Vợ chồng ông Đường lấy nhau đã trên 20 năm, khi cả hai cùng làm công nhân tại Nhà máy Chè Hưng Thịnh (tỉnh Yên Bái). Họ có hai người con gái hiện đã lập gia đình riêng. Ngoài làm ruộng, hàng ngày bà Bút mở sạp hàng nhỏ ở chợ huyện buôn bán kiếm thêm, còn ông Đường ở nhà lo cơm nước, lợn gà. Mọi chi tiêu trong gia đình do bà Bút nắm giữ.
Ở tuổi xế chiều lại phải lo toan cơm áo nên bà Bút có vẻ lơ là chuyện “chăn gối”, không đáp ứng được nhu cầu của ông chồng khỏe như vâm ngày ba bữa cơm rượu. Cách đây vài năm, ông Đường tìm thú vui ở bên ngoài, đó là một thiếu phụ góa chồng. Chuyện này chỉ vỡ lở khi hai người đèo nhau đi “ăn vụng” thì gặp tai nạn giao thông khiến cô bồ mất mạng. Từ đó ông Đường lại quay về chung tình với bà vợ già.
Sau chuyện đó, bà Bút rất “cay” nên càng siết chặt quản lý kinh tế gia đình. Ông Đường đi đâu, làm gì đến tiền cũng phải ngửa tay xin vợ. Mỗi khi ông Đường đi ra ngoài, dù lý do chính đáng nhưng bà Bút thường nghi ngờ, chửi mắng chồng không tiếc lời. Quá bức xúc, ông Đường lên kế hoạch “loại” bà vợ quá đáng ra khỏi cuộc sống để sống “dễ thở” hơn.
Thực hiện kế hoạch này, ông Đường chuẩn bị một cây gậy gỗ, găng tay, ủng, nón để khi ra tay thì bà Bút không thể nhận ra. Tối 25/1/2015, ông Đường điện thoại cho vợ hỏi khi nào đi chợ về để nấp sẵn bên đường chặn đánh. Người đàn ông trùm chiếc áo cũ lên đầu, đội nón, mặc áo mưa, đeo găng tay và cầm đoạn gậy gỗ phục trong bụi rậm. Chờ khi bà Bút đi đến, ông Đường từ chỗ nấp xông ra, cầm gậy vụt liên tiếp vào đầu rồi bóp cổ vợ. Bị đánh bất ngờ, bà vợ chỉ kịp kêu vài tiếng yếu ớt rồi ngất đi.
Nghĩ bà Bút đã chết, ông Đường bỏ chạy về nhà, nghe ngóng thấy người dân kéo đến hiện trường thì mới xuất hiện đưa vợ đi cấp cứu. Sau đó, ông Đường còn xăng xái đến Công an thị trấn Yên Bình trình báo việc vợ mình bị một đối tượng chặn đánh, cướp đi một dây chuyền vàng.
Tuy nhiên, khi bà Bút tỉnh lại thì khai rằng bị một người lạ mặt lao vào bóp cổ rồi dùng gậy đánh vào đầu chứ không nhằm mục đích cướp tài sản. Bà vợ khẳng định “không mang theo sợi dây chuyền vàng 2 chỉ”, số tiền hơn 2 triệu đồng trong túi bà vẫn còn nguyên, chứng tỏ kẻ lạ mặt chỉ muốn xâm phạm tính mạng, sức khỏe của bà chứ không nhằm mục đích cướp tiền.
Khi trinh sát đưa ra chiếc áo thu tại hiện trường, bà Bút khẳng định đó là áo ông Đường vẫn thường sử dụng. Nhận thấy lời khai của ông Đường bất nhất, thái độ khuất tất nên công an triệu tập đấu tranh làm rõ. Sau nhiều giờ quanh co, cuối cùng ông Đường đã thừa nhận hành vi tấn công vợ rồi tạo chứng cứ ngoại phạm, đi báo án.
Tại phiên tòa sơ thẩm lưu động vừa qua, bà Bút vẫn còn bàng hoàng, không tin được sự thật dù bị cáo Vũ Văn Đường khai tường tận về hành vi tấn công vợ. Bởi theo bà, xưa nay ông Đường là người lành tính, chăm chỉ lao động, thương vợ con. Tuy quá khứ ông Đường có “tì vết” về thói trăng hoa nhưng bà cho rằng đó cũng là chuyện thường tình của cánh đàn ông, quan trọng là ông Đường vẫn không bỏ vợ, có trách nhiệm với gia đình. Về phía bị cáo Đường thì cho rằng bột phát gây án chỉ vì luôn cảm thấy tức tối do bị vợ quản lý kinh tế và mắng nhiếc, hạ nhục nên định “dạy” cho vợ bài học, chứ không có mục đích sát hại bạn đời.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo dùng hung khí nguy hiểm bất ngờ tấn công vào đầu, mặt là những vùng xung yếu trên cơ thể bà Bút đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”, việc nạn nhân may mắn thoát chết (tổn hại 42% sức khỏe) là do được cấp cứu kịp thời và nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Do vậy, Tòa tuyên phạt Vũ Văn Đường 12 năm tù về tội “Giết người” (chưa đạt), về trách nhiệm dân sự do người bị hại không yêu cầu nên Tòa không xét.