Bi kịch 2 người đàn bà giết chết con đẻ

Người đời thường bảo “Hổ dữ không ăn thịt con” thế nhưng 2 người đàn bà ấy lại hoàn toàn khác. Họ từng làm những việc độc ác đến ghê sợ: Đó là tự giết con đẻ mình.
Người đời thường bảo “Hổ dữ không ăn thịt con” thế nhưng 2 người đàn bà ấy lại hoàn toàn khác. Họ từng làm những việc độc ác đến ghê sợ: Đó là tự giết con đẻ mình.

Khi cán bộ trại giam Xuân Nguyên dẫn Nguyễn Thị Khuyên ra tiếp xúc, tôi đã có cảm giác ngờ ngợ là trong đầu phạm nhân này “có vấn đề”. “Tôi đã nói với cán bộ không thích gặp nhà báo, nhưng cán bộ cứ động viên ra gặp nhà báo để làm gì. Hôm trước nằm xem truyền hình tôi đã bị xúc phạm rồi. Ai đời nào lại vận cho chúng tôi là “Hổ ăn thịt con” để cả tuần liền ấm ức, mất ngủ. Bây giờ thì ai nói thế nào tôi cũng chỉ có thế…”.
Nguyễn Thị Khuyên
Tôi chưa thăm hỏi phạm nhân Khuyên một lời nào, nhưng thị cứ tồng tộc nói như một cái máy. Lúc thì xưng hô tôi, lúc thì chúng tôi, ngồi đó mà tôi vẫn chưa định hình thị muốn thanh minh điều gì. Bây giờ thì tôi nhớ ra trong hồ sơ Nguyễn Thị Khuyên cũng ghi rõ “bị bệnh chậm phát triển, tâm thần mức độ nhẹ”. Vì vậy tôi bắt đầu câu chuyện với thị rất nhẹ nhàng. Tôi hỏi: - Chị có nhận được thông tin gia đình thường xuyên không? - Ngày mới đến trại Xuân Nguyên tôi có viết thư về cho mẹ đẻ, cũng vài lần đấy nhưng không thấy hồi âm. Anh em mỗi người một phận chẳng biết ở đâu và cũng chẳng ai xuống thăm gặp gì hết. Cứ coi như là tôi không còn gia đình nữa - Khuyên trả lời một mạch như vậy. - Thế còn chồng chị thì sao? Tôi hỏi thêm. - Chồng với con nhắc đến làm gì cho đau lòng. Thôi cứ quên đi - Khuyên lại trả lời cùng cục như thể không có quan niệm đã có chồng và không cần biết chồng là ai. Vài câu mở đầu như vậy, tôi có thể hiểu một phần tính cách của Khuyên. Nhưng tại sao con người này lại có giây phút tàn nhẫn đến thế? Vụ án mà Khuyên thả ba đứa con thơ dại xuống giếng tước bỏ đi sinh mạng chúng và quyên sinh cùng các con từng xôn xao dư luận vào năm 2003 ở Thanh Ba, Phú Thọ chắc hẳn có điều gì uẩn khúc lắm trong con người này. Tỷ tê mãi, Khuyên hé lộ rằng, năm 1992, anh Đỗ Văn Thức, người ở xã bên, làm quen rồi một lòng yêu Khuyên. Chỉ mấy tháng là hai người xin phép gia đình được làm đám cưới. Một năm sau, Khuyên sinh cô con gái đầu lòng và cũng là lúc hai vợ chồng trẻ mua vườn của bố mẹ chồng ra ở riêng. Ba năm sau (từ 1997 đến 2002), Khuyên sinh liền hai cậu con trai và một cô con gái nữa. Cả thảy vợ chồng Khuyên sinh được bốn người con nên cuộc sống cũng khó khăn vất vả và thuộc diện gia đình nghèo ở thôn quê. Đã vậy, người mẹ chồng chẳng thương còn dè bỉu, đay nghiến đủ điều. Chồng thì nghe mẹ, đối xử với vợ không còn ngon ngọt, nhiều lần vậy nên Khuyên chẳng còn thiết sống. Hôm đó, vào cuối giờ chiều 25-4-2003, Khuyên đang bế thằng út mới hơn một tuổi định ra giếng tự tử thì thấy hai đứa lớn (một 6 tuổi, một 3 tuổi) đang chơi loanh quanh khu vực đó liền gọi đến và bế luôn thả xuống giếng, sau cùng Khuyên cũng nhảy xuống giếng luôn. Nhưng không ngờ vào thời gian đó chồng đi làm về phát hiện, kêu cứu với hàng xóm. Khi vớt lên thì duy nhất chỉ có Khuyên được cứu sống, còn ba đứa con đều chết vì bị ngạt nước… Nguyễn Thị Khuyên còn bảo: “Cực quá tôi mới làm thế. Có những điều chỉ có tôi hiểu tôi và cậy răng tôi cũng không nói ra với ai. Tôi có chết một mình để lại các con chúng càng khổ hơn….”