Bi kịch "nồi da nấu thịt" vì tranh chấp đất

Từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai cha mẹ để lại, ông Phạm Văn Mười đã kéo người đến đập phá quán tạp hóa của chị ruột, để rồi bị đứa cháu ruột là Hồ Tấn Hoàng vung dao cướp mạng. Vụ án khép lại, trong phiên tòa ngày 31/7 vừa qua kẻ thủ ác đã trả giá bằng bản án hơn sáu năm tù giam nhưng dư âm về việc “nồi da nấu thịt” vì tranh chấp đất đai này vẫn còn nhói lòng người.

Từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai cha mẹ để lại, ông Phạm Văn Mười (SN 1974, ngụ phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng) đã kéo người đến đập phá quán tạp hóa của chị ruột, để rồi bị đứa cháu ruột là Hồ Tấn Hoàng (SN 1989, ngụ quận Sơn Trà) vung dao cướp mạng. Vụ án khép lại, trong phiên tòa ngày 31/7 vừa qua kẻ thủ ác đã trả giá bằng bản án hơn sáu năm tù giam nhưng dư âm về việc “nồi da nấu thịt” vì tranh chấp đất đai này vẫn còn nhói lòng người.

Hoàng lúc bị bắt (áo đen)
Hoàng lúc bị bắt (áo đen)

Mẹ nhận tội thay con

Vụ việc xảy ra một ngày cuối tháng 2/2012 tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà). Hiện trường để lại khi ấy là nạn nhân Phạm Văn Mười nằm gục trên vũng máu. Những người phát hiện vụ việc nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện, nhưng vì những vết đâm quá hiểm hóc khiến nạn nhân tắt thở ngay sau đó. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an Đà Nẵng, Công an quận Sơn Trà nhanh chóng có mặt phong tỏa hiện trường, ghi nhận thông tin.

Tại nơi xảy ra án mạng, bà Phạm Thị Hoa (SN 1965, chị ruột của nạn nhân) đã trình diện với lực lượng Công an và tự nhận mình là thủ phạm gây ra cái chết cho em ruột. Theo lời khai của bà Hoa, nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc này là do cậu em không đồng tình khi mẹ ruột cho chị gái mở một quầy hàng tạp hóa ngay trong phần đất mà mẹ đang ở. Ấm ức vì phần chia không đều, sáng hôm đó người em đã từ nhà mình chạy xe đến nhà mẹ ruột (cũng là nơi chị gái đang bán hàng) để gây gổ.

Trong khi hai chị em cãi cọ với nhau, thấy tình hình mỗi lúc mỗi căng thẳng nên những người trong gia đình đã điện thoại nhờ Công an phường Thọ Quang đến can thiệp. Sau khi lực lượng Công an phường có mặt hòa giải, cậu em không gây gổ nữa mà im lặng chạy xe về lại nhà của mình.

Đến chiều cùng ngày, Mười lại chạy xe đến nhà mẹ ruột để tiếp tục gây gổ với chị gái. Tại đây Mười nhìn thấy anh rể nên đến tát anh rể mấy cái rồi mới bỏ đi. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, đứa cháu Hồ Tấn Hoàng (SN 1989) đi làm về, thấy bàn ghế nằm chỏng chơ nên hỏi mẹ thì được nghe mẹ kể lại chuyện cậu ruột vừa ghé qua gây gổ rồi đánh cha. Nghe xong, Hoàng bảo mẹ gọi điện cho cậu đến để “nói chuyện phải trái”. “Khi đứa em chạy xe đến thì tôi đã vác dao nhọn đâm hai nhát làm em đổ gục xuống đường”, người chị khai.

Mặc dù lời khai của nghi phạm Hoa “trước sau như một”, nhưng đội điều tra lại có nhận định khác về diễn biến vụ án. Hơn thế nữa, kết quả khám nghiệm tử thi đã chống lại những lời khai trên. Nghi phạm khai đã đâm vào ngực em trai hai nhát, nhưng thực tế trên ngực nạn nhân có đến 3 nhát đâm. Với tinh thần quyết tâm đấu tranh đến cùng để làm rõ chân tướng của hung thủ, tránh bỏ sót người, lọt tội, các điều tra viên một mặt tiếp tục đấu tranh với nghi phạm, mặt khác cử các trinh sát tỏa đi khắp nơi thu thập thông tin về hung thủ.

