Bị hại vụ hối lộ “chạy án” cho Phương “Ninh Hột” thành bị cáo

Để lo cho chồng và anh chồng tại ngoại và thoát án tử hình, Đỗ Thị Phương (SN 1971, trú tại Móng Cái, Quảng Ninh) đã “đưa hối lộ” cho Phạm Anh Tuấn và Mạc Văn Nam 500.000 USD. Vụ việc vỡ lỡ khi Tuấn và Nam lộ rõ là kẻ lừa đảo, không có chức vụ quyền hạn gì và cũng không có khả năng tìm người “chạy án”.

Để lo cho chồng và anh chồng tại ngoại và thoát án tử hình, Đỗ Thị Phương (SN 1971, trú tại Móng Cái, Quảng Ninh)  đã “đưa hối lộ” cho Phạm Anh Tuấn và Mạc Văn Nam 500.000 USD. Vụ việc vỡ lỡ khi Tuấn và Nam lộ rõ là kẻ lừa đảo, không có chức vụ quyền hạn gì và cũng không có khả năng tìm người “chạy án”.

Tuy  không hề có người “nhận hối lộ” nhưng Phương vẫn bị CQĐT quy kết là…”đưa hối lộ”. Không chỉ có vậy, Phạm Trọng Du (SN 1952, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội- nguyên Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Nam Cường) nhận 600.000 USD từ người nhà Phương cũng bị quy kết là “môi giới hối lộ” mặc dù Du không hề mốc nối để chạy án với bất cứ cá nhân nào.

Hình minh họa
Hình minh họa

“Môi giới” với người… vô hình

Tháng 6/2009, hai anh em Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tiến Phương (tức Phương “Ninh Hột”) bị Cơ quan điều tra (CQĐT)- CA tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt giam về tội “Giết người”. Khoảng 3 tháng sau thì Nguyễn Thị Hằng (em gái Chung và Phương) cùng Đỗ Thị Phương (vợ Chung) tìm đến Du để nhờ Du tìm người giúp anh em Chung được tại ngoại.

Theo CQĐT thì Du đã nhận từ Hằng tổng cộng 600.000 USD (hơn 10 tỷ đồng) nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, khi biết được đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng thì Du đã gọi điện cho Hằng để từ chối việc Hằng nhờ và hứa sẽ trả lại tiền sau. Tính đến trước khi bị khởi tố, bắt giam về tội “môi giới hối lộ” (ngày 5/7/2011), Du đã chuyển trả cho Hằng được hơn 9 tỷ.

Việc quy kết Du nhận lời giúp Hằng cũng như việc quy kết Du nhận 600.000 USD để lo “chạy” tại ngoại cho Chung và Phương trên đây lại chỉ dựa vào một số lời khai của một mình Du tại CQĐT. Nhân vật trực tiếp đặt vấn đề nhờ vả cũng như đưa- nhận tiền cho Du là Nguyễn Thị Hằng thì hiện CQĐT chưa bắt được nên không có điều kiện để đánh giá 1 cách khách quan về lời khai của Du tại CQĐT.

Trước phiên tòa sơ thẩm tại TAND Tp. Hà Nội sáng 13/8 vừa qua, Du phản cung và một mực cho rằng, số tiền 600.000 USD nhận của Hằng là để vay làm ăn, kinh doanh chứ không phải là tiền chạy án. Việc nhận tiền này diễn ra trước khi Hằng đặt vấn đề giúp Chung, Phương và Du có viết giấy vay hẳn hoi (vay lãi xuất 0%, không có thời hạn).

Sở dĩ Du nhận lời để “sẽ xem xem xét, giúp đỡ” và hướng dẫn Hằng viết đơn để bà Hột (mẹ Chung) ký gửi Tổng Cục cảnh sát- Bộ Công an xin tại ngoại cho 2 con trai là do nể nang, muốn giúp đỡ Hằng- người đã mình vay tiền và cùng góp vốn làm ăn. Khi việc làm ăn bắt đầu khó khăn thì Du rút vốn để trả lại tiền Hằng chứ không phải là trả tiền do không “chạy án” được….  

Theo luật sư Hoàng Huy Được thì hành vi môi giới được hiểu là việc làm trung gian giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ để 2 bên thực hiện hành đưa và nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để người nhận hối lộ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Nhưng trong vụ án này, CQĐT đã không làm rõ Du đã làm trung gian để Hằng hối lộ cho ai, có thẩm quyền như thế nào. Điều này cũng có nghĩa là bị cáo Du không có vai trò trung gian “chạy án” như cáo buộc của cơ quan công tố.

Từ bị hại, trở thành bị cáo

Sau khi Du từ chối giúp đỡ Hằng thì Phương đã tìm đến Phạm Anh Tuấn (SN 1974, quê Hải Dương) và Mạc Văn Nam (SN 1965, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) để nhờ thuê luật sư và tìm người “chạy án”. Tuy chỉ là lao động tự do nhưng Tuấn lại giới thiệu là cán bộ Cục tình báo quân đội và Nam là cán bộ của Bộ Tư pháp, là người có quan hệ rộng với nhiều lãnh đạo cấp cao. Nam tuyên bố “nếu muốn thoát chết thì phải chơi đẹp với các quan chức”.

Tin tưởng hai đối tượng này sẽ lo được cho chồng và anh chồng tại ngoại và thoát án tử hình, Phương đưa cho Tuấn 350.000 USD và  Nam 150.000 USD cùng nhiều khoản tiền xăng xe, chi phí đi lại khác.

Đến lúc TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm và tuyên án tử hình đối với hai anh em Phương “Ninh Hột” thì Phương mới biết Tuấn và Nam không giúp được gì nên đã đòi lại tiền.

Từ vụ việc này, Tuấn đã bị khởi tố về tội “Môi giới hối lộ”, còn Nam bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (3,5 tỷ đồng), Phương bị khởi tố về tội đưa hối lộ với số tiền 500.000 USD.

Như vậy, từ cùng 1 khoản tiền đưa cho Nam và Tuấn, Phương đang là bị hại trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã trở thành bị cáo trong vụ “đưa hối lộ”. Cũng như đối với vụ “đưa hối lộ” 600.000 USD của Hằng trước đó, trong vụ đưa hối lộ 500.000 USD của Phương lần này, CQĐT cũng không thể xác định được ai, có chức vụ ra sao đã nhận số “tiền hối lộ” trên để làm hay không làm 1 công việc sai trái nào đó.

Trong khi đó, tại tòa, Phương luôn khẳng định đã bị Tuấn và Nam cùng nhau lừa tiền. Nhiều lần, Tuấn nói chuyện qua điện thoại với Nam (để loa ngoài cho Phương nghe) và “nổ” rằng, “đây là ông Cục 1” rồi cũng bắt Phương thưa con, xưng ông với “ông Cục 1” Mạc Văn Nam. Ngoài việc “tung hứng” cho nhau thì Tuấn còn nhiều lần giục giã đưa tiền và tuyên bố “việc này (tức chạy án cho Phương và Chung) nhỏ như con thỏ”.

Trước những mâu thuẫn trong lời khai như trên, sau một ngày xét hỏi, HĐXX sơ thẩm- TAND Tp Hà Nội đã trả hồ sơ để yêu cầu VKSND Tp Hà Nội làm rõ một số tình tiết.

Khoa Lâm

Đọc thêm