Sức ép từ người thân
Thảo Huyên (34 tuổi) là kỹ sư xây dựng được đánh giá cao về năng lực chuyên môn trong chuyên ngành thường thấy nam giới chiếm tỷ lệ áp đảo. Huyên là con giữa trong ba chị em gái, cũng là người duy nhất độc thân. Mấy năm nay, Huyên vẫn sống với ba má, vợ chồng chị Hai và các cháu. Ngày nọ, cô đột ngột thông báo vừa mua căn hộ chung cư để “ra riêng”. Má của Huyên chết điếng, hễ gặp họ hàng là nước mắt ngắn dài vì: “Con Huyên chưa kết hôn, ở một mình, coi sao được”.
Ngày Huyên dọn nhà, má giận dỗi, không dự buổi tân gia. Muốn má nguôi ngoai, từ khi ở riêng, hầu như chiều nào Huyên cũng về thăm má. Vậy mà hễ gặp Huyên, má lại cằn nhằn, mếu máo, buộc cô về lại gia đình. Sau gần một tháng “chịu trận”, Huyên cũng mệt mỏi, rồi chỉ thăm nhà vào dịp cuối tuần. Và sau ba tháng, Huyên chuyển qua trạng thái “thoắt ẩn, thoắt hiện”, có khi hai tuần mới tạt về ôm choàng má, hỏi thăm vài câu rồi… vọt cho nhanh vì e ngại điệp khúc buồn của má.
Nhưng không phải cô nàng độc thân nào cũng... tỉnh bơ như Thảo Huyên. Cuối năm 2009, Tố Trâm (36 tuổi) kết hôn với một đồng nghiệp nhỏ hơn Trâm chín tuổi. Đám cưới gọn nhẹ, số khách mời gói gọn trong thân tộc, sau đó vợ chồng son thuê nhà trọ để xây tổ ấm. Mẹ của Trâm vui mừng ra mặt. Bà đâu biết, trước ngày cưới, Trâm khóc với bạn: “Mình kết hôn vì không chịu nổi cái cảnh mẹ thở dài, nói tới nói lui chuyện chồng con, trong khi “cậu ấy” kiên nhẫn đeo bám, chứ thực lòng mình không hề có chút rung động. Vậy mà, lắm kẻ còn dị nghị là mình mê “trai trẻ”, mình bị xỏ mũi”.
Không phải ngẫu nhiên áp lực với người độc thân lại đến từ chính những người thân. Tại hội nghị của Hiệp hội các nhà tâm lý học Mỹ vào tháng 8/2010, một nghiên cứu được công bố: Khi con cái ly dị, nghiện ngập, gặp khó khăn về tài chính hay những trở ngại nói chung trong đời sống riêng, chính cha mẹ là người chịu tác động xấu nhiều nhất về sức khỏe tinh thần. Tiến sĩ Karen Fingerman, tác giả của công trình nghiên cứu này cho biết: “Những mối quan hệ thân thiết có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm thần và thể chất của mọi người. Mối quan hệ cha mẹ - con cái là hết sức đặc biệt, cha mẹ thường hết lòng “đầu tư” cho con cái và kỳ vọng nhiều vào con”.
Độc thân cũng là một sự lựa chọn
Theo CNN, một nghiên cứu của Tổ chức Gia đình và lối sống tại Mỹ năm 2009 cho thấy, 96 triệu người Mỹ không có bạn đời, nói cách khác, 43% những người Mỹ trên 18 tuổi đang độc thân (người Mỹ định nghĩa độc thân là người chưa từng kết hôn, người đã ly dị nhưng chưa tái hôn, quả phụ). Có 61% trong số người Mỹ độc thân này chưa từng kết hôn. Đáng chú ý, hơn một nửa số người Mỹ chưa kết hôn là phụ nữ. Số người độc thân sống một mình cũng tăng 10% so với năm 1970. Như vậy, xu hướng sống độc thân không hẳn là sự cá biệt trong xã hội hiện đại ngày nay.
Mặt khác, phụ nữ vẫn có sự thoải mái và tiện nghi trong cuộc sống “một mình”, bởi một trong những yếu tố quan trọng để có thể làm người độc thân là có khả năng về tài chính. Tiến sĩ Bella M.DePaulo, nhà tâm lý ở Đại học California cho biết: “Cuộc sống độc thân không chỉ có hoa hồng, bạn phải tự thanh toán mọi hóa đơn”. Tiến sĩ Pepper Schwartz, giáo sư xã hội học ở Đại học Washington lý giải thêm: “Trong quá khứ, nhiều phụ nữ kết hôn theo truyền thống bởi vì họ khó khăn nhất định về tài chính. Nếu họ tìm được người đàn ông có hoàn cảnh sống vừa đủ, thì cuộc sống của họ dễ dàng hơn. Ngày nay, khác biệt là phụ nữ có được công việc với mức lương cao hơn”.
Từ khi “ra riêng”, Thảo Huyên không còn la cà quán xá với bạn bè như lúc sống chung nhà với ba má. “Cảm giác rất dễ chịu và tự hào khi mình tự sắm sửa một ngôi nhà, nó thuộc về mình chứ không phải chen chúc trong nhà ba má nữa. Hết giờ làm việc, tôi về nhà, dọn dẹp, nấu ăn, rồi tra cứu tài liệu để bổ sung kiến thức chuyên môn. Tôi không có ý định sống một mình cả đời, nhưng tôi hài lòng về cuộc sống hiện tại” - Thảo Huyên chia sẻ.
Thực ra, với người độc thân, gia đình và người thân càng là “nơi bình yên chim hót”, là điểm tựa tinh thần cho họ nương tựa trong cuộc sống có đủ hỉ, nộ, ái, ố. Ông bà xưa vẫn nói “nước mắt chảy xuôi”, cha mẹ chăm lo cho con cái là chuyện muôn thuở. Nhưng việc lo lắng và can thiệp thái quá đời sống riêng của con ắt hẳn không đem lại niềm vui và sự thanh thản cho cả cha mẹ lẫn con cái, nhiều khi còn để lại những hệ quả đáng tiếc như sứt mẻ tình cảm gia đình, con cái vội vã kết hôn và không có được hạnh phúc đích thực…
Theo 24h