Bi hài những văn bản được ban hành từ... bàn giấy

Được soạn thảo từ bàn giấy, bỏ qua đời sống thiết thực, nhiều văn bản vừa ban hành, thậm chí chưa kịp ban hành đã phải âm thầm "hết hiệu lực", khi bất cập với cuộc sống, gặp sự phản ứng dữ dội của dư luận.

Được soạn thảo từ bàn giấy, bỏ qua đời sống thiết thực, nhiều văn bản vừa ban hành, thậm chí chưa kịp ban hành đã phải âm thầm "hết hiệu lực", khi bất cập với cuộc sống, gặp sự phản ứng dữ dội của dư luận.

Việc ban hành các quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý các lĩnh vực trong đời sống là chủ trương phù hợp. Nhưng để chính sách có thể đi vào thực tế đời sống, cần sự tinh tế và thực tiễn của người ban hành chính sách…

“Lố” quy định “thịt bán trong 8 tiếng”

Cách đây vài tháng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT quy định thịt sống phải bán trong 8 giờ sau giết mổ. Thịt bảo quản lạnh được bán trong 72 giờ, phụ phẩm như dạ dày, lòng non, ruột già được bán trong 24 kể từ khi giết mổ...  

Quy định này đã gây tranh cãi dữ dội, bởi thịt là một thực phẩm tiêu dùng thông thường hàng ngày của hàng vạn gia đình Việt Nam, vì thế, việc quản lý kinh doanh thịt sống ở chừng mực nào đó tác động tới bữa cơm của mỗi gia đình.

Qui định về bán thịt được xem như
Qui định về bán thịt được xem như "lố" nặng

Lý giải về “quy định 8 tiếng” này, ông Nguyễn Xuân Dương - Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trong điều kiện bình thường, sau 8 giờ giết mổ, chất lượng thịt sẽ suy giảm và rất dễ nhiễm vi khuẩn. Thậm chí, nhiều nước phát triển còn bắt buộc kinh doanh thịt phải bảo quản trong thiết bị giữ lạnh từ 0 đến 5 độ C.

Ông Trần Công Xuân - Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam- cho rằng những quy định trong Thông tư 33 là cần thiết để người tiêu dùng có thể ăn thịt an toàn. Tuy nhiên, việc làm sao kiểm tra được thời gian bày bán sau khi giết mổ cũng là vấn đề mà cơ quan quản lý chưa định liệu được.

Tuy nhiên, việc quy định chỉ được bán thịt trong khoảng thời gian 8 giờ kể từ sau khi giết mổ sẽ gây khó khăn nhất định trong điều kiện thực tiễn hiện nay.

Với quy định đó, tiểu thương cho rằng không phải lúc nào cũng may mắn bán hết hàng trong thời gian 8 tiếng sau khi giết mổ. Khách hàng chỉ muốn mua thịt tươi, mà theo quy định này thì để được phép bán lâu hơn, thịt phải được bảo quản trong tủ lạnh. Lò giết mổ lớn có tủ lạnh cỡ lớn để trữ thịt, nhưng các tiểu thương thì rất ngại lấy thịt được ướp lạnh, bởi “người mua sờ thấy lạnh cũng không thích”.

Trước nhiều tranh cãi, vài ngày trước khi quy định này có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đã ký quyết định ngừng thi hành đối với Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT.

Cùng thời gian đó, Bộ này cũng ngừng thi hành cả Thông tư 34/2012/TT-BNNPTNT về yêu cầu các cơ sở thu gom và bảo quản trứng thương phẩm bắt buộc phải có khu bảo quản trứng, khu xử lý nước thải, khu làm sạch và khử trùng bằng hóa chất, khí ozôn và tia tử ngoại. Cơ sở kinh doanh trứng gia cầm phải làm sạch và khử trùng trước khi đóng gói, dán nhãn mác theo quy định trước khi bày bán.

Thông tư 34 cũng bị phản ứng gay gắt do xa rời thực tế. Lãnh đạo Cục Thú ý cũng bị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê bình về việc đưa ra những quy định này.

“Cởi trói” cho điện thoại nhập khẩu

Ngày 6/5/2011, Bộ Công Thương ban hành Thông báo số 197 yêu cầu chỉ được nhập khẩu rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động 3 cảng biển quốc tế: Hải Phòng, Đà Nẵng và TPHCM.

Ngoài các chứng từ xuất trình cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu theo quy định hiện hành, thương nhân còn phải xuất trình thêm giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà phân phối, nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó. Các giấy tờ này phải được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Khi ban hành Thông báo 197 nói trên, Bộ Công thương cho biết, các quy định này "nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, chống việc nhập khẩu hàng gỉa, hàng kém chất lượng và tăng cường chống gian lận thương mại".

Thông báo này ngay thời điểm đó đã bị phản ứng gay gắt, nhất là từ các DN kinh doanh các mặt hàng kể trên.  Các DN cho rằng, với những thủ tục rườm rà này, DN đang bị làm khó và mất đi nhiều cơ hội "vàng" để thu lợi nhuận. Tước đó, nhập khẩu điện thoại chủ ếu thực hiện qua đường hàng không chỉ mất 1-2 tuần, nhưng từ khi có Thông báo 197 doanh nghiệp đã mất cả tháng để nhập mặt hàng điện thoại di động về Việt Nam. Chưa kể, do các sản phẩm điện thoại, nhất là sản phẩm smartphone là đồ công nghệ cao, cần sự bảo quản tốt thì lại phải lênh đênh trên biển với hơi nước biển nhiễm mặn, có khả năng ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.

Trong quá trình rà soát thủ tục hành chính, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông báo số 301 bãi bỏ Thông báo số 197, như vậy, từ 1/1/2013, việc nhập khẩu các mặt hàng nêu trên được thực hiện theo các quy định hiện hành.

và mới đây, quy định về việc "rượu quê" cũng đã khiến dư luận xôn xao, có nguy cơ chỉ ban hành văn bản mà khó có thể triển khai.

Bách Linh

Đọc thêm