Tin vào những lời đường mật, những món quà hào nhoáng, nhiều cô gái tưởng mình sắp “lên tiên” khi kiếm được anh người yêu lý tưởng. Khi những thứ quý giá nhất của đời con gái được hiến dâng, khi những đồng tiền gom góp của bố mẹ không cánh mà bay theo chàng rể hụt, họ mới hiểu mình đã gặp một gã họ Sở.
|
Hình chỉ mang tính minh họa |
Gã Việt kiều giả danh
Khi Nguyễn Thị Lưu Phi (sinh năm 1989, quê Long An) dẫn bạn trai là Việt kiều về ra mắt gia đình, ai cũng mừng rỡ cho cô gái trẻ. Lưu Phi sớm nghỉ học vì "không hợp với chuyện học hành", cô ra thành phố xin làm phụ bán cafe rồi sau đi học nghề làm tóc, mở một salon tóc nhỏ trong con hẻm gần trung tâm thành phố. Ngày ngày, ngoài giờ rảnh rỗi và thời gian chơi bời với chúng bạn, Lưu Phi thường lên mạng bằng chiêc điện thoại đời mới, chat chit và kết bạn bốn phương.
Chàng Việt kiều có cái tên nửa Tây nửa ta là Jonny Nguyễn Hùng, làm quen với Phi trên một mạng kết bạn dành cho các thanh niên nam nữ Việt Nam - Việt kiều. Sau khi xin hình, xin số điện thoại, cả hai có vẻ "chết mê chết mệt nhau". Phi suốt ngày dán mắt vào màn hình để chat với "người yêu" bên kia bán cầu.
Rồi ngày mong chờ cũng tới, chàng Việt kiều về nước, hẹn gặp Phi. Cô gái trẻ rất ưng ý khi thấy anh chàng cũng bảnh bao không khác trong hình, lại chịu khó "chi đậm" mua cho cô chiếc túi xách hàng hiệu và lọ nước hoa rất đắt tiền.
Lui tới nhà người yêu một thời gian, Jonny Nguyễn Hùng gợi ý mong được ở lại nhà cô gái trẻ, vì "ở khách sạn dài ngày chán lắm, không có không khí gia đình".
Thế là gia đình Lưu Phi đồng ý cho Jonny ở lại, vì nghĩ, trước sau gì cũng là "con rể nhà mình", trước đó, chàng Việt kiều đã đặt vấn đề muốn định ngày cho cha mẹ về nhà nói chuyện, rồi hỏi cưới Lưu Phi làm vợ.
Để làm tin, Jonny đưa 5 triệu cho "mẹ vợ", bảo là "mẹ cầm tạm sắm sửa vài thứ, mấy ngày nữa con ra thành phố đổi đô là rồi đưa thêm cho mẹ". Mấy ngày sau, chàng rể Việt kiều ngỏ ý mượn chiếc Honda đắt tiền mới sắm của gia đình để ra thành phố "đổi đô" và gặp mấy người bạn.
Cả gia đình Lưu Phi chờ hai ngày, vẫn không thấy chàng rể về mới phát hoảng, lục tìm trong nhà, họ phát hiện thêm số vàng dành dụm của mẹ Lưu Phi để trong tủ đã bị cậy lấy mất, tiền dành dụm từ việc làm tóc, Lưu Phi để trên cửa tiệm cũng không cánh mà bay. Còn chai nước hoa và giỏ hàng hiệu chỉ là hàng "made in Chợ Lớn".
Tổng thiệt hại của gia đình họ là trên 100 triệu, chưa kể tiền cả nhà mua đồ ăn ngon cung phụng chàng rể hụt nửa tháng trời. Đau nhất là gia đình cô gái bị mang nhục với hàng xóm láng giềng, vì tự dưng rước gã lừa đảo về ở trong nhà nửa tháng trời. Làng trên xóm dưới người ta dị nghị, bàn tán rằng, Lưu Phi mai mốt chỉ có đi xứ khác lấy chồng, chứ ở đây ai mà thèm...
