Bị hại kháng cáo cho bị cáo, tố sát nhân là kẻ khác

 Hai nhóm người chuẩn bị hung khí nguy hiểm cho một vụ xung đột nghiêm trọng, nhưng chỉ một bên bị xử lý…

Hai nhóm người chuẩn bị hung khí nguy hiểm cho một vụ xung đột nghiêm trọng, nhưng chỉ một bên bị xử lý…

“Mượn đường” không thành…

Ngày 26/8/2010, TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử vụ án giết người xảy ra tại khu vực cửa khẩu Lục Chắn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái làm thiệt mạng anh Lê Văn Điệp và Nguyễn Minh Trí, nhân viên Công ty Hồng Kông, một doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủy sản sang Trung Quốc.

Hai anh em ruột Nguyễn Tiến Phương – Giám đốc Công ty Quang Phát và Nguyễn Tiến Chung bị tuyên phạt với mức án cao nhất, tử hình. Hình phạt quá nặng trên đã bị chính gia đình bị hại kháng cáo, đề nghị TANDTC giảm nhẹ hình phạt.

Cửa khẩu Lục Chắn

Trở lại vụ việc, năm 2009, anh Lê Hữu Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Kông xin Phương cho sử dụng nhờ đường qua xã Hải Sơn để xuất khẩu hàng đông lạnh sang Trung Quốc, nhưng anh Phương từ chối vì lý do đường và cầu đang được sửa chữa. Hai bên đã to tiếng và có lời đe dọa đánh nhau.

Chiều 30/5/2009, các nhân viên của anh Lê Hữu Vinh đi vào khu vực bến Lục Chắn để chờ xuống hàng, trong đó có anh Điệp và Trí. Sợ có đánh nhau, anh Điệp bảo Đoàn Quyết Chiến về nhà anh Điệp lấy mìn lên để “đề phòng”. Chiến đã điện thoại cho Vũ Trọng Anh, yêu cầu đến nhà anh Điệp lấy 2 quả mìn tự tạo và 1 khẩu súng thể thao mang vào khu vực bến Lục Chắn. Khi Anh mang “đồ” đến thì anh Điệp bảo cầm “đồ” đứng cách nhóm của anh Điệp khoảng 100m.

Về phía Phương, thấy bị đe dọa nên cũng bảo anh Bùi Hải Bài gọi người lên bến Lục Chắn xem ai cầm “đồ” chặn hàng của Công ty Quang Phát. Chung và một số người khác là Khổng Thanh Thu, Nông Văn Môn, Phạm Văn Kiêm và một số người khác đi vào khu vực Lục Chắn, xã Hải Sơn.

Bị hại kháng cáo cho bị cáo…

Khoảng 17 giờ ngày 30/5, cả hai nhóm có mặt tại khu vực bến Lục Chắn và xông vào đánh nhau. Có 4 người trong nhóm của Chung là Vũ Ngọc Tuất, Vũ Huy Đô, Ty Tuấn Luân và Nông Văn Môn xông vào đánh anh Diệp và anh Trí. Anh Điệp bị 4 người quây đánh, anh Trí xông vào liền bị Vũ Ngọc Tuất bắn bị thương. Điệp liền bảo Vũ Trọng Anh châm ngòi quả mìn tự chế nhưng Anh và Chiến cũng bị nhóm người của Chung chặn đánh nên phải bỏ chạy và vứt 2 quả mìn trên đường tháo thân.

Anh Điệp và Trí bị nhóm của Chung bắt lên xe và đưa qua biên giới Việt - Trung. Tại Trung Quốc, anh Điệp và Trí đã bị 5 đối tượng người Trung Quốc ra tay sát hại.

Vụ án nghiêm trọng trên đã bị Công an tỉnh Quảng Ninh triệt phá trong một thời gian ngắn. Anh em Phương - Chung cùng bị khởi tố về tội “giết người”. Một loạt tội danh khác như: “sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, “bắt, giữ người trái pháp luật”, “che giấu tội phạm”, “không tố giác tội phạm” được khởi tố để xử lý Phương và nhóm người đã được khởi tố, điều tra. Kết quả, anh em Phương  - Chung bị tuyên phạt tử hình vì tội “giết người”, bị cáo Bùi Bài Hải lĩnh án chung thân và các bị cáo khác chịu từ 2 đến 4 năm tù.

Trước và sau phiên tòa, đại diện các gia đình anh Điệp và Trí đã có đơn đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét lại việc truy cứu trách nhiệm đối với anh em Phương – Chung vì hung thủ thực sự gây ra cái chết cho hai nạn nhân này không phải là hai bị cáo trên, mà là những người khác đang ngoài vòng pháp luật. Đặc biệt, đây là vụ việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi vụ xung đột đã được chuẩn bị trước nhưng không bị xử lý.

Theo hồ sơ vụ án mà Cơ quan điều tra thu thập được, sau khi  nhóm anh Điệp, Trí và Chiến chuẩn bị mìn, súng thể thao để chuẩn bị cho một vụ “đụng độ”; nhưng khi đụng nhau thì họ đã bị thất thế dẫn đến cái chết đáng tiếc của anh Điệp và Trí. Thế nhưng, Cơ quan điều tra chưa điều tra và xử lý những người liên quan đến việc chỉ đạo và chuẩn bị hung khí nguy hiểm này.

Liên quan đến vụ trọng án, đại diện gia đình bị hại có đơn kháng cáo đối với bản án vì cho rằng mức phạt được đưa ra là quá nặng đối với bị cáo. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tuấn về vấn đề này.

 Thưa Luật sư, việc đại diện gia đình bị hại kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo có thường xảy ra trong các vụ án không, thưa ông?

- Cũng có nhiều vụ án mà gia đình bị hại kêu oan hoặc xin giảm nhẹ cho bị cáo. Điều quan trọng là cần phải xem xét lý do mà họ kêu oan hay xin giảm nhẹ cho bị cáo là gì. Việc gia đình bị hại “xin” cho bị cáo không phải là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo nhưng là một lý do để Tòa án phải xem xét lại việc buộc tội và xác định khung hình phạt.

 * Trong vụ án này, đại diện bị hại cho rằng, người trực tiếp thực hiện tội phạm đang ở ngoài “vòng pháp luật” mà xử tử hình đối với người không thực hiện tội phạm là quá nặng, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Vấn đề xem xét trách nhiệm hình sự trong một vụ đồng phạm là phải xét đến vai trò của từng cá nhân đối với tội phạm đó. Việc đại diện bị hại nêu lên cũng cần phải xem xét. Trong vụ án này, tôi cho rằng, đại diện của bị hại đề nghị cũng có lý vì bị cáo và bị hại không có mâu thuẫn và việc gây ra cái chết của bị hại “vượt quá” sự kiểm soát của hai người bị lĩnh án tử hình.

Hơn nữa, vụ việc có dấu hiệu phức tạp khi sự đụng độ này đã được chuẩn bị trước nhưng cơ quan tố tụng lại xử lý nặng những người không tham gia vụ đụng độ đó.

 * Trong vụ án này, nhóm của bị hại có chuẩn bị mìn và súng, việc làm này có phạm tội không, thưa ông?

- Đây là vấn đề cần làm rõ. Nếu chuẩn bị mìn và súng cho một vụ việc giết người thì chắc chắn là phạm tội nhưng nếu là chuẩn bị hung khí trên cho vụ cố ý gây thương tích thì chưa chắc. Điều này cần phải được điều tra, làm rõ để có cơ sở xử lý trách nhiệm của người liên quan đến việc chuẩn bị mìn và súng này.

 * Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm