Bí mật đời tư bị ảnh hưởng vì phiếu lý lịch tư pháp?

Do chưa hiểu quy định của Luật Lý lịch tư pháp nên một số cơ quan đại diện nước ngoài (các đại sứ quán), tổ chức quốc tế ở Việt Nam và cả một số doanh nghiệp trong nước đã yêu cầu công dân Việt Nam phải bổ sung Phiếu lý lịch tư pháp số 2 vào hồ sơ làm thủ tục xuất cảnh hoặc định cư ở nước ngoài. Yêu cầu này là không đúng tinh thần của Luật Lý lịch tư pháp và gây bất lợi cho công dân Việt Nam...

Thời gian qua, do chưa hiểu quy định của Luật Lý lịch tư pháp nên một số cơ quan đại diện nước ngoài (các đại sứ quán), tổ chức quốc tế ở Việt Nam và cả một số doanh nghiệp trong nước đã yêu cầu công dân Việt Nam phải bổ sung Phiếu lý lịch tư pháp số 2 vào hồ sơ làm thủ tục xuất cảnh hoặc định cư ở nước ngoài. Yêu cầu này là không đúng tinh thần của Luật Lý lịch tư pháp và gây bất lợi cho công dân Việt Nam. Vấn đề này liên quan trực tiếp đến việc triển khai Luật Lý lịch tư pháp gần 3 năm qua và là một trong những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi Luật.

Người dân làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp. Hình minh họa.

Thông báo ngắn, xáo trộn lớn

“Bắt đầu từ ngày 1/11/2012, tất cả các đương đơn xin thị thực định cư và thị thực hôn phu (hôn thê) sẽ được yêu cầu nộp Lý lịch tư pháp số 2, để thay thể cho Lý lịch tư pháp số 1, như một phần trong bộ hồ sơ xin thị thực. Lý lịch tư pháp số 2 sẽ có giá trị một năm dành cho những đương đơn từ 16 tuổi trở lên”.

Đây là thông báo rất ngắn gọn của một cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam về việc yêu cầu Phiếu lý lịch tư pháp số 2 đối với hồ sơ xin thị thực định cư và thị thực hôn phu (hôn thê) của công dân Việt Nam. Nhưng đằng sau nó lại gây nên những xáo trộn không đáng có trong cuộc sống của người dân.

Và đáng tiếc hơn, những thông báo kiểu này đang ngày càng phổ biến và đến từ nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau.

Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) năm 2009, Phiếu LLTP gồm có: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Phiếu LLTP số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Phiếu LLTP số 1 là Phiếu ghi các án tích chưa được xóa và không ghi các án tích đã được xóa; thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ được ghi vào Phiếu LLTP số 1 khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu. Phiếu LLTP số 2 là Phiếu ghi đầy đủ các án tích, cả án tích chưa được xóa lẫn án tích đã được xóa; thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thống kê của Sở Tư pháp một số tỉnh, thành phố cho biết, yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1 chiếm đa số. Tại TP.Hồ Chí Minh cũng tương tự. Từ năm 2010 đến tháng 9/2012, yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1 ở thành phố mang tên Bác là 99%.

Nhưng từ tháng 10/2012 đến nay, yêu cầu Phiếu LLTP số 2 tăng đột biến đến 60%. Lý do tăng chủ yếu là vì các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam yêu cầu người dân phải bổ sung Phiếu LLTP số 2, trong khi trước đây nộp hồ sơ, người dân chỉ cần nộp Phiếu LLTP số 1.

Một trong các mục đích và nguyên tắc quản lý LLTP là ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng và bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân. Tuy nhiên, mục đích nhân đạo này sẽ bị ảnh hưởng khi mà ngày càng có nhiều cơ quan, tổ chức “lạm dụng” quyền được cấp Phiếu LLTP số 2 của cá nhân để yêu cầu người dân nộp bổ sung nhằm “nắm” được những thông tin thuộc về bí mật đời tư.

Giả dụ, một người từng bị kết án và đã được cấp giấy chứng nhận xóa án tích thì khi người đó yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1, trong mục tình trạng án tích chỉ ghi nhận là “không có án tích”. Còn nếu người đó yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 thì mục này cũng được ghi nhận là “không có án tích” song kèm theo là thông tin về bản án (tội danh, điều khoản áp dụng, hình phạt chính, bổ sung, án phí, ngày tháng năm tuyên án, thi hành án…) và ghi chú thông tin về việc đã được xóa án tích.

Khó khăn trong thực hiện quyền yêu cầu cấp Phiếu

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình. Khi cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1 thì họ có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục này. Tuy nhiên, đối với Phiếu LLTP số 2 thì người yêu cầu cấp Phiếu không được ủy quyền cho người khác mà phải trực tiếp làm thủ tục. Điều này đã gây khó khăn cho việc đi lại và tốn kém tiền bạc của người dân, nhất là đối với những người đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.

Rất nhiều người dân đã chia sẻ về những vướng mắc trên với báo giới. Chẳng hạn như trường hợp của ông T.V.C (huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh). Ông C đến Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 thay cho con ông đang du học ở Singapore.

Hồ sơ của ông bị từ chối vì Phiếu số 2 theo quy định phải do người con trực tiếp đến nộp và nhận kết quả. Ông Chính buồn rầu: “Tôi tưởng như lần trước cấp Phiếu LLTP số 1, tôi cũng đi làm giùm con mà không cần đến giấy ủy quyền, ai dè lần này hổng được. Giờ con tôi đang thực tập, đâu có thời gian về nước, vả lại đi về cũng tốn kém tiền bạc lắm.”.

Hay chị N.T.C.V (huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh) nộp hồ sơ cấp Phiếu LLTPsố 2 cho chồng cũng bị từ chối. Chị V tâm sự: “Chồng tôi đi xuất khẩu lao động ở Nhật được hai năm và sắp mãn hợp đồng. Nay công ty đòi anh ấy bổ sung Phiếu này để làm hồ sơ qua nước khác. Trước đây, chồng tôi đã nộp Phiếu LLTP số 1, giờ họ đòi thêm Phiếu này nữa. Mỗi lần về nước là tốn trên 10 triệu đồng mà không biết khi anh ấy về có kịp làm hồ sơ hay không”.

Tương tự, chị N.T.M.T ở quận Ba Đình, Hà Nội (đang du học ở Australia) cũng phải về nước để làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Do trước đó, mẹ chị T đã đến Sở Tư pháp TP.Hà Nội yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho con thì bị từ chối vì quy định bắt buộc người yêu cầu cấp Phiếu số 2 phải trực tiếp làm thủ tục.

Thục Quyên

Đọc thêm