Bi hài chuyện kiện chó ra tòa

Từ 7 năm nay nhiều người Mỹ chờ đợi kết luận của Tòa tối cao liên bang Mỹ về hai vụ kiện liên quan tới chó nghiệp vụ. Ngày 19/2/2013 vừa qua, tòa công bố phán quyết của một trong hai vụ, là một án lệ quan trọng để giới luật gia có hướng xử lý các vụ tương tự.

Từ 7 năm nay nhiều người Mỹ chờ đợi kết luận của Tòa tối cao liên bang Mỹ về hai vụ kiện liên quan tới chó nghiệp vụ. Ngày 19/2/2013 vừa qua, tòa công bố phán quyết của một trong hai vụ, là một án lệ quan trọng để giới luật gia có hướng xử lý các vụ tương tự.

Chó nghiệp vụ Aldo

Chó nghiệp vụ bị nghi “kém nghiệp vụ”?

Chó Aldo là “nhân vật” chính trong vụ kiện vừa được xét xử. Năm 2006, một viên cảnh sát chặn chiếc xe tải do Clayton Harris đang lái trên đường phố bang Florida, nhận thấy Harris có những biểu hiện của người sử dụng ma túy, bên cạnh còn có một lon bia đã mở nắp.

Nghi ngờ trong xe chứa ma túy, viên cảnh sát dẫn chó Aldo đi quanh xe tải đánh hơi. Khi thấy chó ngồi xuống, thể hiện động tác báo đã ngửi thấy mùi ma túy như đã được huấn luyện, cảnh sát cho chó vào trong xe tải tìm kiếm, bất chấp sự phản đối của chủ xe.

Viên cảnh sát đã  tìm thấy nhiều viên pseudoephedrine và các chất liệu khác dùng để chế methamphetamine (một loại ma túy) trong xe. Harris phải thú nhận vừa nấu và sử dụng methamphetamine, sau đó bị buộc tội sở hữu bất hợp pháp pseudoephedrine.

Trong thời gian được tại ngoại, một lần nữa Harris lại gặp lại “cố nhân” là viên cảnh sát và chú chó trên. Một lần nữa đánh hơi bên ngoài xe, con chó lại báo phát hiện ma túy và cuộc lục soát lại diễn ra. Tuy nhiên lần này con chó đã sai, cảnh sát không tìm thấy bất cứ loại ma túy nào.

Luật sư của chủ xe đã viện dẫn quyền riêng tư theo tu chính án Hiến pháp thứ tư của Mỹ để biện hộ cho thân chủ thoát tội. Theo luật, cảnh sát phải có lý do chính đáng trước khi tiến hành khám xét.

Chó nghiệp vụ góp công đắc lực trong việc phòng chống tội phạm

Phản biện, viên cảnh sát cho rằng động tác báo tin phát hiện ma túy của chó Aldo là lý do chính đáng để khám xét. Luật sư không chấp nhận, cho rằng năng lực đánh hơi ma túy của chó Aldo không đáng tin cậy nên sự báo động không thể xem là lý do chính đáng. Đây chính là “khe hở” chết người. Tòa án đã rất loay hoay trong việc xét năng lực đánh hơi ma túy của chú chó. Bang Florida chưa đưa ra tiêu chuẩn thẩm định mũi của chó đánh hơi ma túy thính tới đâu, mức nào thì có thể tin cậy.

Chó Aldo đã qua các khóa huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ do Sở cảnh sát tổ chức, được cấp giấy chứng nhận năng lực của trường huấn luyện chó. Viên cảnh sát quản lý con chó xác nhận công tác của Aldo “tốt, đáng tin cậy”. Từng ấy thứ không đủ để Tòa tối cao bang Florida tin vào năng lực đánh hơi của nó.

Tòa cấp này kết luận: Việc con chó được huấn luyện, được cấp giấy chứng nhận, không có nghĩa là động tác thông báo có ma túy của nó là chính xác, không là lý do chính đáng để khám xét. Như vậy cảnh sát Florida thua, chủ xe thắng.

Vụ việc đưa tiếp tới Tòa tối cao liên bang Mỹ. Phán quyết của Tòa tối cao liên bang Mỹ ngày 19/22013 ngược lại với tòa cấp dưới. Tòa tối cao chấp nhận động tác báo có ma túy của chó Aldo là lý do chính đáng; cho rằng dù từng phạm sai lầm nhưng báo động của chó Aldo vẫn đáng tin cậy vì được huấn luyện chuyên môn, được cấp  giấy chứng nhận năng lực, được người điều khiển “nhận xét tốt”. Tòa cấp trên cũng không quên phê phán tòa bang Florida “đã sai”.