. Tôi mạnh dạn hỏi Khuyên: - Con chị có tội tình gì đâu mà lại hành động thế? - Đúng là chúng không có tội. Tôi đẻ chúng nó ra tôi không thương con tôi thì thương ai, nhưng lúc đó tôi muốn được chết và chỉ nghĩ tôi chết các con sẽ khổ, thà rằng lôi chúng xuống mồ với mình còn hơn. Chả hiểu sao tôi nghĩ quẩn mới làm thế. Thôi nhà báo đừng hỏi thêm nữa - Khuyên nói một cách nhát gừng như vậy. Thôi thì “không khơi lại nỗi đau” như phạm nhân Khuyên quan niệm nhưng tôi vẫn băn khoăn không được hỏi thêm để đi tới tận cùng nguồn cơn hành động của một người phụ nữ không phải không biết yêu thương con trẻ. Chắc hẳn dù có là người phụ nữ mắc bệnh thần kinh, đang sống trong trại giam, làm sao có thể gạt đi nỗi ân hận, đau khổ dai dẳng cho hết cuộc đời của Khuyên. Và cũng vậy, trường hợp của Nguyễn Thị Quyên (ở Tiên Du, Bắc Ninh) giết cậu con trai là con riêng của mình cốt để không bị ngăn cản theo một người tình mới. Hổ thẹn quá và hình như chỉ muốn chôn chặt hành vi tàn nhẫn nên Quyên kiên quyết không tiếp xúc với nhà báo.
Nguyễn Thị Quyên
Đọc hồ sơ tôi biết, Quyên lấy chồng từ khá sớm, khi chưa đến tuổi 20. Vì vậy cuộc tình của người mới lớn bị tan vỡ. Ly hôn năm 1990 thì năm 1994 Quyên sinh cậu con trai ngoài giá thú. Năm 2001, Quyên sống như vợ chồng với một người đàn ông ở thị xã Bắc Ninh. Người đàn ông đó bàn với Quyên bán đất rồi ra sống với anh ta ở thị xã. Khi xin phép, bố mẹ đẻ chỉ khuyên Quyên nên để phần đất đó cho con trai sống cùng ông bà, còn muốn lấy chồng thì theo chồng. Cho rằng lời khuyên của bố mẹ là rào cản xây dựng gia đình với người chồng mới, Quyên nảy ý định giết con đẻ mình. Sáng 23-10-2003, Quyên ra quầy thuốc gần UBND xã Hạp Lĩnh mua một vỉ thuốc ngủ Rotundin và tối hôm đó quyết định cho con trai uống. Nhưng không thực hiện được ngay trong ngày vì có người tình đến chơi. Tối hôm sau khi đã tắm rửa, cho con ăn cơm xong, Quyên bóc cả vỉ thuốc ngủ (10 viên) và bắt con uống. Chưa đầy một tiếng sau, cậu con trai của Quyên ngủ lịm hẳn và thị bế con mình ra khỏi nhà đến khu hồ nước sâu của xóm thả con xuống đó. Chờ một lúc không thấy động tĩnh và chắc con đã bị chết Quyên mới quay về nhà. Mặc thêm chiếc áo khoác, Quyên tất tưởi chạy sang các nhà hàng xóm để tìm con và giả vờ sốt ruột. Sáng sớm hôm sau, một cháu học sinh đi học qua phát hiện có một xác chết liền báo với mọi người. Lúc đó, Quyên biết chính xác con mình đã chết và luôn tỏ thái độ thương tiếc đến “ngất lịm”. Khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng phát hiện trong căn chiết ethes ở môi trường kiềm có chứa rotundin. Rõ ràng, nguyên nhân chết của cháu bé không phải là ngạt nước (chết đuối) mà chết do rotundin. Sau này điều tra, Quyên mới thừa nhận tội ác của mình và phải chịu sự xử lý của pháp luật, lĩnh mức án chung thân và đang thụ án ở trại giam Xuân Nguyên, Quyên luôn muốn né tránh tất cả… Trao đổi với cán bộ trại giam được biết, Nguyễn Thị Quyên có cách sống rất lạ, thường xa lánh, tránh tiếp xúc nhiều với mọi người, kể cả phạm nhân. Sống có vẻ như âm thầm, không bộc lộ mình và ngại gặp gỡ người lạ, ai cũng hiểu trong sâu thẳm Quyên ân hận và đau khổ lắm.
Theo ANHP

Đọc thêm