Tại sao mỡ thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư?

(PLO) - Ăn nhiều thịt đỏ tăng nguy cơ ung thư đại-trực tràng, ăn đủ chất xơ có tác dụng ngăn ngừa bệnh, không ít bệnh nhân đến điều trị muộn do nhầm tưởng ung thư với trĩ…
Tại sao mỡ thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư?

Đó là những kinh nghiệm được TS.BS Bùi Chí Viết - Trưởng khoa ngoại 2, bệnh viện Ung bướu; Trưởng bộ môn phẫu thuật thực hành trường ĐH Y dược TP.HCM chia sẻ với độc giả về chứng ung thư đại -trực tràng.

Nguy cơ từ thịt đỏ
Theo BS Viết, ung thư đại-trực tràng (UTĐTT) ở Việt Nam thuộc loại ung thư thường gặp. Phần lớn bệnh có nguyên nhân do thói quen sinh hoạt và ăn uống không tốt. Những yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh chẳng hạn: Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu. Nhóm thực phẩm thịt chiên, thịt đã qua sơ chế bằng cách xông khói, dăm bông, xúc xích cũng tiềm ảnh nguy cơ gây UTĐTT.
BS Viết giải thích: Chất đạm làm tăng yếu tố sinh ung (nhất là phần thịt cháy đen), còn mỡ thịt đỏ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột thành chất sinh ung. Từ đó làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường trong lòng ruột và dẫn đến ung thư.
Bên cạnh đó, các loại nước uống chứa cồn được cho làm tăng nguy cơ UTĐTT. Thuốc lá không những được biết đến là “sát thủ” của bệnh lý tim mạch hay ung thư phổi, gần đây nó được công nhận là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây UTĐTT cho cả nam lần nữ, nhất là khi kết hợp với rượu bia. Những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, thấy rõ ở nam giới.
Những triệu chứng thường gặp của UTĐTT như: Xuất huyết tiêu hóa, thay đổi thói quen đường ruột, đau bụng, sụt cân, chán ăn kèm cảm giác mệt mỏi. Đặc trưng là triệu chứng tắc ruột.
Tuy nhiên, tùy theo vị trí khối bướu ở phần nào của đại-trực tràng mà có những triệu chứng riêng. Chẳng hạn bướu ở đại tràng bên phải thì có triệu chứng tiêu chảy kèm theo táo bón. Còn bướu nằm bên trái sẽ gây tắc ruột. Riêng ung thư trực tràng, hai triệu chứng nổi bật là đại tiện ra máu tươi và mót rặn.
BS Viết cho biết, ung thư trực tràng rất dễ chẩn đoán, nhưng tiếc rằng không ít bệnh nhân khi đến điều trị thì bệnh đã ở giai đoạn trễ. Một trong những lí do đơn giản là người bệnh nghĩ mình bị trĩ hay kiết lỵ bởi các triệu chứng na ná nhau. Ngay cả nhiều thầy thuốc đôi khi cũng bỏ qua trong thăm khám: “Chỉ bằng ngón tay ấn chẩn qua hậu môn đã có thể xác định được ung thư. Nhưng nhiều thầy thuốc chủ quan, cho rằng đó là bệnh trĩ, từ đó dẫn đến sai lầm trong điều trị”, BS Viết cảnh báo.
Ăn nhiều chất xơ có thể ngừa UTĐTT
BS Viết cho biết 95% bệnh nhân UTĐTT ở giai đoạn I có thể chữa trị khỏi bệnh. Riêng nhóm bệnh nhân ở giai đoạn II, III có nguy cơ tái phát, di căn sau 2-3 năm nếu không được điều trị đúng.
Các phương tiện tầm soát bệnh thường được bắt đầu bằng những phương tiện giản đơn, ít xâm lấn đến các phương pháp chuyên sâu hơn. Cụ thể như tìm máu ẩn hiện diện trong phân, nội soi đại tràng “sigma”, soi toàn bộ đại tràng, chụp đại tràng đối quan kép đã và đang được áp dụng với chi phí vừa phải nhưng đạt được hiệu quả cao. Việc xét nghiệm mẫu phân giúp cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh nhờ phát hiện ung thư sớm.
Tương tự, xét nghiệm nội soi và chụp x-quang đại tràng cho thấy rõ vị trí tổn thương hoặc những pôlýp và cắt bỏ qua phẫu thuật nội soi trước khi chúng chuyển thành ung thư thực thụ. Hiện nay, những phương pháp mới như xét nghiệm DNA phân, nội soi ảo khung đại tràng để tái tạo lại toàn bộ hình ảnh của lòng đại tràng dựa trên các lát cắt chụp cắt lớp, hay nội soi khung đại tràng bằng viên camera (capsule endoscopy) cũng đã được thực hiện cho kết quả chính xác.
Ngoài việc tầm soát, phát hiện bệnh sớm thì ăn nhiều chất xơ được cho có khả năng ngừa UTĐTT. Chất xơ có nguồn gốc từ rau tươi và các loại trái cây giúp làm giảm nguy cơ ung thư:
“Chất xơ sẽ gia tăng tiêu thụ axít folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm nhờ giảm thời gian ứ đọng phân. Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các axít béo chuỗi ngắn cũng như các yếu tố vi lượng chống hiện tượng ôxi hóa”, BS Viết giải thích rõ hơn. Nên bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi và các vitamin E, C, A cũng như uống thêm calcium để ngừa phòng UTĐTT.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ sinh hoạt năng động và thường xuyên luyện tập thể dục. Hoạt động thể lực, tăng cường vận động làm giảm nguy cơ mắc UTĐTT trên cơ sở ngăn ngừa béo phì. Việc tầm soát UTĐTT nhằm phát hiện những tổn thương tiền ung thư hay bệnh ở giai đoạn sớm sẽ mang đến cho người bệnh nhiều cơ hội chữa trị khỏi./. 

Đọc thêm