Khuya hôm đó, một tình tiết khả nghi được phát hiện: Trong số 5 đứa con của vợ chồng nghi phạm, chỉ có bốn đứa có mặt tại nhà bà ngoại để lo việc hậu sự cho cậu ruột, đứa cháu vắng mặt trong thời điểm này được xác định chính là Hồ Tấn Hoàng. Với những dấu vết để lại tại nơi xảy ra án mạng cũng như nhận định của điều tra viên, các trinh sát tiếp tục tỏa đi khắp nơi để rà soát tung tích của Hoàng và cuối cùng đã buộc kẻ thủ ác phải nhận tội. Thì ra người mẹ đã nhận tội thay con. Hoàng mới chính là hung thủ gây ra vụ án.

Đối tượng Hoàng tại phiên tòa
Đối tượng Hoàng tại phiên tòa

Bi kịch từ mâu thuẫn “gà cùng một mẹ”

Tại cơ quan điều tra, Hoàng khai nhận cuối giờ chiều hôm đó khi đi làm về, nghe tin cậu đến nhà để gây gổ với mẹ rồi đập phá đồ đạc, đối tượng vô cùng tức giận liền nhờ mẹ điện thoại để nói chuyện với cậu ruột mình. Nhấc điện thoại, Mười nghe thằng cháu của mình buông những câu chửi bới và thách thức nên ngay sau khi cúp máy, ông cậu đã lên xe chạy đến tìm gặp “đứa cháu láo toét”.

Khi cậu vừa dừng xe, đứa cháu đã cầm một cây tuýp sắt đập mạnh vào xe máy của cậu rồi bỏ chạy. Đuổi theo đứa cháu không kịp, người cậu quay lại túm lấy chị ruột mình để đánh. Nhân cơ hội cậu không để ý, đứa cháu chạy ngược từ đằng sau đến, vung dao đâm liên tiếp 3 nhát. Thấy em trai của mình ngã vật xuống đường tắt thở, bà Hoa hoảng sợ giục con chạy trốn rồi đứng ra nhận mình là hung thủ với Công an.

Theo thông tin điều tra từ cơ quan công an, bà Hoa và nạn nhân Phạm Văn Mười là chị em ruột. Ngoài hai đứa con này, gia đình còn có hai người con trai và 5 người con gái khác đang ở nước ngoài, tất cả đều thuộc diện kinh tế khá giả. Tuy nhiên, từ trước đó trong gia đình này thường xảy ra xung đột, đặc biệt là xung đột về chuyện tiền nong: Các con ở nước ngoài không gửi tiền về cũng xảy ra mâu thuẫn, gửi tiền về rồi chia chác không đồng đều cũng xảy ra xung đột. Về nhân thân, nạn nhân Mười bị đánh giá là đứa con ngổ ngáo và người chị “cũng không vừa”.

Ngoài căn nhà hiện nay bà mẹ của hai chị em đang sinh sống, bà lão còn sở hữu thêm 3 lô đất khác. Khi hai con lập gia đình, bà lão đã cho con trai một lô, bán một lô, còn một lô cho con gái xây một quầy hàng tạp hóa.

Trước khi xảy ra án mạng, nạn nhân Mười vẫn thường hay lui tới nhà mẹ, trong lúc ngồi chơi thường tuyên bố rằng ngôi nhà mẹ đang ở sau này khi bà mất chỉ có mình được ở “chứ không có bất kỳ ai trong dòng tộc này được ở”. Người chị mặc dù đã có nhà riêng ở gần đó, đã có quán được làm ngay lô đất bên cạnh nhà mẹ nhưng có lẽ vẫn cảm thấy “ấm ức” mỗi khi nghe em trai tuyên bố như vậy. Chuyện “gà cùng một mẹ” này gây gổ nhau đối với người dân ở phường đã là chuyện thường ngày.

Trong phiên tòa diễn ra ngày 31/7 vừa qua, nhìn bà lão tuổi 80 ngồi chấm nước mắt nghe tuyên án đứa cháu ruột, nhiều người không khỏi xót xa cho gia đình. Nhiều người tặc lưỡi vẫn biết nạn nhân là người cục tính nhưng giá như mẹ hung thủ là người biết cư xử cho đúng với lẽ của một người làm chị thì có lẽ vụ án mạng đau lòng kia đã không xảy ra.

Đáng lý chuyện chị em xung khắc, bà Hoa nên giải quyết với em mình, không nên kể cho con nghe, rồi kích động vào sự nông nổi của tuổi trẻ. “Bài học về sự cám dỗ của vật chất dẫn đến “nồi da xáo thịt” từ vụ án này đáng bị chê cười và cũng là bài học nên tránh xa không của riêng ai”, vị hội thẩm nhân dân chia sẻ ngoài hành lang phòng xử án.

Đà Quảng

Đọc thêm