Khái quát bệnh tâm thần: Bệnh tâm thần, rối loạn tâm thần hoặc rối loạn tinh thần là hình thức tâm lý hoặc hành vi cá biệt được cho là gây ra sự đau đớn, mất khả năng cư xử cũng như phát triển bình thường.
Đây là bệnh lý của não bộ ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi, cảm xúc con người. Có bệnh tâm thần tiến triển nhanh, có bệnh âm ỉ nhưng cũng có bệnh lý xuất hiện từng cơn.
Do đó cần theo dõi lâu dài mới kết luận được một người thuộc chứng bệnh tâm thần nào.
Trầm cảm và rối loạn lo âu phổ biến nhất trong các bệnh lý về tâm thần. Hậu quả ngắn hạn, người bệnh dễ bị kích động, mất kiểm soát hành vi, tự gây hại bản thân. Về lâu dài người bệnh mất khả năng giao tiếp xã hội, khả năng tự chăm sóc bản thân.
Những chứng tâm thần liên quan đến di truyền có nguy cơ tái phát cao. Có bệnh tiến triển ngày càng nặng, có bệnh phát triển chậm. Nhưng có bệnh tâm thần có thể chỉ mắc 1 lần rồi hết hẳn như loạn thần cấp, trầm cảm, lo âu.
Những đối tượng dễ bị tâm thần: Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị tâm thần. Bệnh này rất đa dạng, tuỳ theo từng đối tượng. Chẳng hạn như tự kỉ thường gặp ở trẻ em, tâm thần phân liệt gặp nhiều ở lứa tuổi dậy thì, thanh niên. Còn sa sút trí tuệ thường gặp ở người lớn tuổi, những người trong độ tuổi trung niên dễ bị trầm cảm và rối loạn lo ấu
Những biểu hiện sớm của bệnh tâm thần: Đó là những biểu hiện bất thường về tâm lý, cảm xúc, suy nghĩ, hành vi, trí khôn hay rối loạn giấc ngủ. Ví dụ một người có hành vi kì lạ hoặc đột ngột vui vẻ, buồn chán. Ngoài ra người dễ nóng tính, cáu gắt, thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ, ăn uống không cảm thấy ngon, khó thở, đau ngực, chóng mặt đều có thể là những biểu hiện ban đầu của bệnh tâm thần.
Tuy nhiên để biết chính xác mắc bệnh hay không cần phải đến bệnh viện chuyên khoa để được khám.
Yếu tố thời tiết và dinh dưỡng liên quan đến bệnh tâm thần: Thời tiết có ảnh hưởng nhất định đến bệnh lý tâm thần nhưng tuỳ từng cá nhân, từng loại bệnh.
Chẳng hạn như có người dễ mắc bệnh trầm cảm vào mùa đông. Thời tiết thay đổi tác động đến tâm sinh lý, tính cách của con người là có nhưng không phải mọi thay đổi đều là triệu chứng của bệnh tâm thần.
Còn về dinh dưỡng, thiếu vitamin B1 dễ gây suy giảm trí nhớ. Trường hợp này thường gặp ở người nghiện rượu. Chế độ ăn nhiều rau quả, ăn đa dạng thực phẩm có lợi cho bệnh lý tâm thần. Cần chú ý hạn chế ăn đường, ăn nhiều chất béo.
Nguyên nhân gây tâm thần: Đến nay người ta chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh tâm thần nhưng y học nhận thấy có yếu tố di truyền trong bệnh tâm thần.
Tức những người trong gia đình có người bị tâm thần thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường. Thứ hai, sử dụng nhiều chất kích thích, thường xuyên căng thẳng, lo lắng kéo dài cũng dễ dẫn đến bị tâm thần.
Về lâu về dài, tất cả chất kích thích đều làm giảm khả năng tập trung, tăng nguy bị bệnh. Đối với trường hợp di truyền gần như không thể phòng tránh mà cần hạn chế những yếu tố nguy cơ khác như dinh dưỡng, tập luyện.
Các cách phòng tránh tâm thần: Có nhiều cách giảm tránh nguy cơ bị tâm thần như hạn chế sử dụng chất kích thích, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh căng thẳng đầu óc, lo lắng kéo dài.
Việc tập luyện thể dục đều đặn rất có lợi cho bệnh nhân tâm thần (tập yoga, thiền). Các nghiên cứu gần đây cho thấy tập luyện yoga thường xuyên giúp cải thiện trí nhớ, tăng khả năng tập trung.
Yoga còn giúp giảm căng thẳng. Tốt nhất nên chọn những môn thể dục thể thao mà cơ thể cảm thấy hứng thú để tham gia. Ngoài ra khi nhận thấy có những triệu chứng bất thường về tâm sinh lý phải đến cơ sở y tế khám ngay để can thiệp kịp thời, đúng hướng.
Phương pháp điều trị tâm thần mới: Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc truyền thống, y học đang phát triển phương pháp tâm lý trị liệu nhưng ở Việt Nam còn hạn chế.
Có ý kiến cho rằng điều trị tập trung có thể khiến bệnh nhân tâm thần bị nặng thêm? Mục đích của điều trị tâm thần là giúp bệnh nhân trở về cuộc sống bình thường. Tất nhiên mọi phương pháp đều có ưu nhược điểm của nó.
Ở trong bệnh viện không thể thoải mái như ở nhà nhưng người bệnh được theo dõi 24/24h. Ngược lại một số bệnh nhân tâm thần luôn muốn tự tử thì ở nhà sẽ dễ xảy ra hơn. Thực tế có trường hợp bệnh nhân điều trị tập trung khiến bệnh nặng hơn nhưng không phải tất cả đều như thế. Do đó cần cân nhắc kĩ lưỡng, đánh giá đúng đắn giữa việc điều trị tại gia hay điều trị tập trung.
Giáo dục lòng vị tha cho giới trẻ để giảm tránh nguy cơ mắc bệnh: Bệnh tâm thần gây ảnh hưởng rất lớn và nguy hiểm đặc biệt ở giới trẻ. Bởi vậy bên cạnh bệnh viện, thì gia đình, nhà trường và xã hội cũng phải góp sức.
Tại sao bệnh tâm thần nguy hiểm ở giới trẻ? Lứa tuổi thanh thiếu niên rất đặc biệt trong quá trình phát triển, hoàn thiện nhân cách của một cá nhân. Ở lứa tuổi này các em đang muốn thể hiện cái tôi, khẳng định bản thân, muốn tự quyết định thoát khỏi ảnh hưởng của cha mẹ, anh chị hay thầy cô giáo.
Trong khi bản thân các em còn thiếu trải nghiệm, tâm sinh lý có nhiều biến động sâu sắc.
Do đó các bạn trẻ rất nhạy cảm, dễ bộc phát, bùng nổ, tò mò, mạo hiểm và cũng dễ dẫn đến chán nản khi gặp khó khăn, thất bại. Từ đó rất dễ bị các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, tự kỉ…
Muốn phòng ngừa rối loạn tâm thần ở lứa tuổi vị thành niên cần làm gì? Để phòng ngừa những rối loạn tâm thần ở lứa tuổi vị thành niên, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần phải có những kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý của giai đoạn đặc biệt này.
Qua đó cung cấp cho các em đầy đủ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về kỹ năng sống để giúp các em có thể thích ứng, vượt qua được giai đoạn khó khăn đầy biến động này. Đồng thời hướng các em vào những hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh. Các cơ sở giáo dục cần chú trọng giáo dục lòng vị tha, chia sẻ, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống cho các bạn trẻ./.