Bộ GD-ĐT đang đặt mục tiêu thế hệ sinh viên sắp tới ra trường có khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu và làm việc; 80% sinh viên tốt nghiệp đạt mức 3 theo chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế… Thế nhưng liệu mong muốn của Bộ GD-ĐT có đạt được khi cách dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường còn nhiều bất cập?Kỳ 1: Khủng hoảng giáo viên Dù Bộ GD-ĐT đã ra chủ trương dạy ngoại ngữ từ cấp tiểu học nhưng hiện nay hấu hết các trường đều thiếu giáo viên do cạn nguồn tuyển. Mức lương thấp khiến nhiều giáo viên “dành sức” chạy sô, làm thêm. Ông Hoàng Xuân Quảng, Phó hiệu trưởng trường ĐH An Giang, cho biết năm nay trường chỉ tuyển được 30/60 chỉ tiêu cho ngành sư phạm ngoại ngữ.Chê sư phạm ngoại ngữ Ông Nguyễn Song Bình, Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Điện Biên cũng thổ lộ, ngành Sư phạm tiếng Anh mở mấy năm nay nhưng chưa năm nào đủ chỉ tiêu. Năm nay, trường có 100 chỉ tiêu nhưng mới có hơn 80 hồ sơ đăng ký và số thí sinh nhập học sẽ còn ít hơn. “Chương trình tiếng Anh phổ thông sơ sài khiến học sinh ngại đăng ký khối D”, ông Bình giải thích. Trong khi đó, ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên, cho biết toàn tỉnh hiện có khoảng 400-500 giáo viên dạy ngoại ngữ. Hiện nay, học sinh trong tỉnh bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 6 nên tạm đủ giáo viên nhưng từ năm tới, Sở triển khai chương trình dạy tiếng Anh từ lớp 3 thì sẽ thiếu trầm trọng. Đầu vào ngành sư phạm ngoại ngữ đã thiếu như vậy, nhưng đến khi ra trường nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cũng chê nghề sư phạm. Nguyễn Thị Huệ, tốt nghiệp bằng giỏi khoa Sư phạm, ĐH Ngoại Ngữ (ĐH Quốc Gia Hà Nội), nhưng ngay khi ra trường Huệ xin vào làm cho một công ty, tối đi dạy thêm ở trung tâm ngoại ngữ. “Với mức lương giáo viên hiện nay, sinh viên mới ra trường rất khó bám nghề. Hơn nữa, môi trường dạy học trong nhà trường quá gò bó, trong khi dạy ở Trung tâm năng động hơn”, Huệ nói. Cũng theo Huệ, đa số các bạn cùng lớp với Huệ đã chọn ngành tay trái để có điều kiện thực hành những kiến thức học ở trường và có thu nhập đảm bảo cuộc sống.
|
Hầu hết các trường đều “khát” giáo viên ngoại ngữ. Trong ảnh: Giờ học tiếng Anh tại trường tiểu học Cát Linh, Hà Nội. (Ảnh: Trung Kiên) |
Lương thấp, giáo viên “cày” thêm Với tiền lương chưa đầy hai triệu đồng một tháng, mỗi tuần Nguyễn Thị Lựu, giảng viên ngoại ngữ ĐH Hoa Lư (Ninh Bình) dạy thêm ba buổi ở một trung tâm ngoại ngữ với mức thù lao 150.000 đồng một buổi. “Đi dạy ở trung tâm vừa hỗ trợ việc giảng dạy trong trường vừa giúp mình có thêm thu nhập”, Lựu kể. Là giáo viên biên chế một trường ở Hà Nội nhưng mỗi tối chị Quỳnh cũng đi dạy thêm ở trung tâm ngoại ngữ, thậm chí chạy sô nhiều ca trong một buổi tối. Chị Quỳnh cho biết, một tiết học trong trường chỉ được trả 30-40.000 đồng trong khi ở trung tâm thường gấp 2-3 lần. Sau giờ lên lớp, chị Hằng, giáo viên tiếng Anh một trường tiểu học quận Tây Hồ lại tổ chức một nhóm học tại nhà theo nhu cầu của phụ huynh. Chị cho biết, thời gian học trên lớp chỉ đủ để dạy cho học sinh những kiến thức ngữ pháp cơ bản. Những giờ học thêm chị dành để luyện thêm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh.
Theo Đất việt