Phán quyết này được nhiều người nhận định là đã thể hiện sự trân trọng công trạng của chó nghiệp vụ trong nỗ lực chống ma túy. Những chú chó nghiệp vụ không chỉ góp công đắc lực trong phát hiện tìm kiếm ma túy, mà còn giúp cảnh sát giảm bớt nhiều nguy hiểm khi thi hành nhiệm vụ.

Chó muốn đánh hơi cũng phải… xin phép?

Vụ kiện thứ hai liên quan đến chó nghiệp vụ, đang chờ  xét xử, cũng đến từ bang Florida. Năm 2006, cảnh sát nhận tin báo nhà của một người tên Joelis Jardines trồng cần sa nên bố trí lực lượng canh gác, theo dõi. Một buổi sáng, một nhân viên cảnh sát dắt chó nghiệp vụ Franky vào sân nhà, bên ngoài cửa trước, để đánh hơi cần sa. Sau khi chó Franky báo phát hiện cần sa, cảnh sát xin lệnh khám nhà, bắt quả tang chủ nhà không chỉ trồng cần sa mà còn ăn cắp điện, tịch thu 179 cây cần sa, bắt giam Jardines.

Vụ án này đã lần lượt được xét xử tại đủ các cấp tòa của bang Florida  nhưng phán quyết của các tòa “dẫm chân” nhau. Luật sư của Jardines viện dẫn luật bảo vệ quyền riêng tư để bảo vệ thân chủ, đưa lý lẽ “việc đưa chó nghiệp vụ vào sân nhà riêng để đánh hơi trước khi xin được lệnh khám nhà là hành vi xâm nhập gia cư bất hợp pháp”. Vì vậy, luật sư cho rằng bằng chứng chống lại Jardines không có giá trị pháp luật.

Chó nghiệp vụ Franky

Tòa sơ thẩm chấp nhận lý lẽ của luật sư nên không công nhận bằng chứng nêu trên. Tòa thượng thẩm lại không đồng quan điểm với Tòa sơ thẩm, xem việc chó nghiệp vụ vào sân nhà riêng để đánh hơi là hợp pháp. Tòa tối cao bang Florida thì ra phán quyết giống Tòa sơ thẩm.

Dư luận nhốn nháo tranh cãi về các kết quả trái ngược của các cấp tòa. Phía ủng hộ chủ nhà nói luật Mỹ cho nhà riêng quyền riêng tư nhiều hơn nơi công cộng trong trường hợp dùng chó nghiệp vụ đánh hơi ma túy. Rằng chó nghiệp vụ đánh hơi hành lý cá nhân ở các sân bay, hay bên ngoài xe ô tô  không trái luật; còn với nhà riêng, dù chỉ ở ngoài sân, luật cũng không cho phép xâm nhập để điều tra, tìm kiếm.

Phía ủng hộ chú chó Franky nói việc đánh hơi của chó nghiệp vụ không vi phạm quyền riêng tư cá nhân, vì nó chỉ tìm, phát hiện hoạt động phạm pháp, là những yếu tố không nằm trong quyền riêng tư. Do đặc điểm thính mũi, chó được sử dụng như một phương tiện dò tìm. “Thông tin duy nhất mà chó có thể cung cấp là có hay không có ma túy, ngoài ra chẳng có gì khác được tiết lộ, nên chẳng có điều riêng tư cá nhân nào bị đe dọa. Vì thế cảnh sát không cần xin lệnh khám xét trước khi cho chó vào đánh hơi nhà riêng”, một luật gia lập luận.

Điều đáng quan tâm hơn là phản ứng của nhiều bang trên nước Mỹ với phán quyết chống lại con chó. Chưởng lý bang Florida, Pam Bondi đã yêu cầu Tòa tối cao liên bang Mỹ bác phán quyết của Tòa tối cao bang Florida. Tiếp theo đó, 18 bang và lãnh thổ Guam đệ trình Tòa tối cao liên bang Mỹ một văn bản ủng hộ chưởng lý Pam Bondi.

Bằng lời lẽ quyết liệt, văn bản trên cho rằng quyết định của Tòa tối cao bang Florida “hủy hoại khả năng sử dụng “công cụ chủ yếu” của các bang trong việc phát hiện ma túy trước khi ma túy được phân phối”. Văn bản cũng bày tỏ sự lo lắng về việc tòa án của các bang khác có thể đưa ra các phán quyết tương tự như Tòa Florida, gây ảnh hưởng xấu tới nỗ lực chống ma túy của các cơ quan bảo vệ luật pháp.

Theo nhiều luật gia Mỹ, những sự lên tiếng chính thức này chắc chắn sẽ được Tòa tối cao liên bang Mỹ đặc biệt chú ý khi đưa ra phán quyết cuối cùng trong phiên xử tới đây.     

Ngọc Hương

Đọc thêm