Làm cha, làm mẹ ai cũng muốn con cái mình hạnh phúc trong tình yêu và có cuộc hôn nhân tốt đẹp. Nhưng đôi khi, cũng chính từ ham muốn chính đáng này mà nhiều ông bố bà mẹ đã can thiệp quá sâu vào chuyện hôn nhân của con. Và, nhiều người trong số họ đã không hề biết rằng họ khi làm thế họ đã vô tình “chạm tay” đến ngưỡng cấm của pháp luật cũng như “ươm mầm mống” cho nạn bạo hành gia đình.
Bi kịch ép duyên. Ảnh minh họa
Ba mẹ ơi, xin đừng ép con!
Cho đến bây giờ, khi con gái đã lớn nhưng chị Nguyễn Thị Minh Hương (ở Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn không thể quên được ngày cưới đáng buồn của mình. Tuy yêu nhau hoàn toàn tự nguyện, đúng quy định của luật pháp nhưng cuộc hôn nhân giữa chị và anh Nguyễn Văn Mạnh - chồng chị bây giờ - đã không được gia đình chị chấp thuận.
Vì thế, “gia đình em không ai đến dự. Bị ngăn cấm nhưng bọn em vẫn liều quyết định kết hôn vì cứ nghĩ khi có cháu ngoại, ba mẹ sẽ nguôi ngoai. Nào ngờ, khi em có con, ba mẹ lại càng hậm hực hơn. Cứ mỗi lần đến thăm cháu, cầm hộp sữa là ông bà lại đay nghiến: Nhà người ta, mẹ uống sữa Mama, con uống sữa Pháp, sữa Nhật, con cháu nhà mình uống sữa này, làm gì thằng bé chẳng còi xương. Trắng mắt ra chưa con, cái tội không nghe lời cha mẹ” - chị Hương sụt sịt kể.
Lý do khiến cha mẹ chị Hương ghét chàng rể cũng chẳng to tát gì. Chẳng qua là vì anh Mạnh mồ côi cha mẹ, không tài sản, học hành lại chỉ đến cái bằng trung cấp, kém cả vợ. Giọt nước đã tràn ly khi một lần con ốm đi viện, trong nhà không còn nổi đến 500.000 đồng, cực chẳng đã chị Hương đã chạy về nhà bố mẹ cầu cứu. Đã không cho thì chớ, hai vị phụ huynh này còn ra điều kiện: “Mày phải bỏ ngay thằng chồng vô dụng kia mới được bước chân vào nhà này. Nếu không bỏ, ông bà sẽ bắt cháu về nuôi”.
Chị Hương thật sự quẫn bách trước sức ép của tình và hiếu. “Em không biết phải làm sao trong hoàn cảnh này. Chẳng lẽ em phải bỏ chồng để vui lòng cha mẹ? Ba mẹ ơi, xin đừng ép con!” - chị đau khổ thốt lên.
Khác với hoàn cảnh của chị Hương là bị ép ly hôn, mới đây, tại phường 7 (TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), chị Mai Thị Diễm Phương (18 tuổi) đã được người thân đưa đến công an trình báo và cho nhập viện vì bị cưỡng ép kết hôn bằng bạo lực.
Chị Phương chua xót kể lại: “Ba mẹ tôi đã nhiều lần đánh đập, dùng xích chó xích lại trong nhà để ép buộc tôi lấy chồng. Bị đánh nên tôi đành phải cam lòng cùng với T (28 tuổi) đến UBND phường 7 đăng ký kết hôn”.
Sau khi kết hôn, do không đồng ý sống chung với chồng, chị Phương đã tiếp tục bị chính cha mẹ đẻ của mình hành hạ bằng cách đánh, rồi nhốt trong nhà. Sau đó người chồng “bất đắc dĩ” của chị là T còn dùng dao lam rạch vết xăm sau lưng chị, còn ông bố thì dùng cồn đốt hình xăm, rồi tiếp tục xích chị trong nhà.
Điều đáng nói là cũng do bị cha mẹ đe dọa nên khi cùng chồng ra UBND phường đăng ký kết hôn, chị Phương đã không dám biểu hiện thái độ gì. Vì thế nên dù có thấy “thái độ của hai người dửng dưng như người xa lạ. Nhưng chúng tôi hỏi có tự nguyện kết hôn không thì chị Phương vẫn đồng ý” - bà Đào Thị Thu Hảo - Phó Chủ tịch Hội phụ nữ kiêm cán bộ tư pháp phường 7 cho biết.
“Chạm” đến ngưỡng cấm của pháp luật mà không biết
Không phải đến bây giờ mới có câu chuyện cha mẹ ép duyên con mà ngay từ xưa rất nhiều các chàng trai, cô gái đã bị gia đình can thiệp thô bạo vào hôn nhân vì những lý do như gia sản, môn đăng hộ đối...
Nếu bị cưỡng ép kết hôn có thể đến TAND để hủy Theo luật, nếu hai người bị cha mẹ hai bên cưỡng ép kết hôn thì có thể “giải phóng cho nhau” bằng cách đến TAND yêu cầu hủy việc kết hôn hoặc đề nghị VKSND yêu cầu Tòa hủy việc kết hôn giữa hai người. Nếu đã có con thì quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn. Các điều luật liên quan đến vấn đề này là Khoản 2 và 3, Điều 17 và Khoản 1 điều 151 Luật Hôn nhân và gia đình. |
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Nga, Văn phòng TGPL, Cục TGPL, Bộ Tư pháp bình luận: “Dưới góc độ pháp luật, việc cha mẹ cưỡng ép con kết hôn hay ly hôn đều là hành vi bạo lực gia đình. Và, theo Nghị định 110 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi này hoàn toàn có thể bị xử phạt ”.
Hiện nay, nghi án chị Diễm Phương ở Phú Yên bị ép duyên bằng bạo lực đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ. Nhưng, nếu quả thực chị Phương đã bị gia đình cụ thể là cha mẹ cưỡng ép kết hôn thì hành vi đó hoàn toàn có thể đã vi phạm Điều 4 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 về việc “Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ”.
Cùng với đó, cũng vi phạm Điều 146 Bộ luật Hình sự về tội “Cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ”. Bởi, hành vi cưỡng ép kết hôn và cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ có thể được thực hiện bằng các thủ đoạn có tính chất bạo lực, tác động đến ý chí của người bị hại, được thể hiện bằng nhiều thủ đoạn như hành hạ, ngược đãi, đối xử tàn ác, tồi tệ, gây đau khổ về thể chất hoặc tinh thần kéo dài...
Xuân Hoa