con và bố mẹ vợ nên tôn trọng con. Nói “rể là khách” là bởi ý nghĩa đó.

Vậy nhưng qua nhiều sự thay đổi vận mệnh dân tộc trong lịch sử, dần dần người ta hiểu sai ý nghĩa của câu nói này nên từ đó có những ứng xử không hợp đạo lý, không đúng với quan niệm của người xưa để lại.

Từ xa xưa, dân gian đã có quan niệm “con nào cũng là con”. Việc người con rể mang lễ cúng gia tiên bên vợ vào ngày Tết là một nét nghi lễ đẹp. Việc anh con rể không mang lễ đến nhà vợ mà chỉ gửi người khác mang về khi không có lý do chính đáng thì điều đó là đáng trách. Bởi cái này thuộc về “lễ”. Đã là nghi lễ thì phải thể hiện được tấm lòng, cái “tâm” mới là quan trọng.

Nhà nghiên cứu tâm linh Phan Oanh: Đừng để việc “lễ” trở thành gánh nặng

Tết Nguyên đán tôn trọng nghi lễ là bởi các phong tục tập quán của người Việt thể hiện rất rõ trong những ngày này. Việc cúng đơm (Tân niên) trong ba ngày Tết theo tôi là việc cần làm, nên duy trì, là thứ nghi lễ mang đậm nét văn hóa của người Việt ta.

Người Việt quan niệm ngày Tết là ngày sum họp, không chỉ người dương trần mà là dịp gặp gỡ được với tổ tiên. Cúng đơm trong ngày Tết vì thế là dịp để ôn lại với tổ tiên những việc đã làm trong năm, những tâm nguyện đang thực hiện. Hương khói bốc lên tạo điều kiện cho người dương và người âm gặp nhau.

Tuy nhiên, hiện nay trong việc cúng đơm ngày Tết ở nhiều gia đình có nhiều thứ rườm rà không cần thiết. Lễ bao giờ cũng phải xuất phát từ cái tâm. Nhiều người giàu có bày bàn thờ ê hề thức ăn, hương khói nghi ngút nhưng không có cái tâm hướng vọng đến tổ tiên thì có dâng bao nhiêu lễ vật cũng vô nghĩa.

Lễ là thể hiện cái tâm của mình. Chính vì vậy một ngày chỉ cần cúng cơm một bữa là đủ. Đừng để việc lễ trở thành “gánh nặng” cho người còn sống. Bởi tổ tiên có về cũng không ai muốn nhìn thấy con cháu mình phải nhăn nhó, đau khổ.

Theo Gia đình

Đọc thêm