Theo nhiều chuyên gia giáo dục, hiện học sinh chưa có cách chọn ngành phù hợp theo lực học. Việc tư vấn ở các trường chủ yếu làm rầm rộ kiểu phong trào, không mấy hiệu quả. Vậy học sinh cần căn cứ vào đâu để chọn ngành?
Cần thông tin cụ thể
PGS. TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng Ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, các hình thức hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông hiện tại chưa thực sự phong phú và chưa được tổ chức thường xuyên.
Các hình thức như tham quan thực tế các cơ sở sản xuất địa phương, nghe các doanh nghiệp nói về nhu cầu nhân lực hoặc các nghệ nhân nói về nghề nghiệp còn rất ít được thực hiện. Vì vậy, hiệu quả của công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông hiện nay theo đánh giá của học sinh là chưa cao.
Vì thế, nhiều trường đại học muốn học sinh biết nhiều hơn, nhà trường phải đi tư vấn tuyển sinh đồng thời quảng bá về trường mình tại các địa phương.
Theo ông Nhã, từ đầu mùa tuyển sinh 2010 đến nay, đoàn tư vấn tuyển sinh của trường đã đi tư vấn trực tại 9 địa phương.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ tại văn phòng Bộ GD&ĐT ở TP. HCM. |
Có những địa phương nằm ngay cạnh Thủ đô Hà Nội như Bắc Ninh, Hải Dương... nhưng các em vô cùng thiếu thông tin về tuyển sinh. Chẳng hạn, chỉ tiêu cụ thể của từng trường, ngành nào “nóng”, ngành nào dễ đậu, thế nào là bằng đơn, bằng “kép”... vẫn không được ai giải đáp chu đáo.
Theo GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), vài năm trước, nhà trường cũng tổ chức rầm rộ việc tư vấn tập trung trước khi làm hồ sơ để các em chọn ngành. Tuy nhiên, mỗi em một tâm trạng, một mong muốn và lực học không đều nhau.
“Trường năm nào cũng tổ chức từ 1 – 2 buổi nói chuyện về chỉ tiêu tuyển sinh, giới thiệu các ngành nghề trong xã hội... Tuy nhiên, việc định hướng này không rõ ràng và các em chủ yếu theo ngành nghề của gia đình hoặc lựa chọn việc thi cử cũng do gia đình quyết định. Các em luôn đứng trước nhiều lựa chọn thi vào đâu, ngành nghề đó thế nào… điều này ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và mất nhiều thời gian cho việc lựa chọn, sao nhãng việc học.”. (Thầy Trần Mạnh Hùng - giáo viên trường THPT Trực Ninh B, Nam Định). |
Khi trình bày chung chung những điều về tuyển sinh, thông tin các em thu được không nhiều. Có nhiều trường đại học đến tư vấn tại trường THPT nhưng chủ yếu là quảng bá cho trường mình nên không tư vấn lực học nào thì chọn ngành gì cho hợp.
GS Văn Như Cương cũng đã từng mời một số học sinh khoá trước đến trường nói chuyện về kinh nghiệm thi cử của bản thân. Nhưng việc này cũng khó vì mỗi học sinh cần một thông tin cụ thể, phù hợp từng hoàn cảnh của em đó.
Đặc biệt, nếu là học sinh ở vùng sâu, vùng xa thì lấy đâu ra thông tin tuyển sinh để cập nhật hàng ngày như thành phố? Các em đành tự thân vận động, sau đó xem trong cuốn “Những điều cần biết” để đăng kí dự thi.
Theo GS Văn Như Cương, chính vì điều này nên nhà trường rút ra kinh nghiệm: Tốt nhất, để học sinh tự nghiên cứu và tìm hiểu. Cụ thể, trường giao cho từng giáo viên bộ môn tư vấn cụ thể cho các em ở các môn học. Sau đó, các em tập hợp thông tin và hỏi ý kiến giáo viên chủ nhiệm để có quyết định cuối cùng.
Chọn ngành vừa sức
GS Văn Như Cương cho biết, xu thế hiện nay ít học sinh chọn ngành theo “mác” trường. Tâm lý chung của các em là chọn trường, ngành nào dễ đỗ. Tỷ lệ học sinh quyết thi trường cao, đỗ trượt không quan tâm và sẽ thi lại năm sau đã ít hơn trước đây.
Chúng ta có thể phân thành 3 loại học sinh khi dự thi ĐH, CĐ. Học sinh học rất giỏi, tự tin thi đỗ bất cứ trường nào và học sinh học kém, chỉ chọn ngành thấp nhất hoặc thi cao đẳng. Còn loại “ở giữa”, lực học chỉ thi được khoảng 21-23 điểm nhưng không biết chọn ngành sẽ dễ trượt. Vì thế, những em này cần có lựa chọn hợp lý, không chọn ngành quá cao dễ trượt và đừng chọn ngành quá thấp sẽ thiệt thòi.
“Theo quan điểm của tôi, chọn ngành phù hợp học lực quan trọng nhất, còn ham thích chỉ là nhất thời”, GS Văn Như Cương khẳng định.
Để thi đỗ và làm được việc sau này, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cho rằng, trước hết thí sinh cần biết bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào. Từ đó, các em chọn ra những ngành nghề nào thích hợp nhất để nghiên cứu và dùng phương pháp loại bỏ.
Quan trọng nhất, các em phải tự tin, chọn đúng ngành vừa sức và chuẩn bị kĩ kiến thức để đạt điểm cao. Các em cần căn cứ vào điểm học tập, nhất là các môn thi tuyển sinh đầu vào của ngành mình dự định theo học. Tìm hiểu điểm trúng tuyển của ngành nghề đó ở trường mình muốn thi vào trong 3 năm liên tiếp, từ đó so sánh với sức học của bản thân để xem khả có khả năng trúng tuyển không.
Cô Lê Thị Hằng (giáo viên văn lớp 12, Trường THPT Thăng Long, Hà Nội) cho biết: “Ngoài các môn học chính, các em còn có thêm giờ sinh hoạt ngoại khóa, cụ thể sẽ là các tiết hướng nghiệp theo chủ đề dành cho các lớp 12 nhằm định hướng các nhóm nghề nghiệp hiện nay trong xã hội, đưa ra sự đoán nhu cầu sử dụng các ngành nghề trong tương lai. Các em được tìm hiểu về các loại hình nghề nghiệp, trao đổi xem các em chọn trường gì, nghề nghiệp gì... Tuy nhiên, nhiều em tâm sự rằng, bị gia đình “ép” phải vào trường này, trường kia mà các em không thích hoặc em cảm thấy lực học không phù hợp. Có em tâm sự rằng gia đình bắt buộc thi trường Bách khoa, theo chuyên ngành kỹ thuật mà em là con gái, dù không thích nhưng vẫn phải đi thi. Cá biệt, có gia đình đã bắt con làm cam kết phải thi vào trường X, trường Y mà họ đã chọn”. Quang Huy |
Theo Gia đình & Xã hội