Nhiều người nói rằng con gái nghe lời mẹ hơn, “mẹ con chấy rận” nên mẹ dễ gần gũi và dạy bảo con gái hơn. Nghĩ thế nên ở nhiều gia đình, bố chẳng có tiếng nói với con gái hoặc con gái tránh bố như tránh lửa…
|
Hình minh họa |
Mẹ đi vắng, bố ở nhà, nhưng hàng xóm chăm con
Không biết suy nghĩ thế nào mà chị Đặng Mai ở Trung Kính, Hà Nội luôn nghĩ rằng nên hạn chế sự gần gũi giữa chồng mình với con gái. Con gái chị năm nay học lớp một, rất tình cảm, mỗi lần bố mẹ đi làm về thường sà vào lòng ngồi. Thế nhưng, mỗi lần nhìn thấy con gái ngồi với bố là chị Mai lại kiếm cớ sai con làm một việc gì đấy để tách ra.
Vừa rồi trước khi đi công tác, chị Mai qua đánh tiếng nhờ chị hàng xóm thân sang tắm rửa cho con mỗi chiều. Ngạc nhiên, chị hàng xóm thắc mắc: “Thế bố nó cũng đi công tác à?”, “Không chị ạ, từ nhỏ em đã không bao giờ cho chồng em tắm cho con, giới tính khác nhau, không an toàn”. Nếu không chơi thân với nhau, nghe nói vậy hẳn chị hàng xóm sẽ nghĩ rằng họ không phải là bố đẻ - con ruột, mà là bố dượng – con riêng của vợ.
Anh Nguyễn Vân, giám đốc một công ty xây dựng ở miền Trung tâm sự, anh rất yêu cô con gái lớn đang là sinh viên đại học kiến trúc. Nhưng, hai bố con chỉ có thể ngồi nói chuyện với nhau trong giờ hành chính, tức là khi con trốn giờ học, bố trốn giờ làm ra quán cà phê. Còn khi đã về nhà, trước mặt mẹ thì đừng có hòng cười đùa, nói chuyện sẽ bị mắng ngay là con gái lớn mà không biết giữ ý, hoặc bố không làm gương cho con… Thậm chí, ở nhà hai bố con muốn trao đổi với nhau cũng phải dùng tin nhắn.
Thực tế, có khá nhiều bà mẹ áp dụng chính sách cách ly con gái khỏi bố. Thấy vậy, người ác ý đặt câu hỏi: Hay là chỉ có mẹ mới biết con gái và chồng mình không cùng huyết thống nên phòng ngừa hậu họa?. Người hiểu chuyện chép miệng: Tại giờ có quá nhiều vụ bố đẻ hiếp dâm con gái nên các bà mẹ đề phòng là phải.
Bố - người mẹ thứ hai của con gái
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng như vậy. Thậm chí, ở nhiều nhà bố đã trở thành người mẹ thứ hai của con gái. Hai câu chuyện dưới đây là dẫn chứng.
Cách đây không lâu một triển lãm sắp đặt quy mô lớn mang tên “Bố Hạo” của hoạ sĩ Lê Hiền Minh đã được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật, HN (66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội).
Hoạ sĩ Hiền Minh bộc bạch về lý do làm triển lãm về cha mình: “Nghệ thuật dường như là cách duy nhất tôi biết để qua đó cố gắng đối diện chân thật nhất với cảm xúc của mình. Khi bắt tay vào chuẩn bị cho triển lãm cũng là khi những suy ngẫm về bố bắt đầu mở ra. Tôi phải đối mặt với những cảm xúc lẫn lộn mà tôi đã tránh né trong bao năm. Những cảm xúc đầy thách thức này trở về mạnh mẽ khi tôi xem lại những bức ảnh kỷ niệm, sổ tay, thư viết, và rất nhiều những vật dụng khác của bố”.
Bố trong ký ức của họa sẽ Lê Hiền Minh vô cùng thân thiết, mỗi bước đi trưởng thành của cô ngày hôm nay, luôn có tư tưởng, tình cảm của bố dõi theo. Đối với cô, bố Hạo chỉ qua đời chứ mãi mãi bao giờ không “mất”.
Anh Nguyễn Văn Kiên là một luật sư đang điều hành một công ty luật tại TP HCM. Anh cũng là bố của hai cô con gái 5 và 12 tuổi. Anh đã tập hợp 18 thắc mắc tuổi mới lớn mà bố con anh trò chuyện với nhau để chia sẻ với các ông bố khác.
“Nghe lạ quá phải không các bạn! Con gái mà lại đi hỏi ba về giới tính, về sinh sản? Nhưng, nếu hỏi bác sĩ thì có vẻ gì đó nghiêm trọng quá. Hỏi mẹ thì mẹ lại hay ngại ngùng. Vậy thì con cứ hỏi ba nhé! Ba chẳng phải là bác sĩ, cũng chẳng phải mẹ để có thể hiểu hết những gì con hỏi. Nhưng ba sẽ tìm hiểu và sẽ cố gắng thẳng thắn trả lời tất cả những câu hỏi của con. Tôi muốn chia sẻ bài viết này đến các bạn đọc khác cùng hoàn cảnh, với mong muốn con cái của chúng ta sẽ không nhiều thì ít có được những kiến thức và thông tin cần thiết để đồng hành trong cuộc sống” – anh tâm sự.
Chia sẻ của anh đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều ông bố có con gái. Điều này cho thấy sự lo sợ của các bà mẹ nhiều khi là thái quá. Bố vẫn có thể trở thành người mẹ thứ hai của con – nếu cần.
Dương Nhi