Chàng rể hụt quyền quý và vụ lừa nửa tỉ
Chuyện của Lê Phạm Ngọc Thuý (TPHCM) cũng đáng buồn không kém. Thuý sinh năm 1987, xinh đẹp, sinh viên Đại học Kinh tế, gia đình lại gia giáo nên nhiều chàng trai theo đuổi. Cũng trong một lần kết bạn qua mạng, cô quen với Nguyễn Tín Nghĩa - là du học sinh mới về nước, khoe mình "đang dành thời gian để vui chơi, giải trí ở Việt Nam đã, rồi mới nghĩ đến việc đi làm.
Theo Nghĩa khoe với Thuý, thì cha anh ta làm lãnh đạo một Sở ở Hà Nội, thế lực rất lớn, nhưng anh ta thích ở Sài Gòn hơn, vì nơi đây thoải mái, cuộc sống dễ thương, và nhất là "con gái Sài Gòn rất đáng yêu, anh muốn lấy một cô gái Sài Gòn làm vợ".
Để Thuý tin, Nghĩa lấy hình cha mình trong cuộc họp có một vị lãnh đạo cho Thuý xem, xe Nghĩa chạy cũng toàn xe xịn, tiền thì xài thoải mái, Nghĩa thường xuyên lấy lòng người yêu và gia đình người yêu bằng những món quà đắt tiền. Cha mẹ Thuý khá tự hào vì chàng rể tương lai giàu có, con nhà gia giáo, thế lực.
Từ những câu chuyện phiếm, gia đình Thuý có kể qua rằng, nhà họ có mảnh đất ở quận 2, rất rộng, nhưng bị dính vào giải toả, đền bù mức giá rất "bèo", tính ra chênh lệch cả chục tỉ đồng. Nghĩa đã gợi ý gia đình Thuý rằng Nghĩa biết cách dựa vào mối quan hệ của ông bố để "chạy chọt", chắc chắn được.
Nghe những lời thuyết phục rất đáng tin của Nghĩa, gia đình Thuý mừng rỡ, nghĩ rằng mình đã gặp "quý nhân", lại sắp là "người nhà", gia đình Thuý đã giới thiệu thêm một người họ hàng cũng bị "dính" một lô đất giải toả gần đó. Hai gia đình gom góp đưa cho Nghĩa số tiền gần 500 triệu đồng, gọi là tiền "quan hệ" với những người có chức năng.
Cầm tiền, Nghĩa bảo mình bay ra Hà Nội để "nhờ bố tác động" trước. Hai ngày đầu, Nghĩa có gọi về hứa hẹn chắc chắn sẽ thành công, bố Nghĩa đã "nói giúp". Đến ngày thứ ba thì họ không còn liên lạc được với Nghĩa. Nhưng chỉ đến 4 ngày sau đó, mất dấu cậu "rể tương lai" hoàn toàn, gia đình Thuý mới dám nghĩ mình đã bị lừa, và đi báo công an.
Hoá ra, chẳng có Nghĩa con của giám đốc Sở nào ở Hà Nội giống như thế cả. Cả gia đình họ đã rơi vào bẫy của một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp đã gây ra nhiều vụ tương tự từ Bắc chí Nam. Đã thế, họ còn lôi cả người họ hàng vào cuộc, mất mát tiền bạc, hai gia đình rơi vào cảnh khó xử, rồi từ mặt nhau. Riêng Thuý, xấu hổ với gia đình, bạn bè, lại còn nỗi đau âm thầm là đã "trao đời con gái" cho kẻ lừa đảo, cô phát ốm nặng, phải bảo lưu nửa năm học.
Không thiếu những cô gái, vì nhẹ dạ, tin vào những thông tin trên mạng ảo, những mối quan hệ không nguồn gốc rõ ràng và những vẻ ngoài có thể nguỵ tạo, mà rơi vào "bẫy tình" của những kẻ chuyên nghiệp, để đến nỗi tủi nhục cho bản thân, bẽ bàng, xấu hổ cho gia đình vì mối duyên bị lỡ và mắc quả lừa . Ngày càng nhiều những trường hợp như thế, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức để cảnh tỉnh những trái tim đang trong sự mê muội của tình yêu và loá mắt bởi vẻ bề ngoài cùng những lời đường mật.
Thu Cúc