Bí mật hàng hải lớn nhất mọi thời đại

Ngày 5-12-1872, thủy thủ của tàu Dei Gratia phát hiện một con tàu buồm mang tên Mary Celeste đang di chuyển một cách vô định theo hướng gió ở Đại Tây Dương. Khi thuyền trưởng và thuyền phó lên boong, họ không tìm thấy bất cứ một thủy thủ nào của tàu Mary Celeste. Con tàu ở trong tình trạng bình thường. Thân tàu, cột buồm và buồm đều rất tốt. Những thùng rượu vẫn được cột chặt tại chỗ. Thực phẩm và nước uống còn rất nhiều.
Ngày 5-12-1872, thủy thủ của tàu Dei Gratia phát hiện một con tàu buồm mang tên Mary Celeste đang di chuyển một cách vô định theo hướng gió ở Đại Tây Dương. Khi thuyền trưởng và thuyền phó lên boong, họ không tìm thấy bất cứ một thủy thủ nào của tàu Mary Celeste. Con tàu ở trong tình trạng bình thường. Thân tàu, cột buồm và buồm đều rất tốt. Những thùng rượu vẫn được cột chặt tại chỗ. Thực phẩm và nước uống còn rất nhiều.
Tại phần trước của boong tàu, những chiếc hòm đi biển và quần áo của thủy thủ vẫn khô ráo và không hề bị xáo trộn. Mấy lưỡi dao cạo rải rác đây đó vẫn không hề gỉ sét. Trong bếp, mấy cái vò đựng những gì còn lại sau một bữa ăn vẫn trên bếp lửa đã nguội lạnh…  Tất cả mọi thứ đều không hề hư hại gì và vẫn để nguyên vị trí, cứ như thể toàn bộ thủy thủ đoàn đã có một quyết định thống nhất và đột ngột là cùng nhau rời bỏ tàu. Bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không thể quá lâu trước đó, vì nếu không thức ăn đã bị ôi thiu và kim loại bị han gỉ do không khí ở biển. Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Nhưng trải qua hơn 100 năm, không hề có giả thuyết nào thực sự vững chắc. Điều bí ẩn về con tàu tự mình di chuyển dường như sẽ trở thành một bài toán hóc búa mãi mãi. Câu chuyện về tàu Mary Celeste vẫn được coi là bí ẩn hàng hải lớn nhất mọi thời đại.
Thuyền trưởng Ben-da-min Brít.
Thuyền trưởng Ben-da-min Brít.
Mary Celeste là một chiếc thuyền buồm dài 31m, trọng tải 282 tấn. Ban đầu, nó được đóng với cái tên Amazon tại Nô-va Xcô-ti-a, năm 1861. Thuyền trưởng đầu tiên của con tàu chết ngay từ đầu chuyến đi đầu tiên của nó. Mọi người cho rằng, con tàu này không may mắn vì nhiều chuyến đi không thành công và nó đã bị đổi chủ nhiều lần. Trong chuyến hải trình đầu tiên của nó năm 1862, nó đã bị hư hại nặng sau một cuộc đụng tàu. Khi đang được sửa chữa ở bến cảng, nó phát cháy. Năm 1863, nó vượt Đại Tây Dương lần đầu tiên và ở eo biển Măng-xơ. Amazon va vào một chiếc tàu khác làm chiếc này bị chìm. Chiếc Amazon cũng bị hư hại nặng. 4 năm sau đó, vào năm 1867, nó mắc cạn ở đảo Ca-pơ Brê-tơn, ngoài khơi bờ biển Ca-na-đa. Con tàu hầu như bị tàn phá và phải được đóng lại. Sau đó nó được bán cho một người chủ Mỹ, người này đổi tên con tàu thành Mary Celeste năm 1869. Ngày 5-11-1872, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Ben-da-min Brít, chiếc tàu với hàng hóa là cồn công nghiệp của Meissner Ackermann & Coin đi từ đảo Xta-ten, Niu Y-oóc tới Giê-noa, I-ta-li-a. Ngoài thủy thủ đoàn 7 người, trên tàu còn có thuyền trưởng và hai hành khách: Vợ thuyền trưởng, Xa-ra Ê. Brít và cô con gái hai tuổi, Xô-phi-a Ma-tin-đa. Ngày 4-12-1872, Mary Celeste được chiếc Dei Gratia, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Đa-vít Rít Mo-hau, người có quen biết thuyền trưởng Brít, nhìn thấy. Chiếc Dei Gratia rời cảng Niu Y-oóc chỉ sau chiếc Mary Celeste 7 ngày. Thủy thủ đoàn trên chiếc Dei Gratia quan sát Mary Celeste trong hai giờ và kết luận rằng nó đang trôi dạt, dù chiếc tàu không phát đi tín hiệu cầu cứu. Ô-li-vơ Đê-vu, thuyền phó thứ nhất chiếc Dei Gratia, dẫn một đội thủy thủ đi thuyền nhỏ sang Mary Celeste. Ông phát hiện chiếc tàu đã bị từ bỏ, dù nói chung nó vẫn ở tình trạng tốt. Theo báo cáo của Đê-vu, cả con tàu hoàn toàn lộn xộn và ẩm ướt. Chỉ có một chiếc bơm đang hoạt động, với rất nhiều nước giữa các tầng và có khoảng ba feet rưỡi nước trong khoang. Tất cả buồm vẫn được giương lên và vẫn còn tốt. Hàng hóa vẫn còn nguyên. Còn đủ lương thực cho 6 tháng nữa và còn nhiều nước ngọt. Tất cả đồ dùng cá nhân của thủy thủ đoàn đều còn trên tàu. Có một số đồ chơi của trẻ con trên giường của thuyền trưởng. Còn đồ ăn đồ uống trên bàn trong phòng. Cửa sập phía trước và buồng lái đều mở toang, mặc dù cửa hầm bị đóng kín. Chiếc đồng hồ không chạy và la bàn đã bị phá huỷ. Kính lục phân và đồng hồ hàng hải bị lấy đi, cho thấy khả năng con tàu đã bị bỏ rơi có chủ ý. Chiếc thuyền cứu sinh duy nhất còn lại dường như đã được hạ thủy có chủ định chứ không phải bị cướp đi. Có 2 vết cắt sâu ở mũi tàu, gần đường mớn nước. Có một vết chém sâu dọc thành tàu, vết do rìu chém. Trên boong tàu có những vệt máu khô sẫm, và trên thanh kiếm của thuyền trưởng ở trong phòng cũng có vết máu. Thủy thủ đoàn chiếc Dei Gratia được chia làm hai để điều khiển chiếc Mary Celeste tới Gi-bran-ta. Trong một phiên tòa, họ đã được vị thẩm phán ca ngợi về lòng can đảm và trình độ nghề nghiệp. Không một ai trong số thủy thủ đoàn và hành khách trên chiếc Mary Celeste được tìm thấy. Số phận của họ có thể không bao giờ được biết. Đầu năm 1873, có báo cáo rằng hai chiếc thuyền cứu sinh đã cập bến tại Tây Ban Nha, trên một chiếc có một xác người và một lá cờ Mỹ, trên chiếc kia có 5 xác. Từng có giả thuyết cho rằng đó là xác của các thủy thủ chiếc Mary Celeste. Điều này chưa từng được xác nhận bởi nhân dạng của các xác chết chưa từng được điều tra. Mary Celeste tiếp tục được nhiều chủ sử dụng trong 12 năm nữa trước khi được chất hàng là giày ống và thức ăn cho mèo trong chuyến đi cuối cùng với vị thuyền trưởng đang muốn đánh chìm nó để đòi tiền bảo hiểm. Kế hoạch không thành công bởi con tàu không chịu chìm, nó lao lên bãi đá ngầm Rô-xê-loa tại Ha-i-ti. Hàng chục giả thuyết đã được đưa ra giải thích số phận bí ẩn của thủy thủ đoàn và hành khách trên tàu, từ thông thường tới quái dị. Những giả thuyết kỳ lạ nhất dựa trên số lượng cồn trên tàu. Brít chưa bao giờ chở loại hàng hóa nguy hiểm như vậy và không tin tưởng nó. 9 thùng thiếc có thể đã tạo ra một đám hơi trong khoang tàu. Nhà sử học Con-rát Bai-ơ tin rằng, thuyền trưởng Brít đã ra lệnh mở khoang tàu. Một đám khói hơi mạnh thoát ra và sau đó là hơi nước. Thuyền trưởng Brít tin rằng, chiếc tàu sắp nổ và ra lệnh cho mọi người lên xuồng cứu sinh. Trong khi vội vã, ông đã không kịp nối thuyền cứu sinh với tàu bằng một sợi dây chắc chắn. Gió nổi lên và thổi tàu đi xa khỏi họ. Những người trên xuồng cứu sinh hoặc đã chết đuối hoặc đã trôi dạt trên biển và chết vì đói khát và ánh nắng. Một giả thuyết tinh vi hơn dựa trên lập luận này được nhà sử học người Đức Ê-gen Uy-xê đưa ra năm 2005. Theo ý kiến của ông, các nhà khoa học tại Đại học Luân-đôn đã tạo ra một mô hình khoang tàu theo tỷ lệ để xem xét giả thuyết đám khói bốc lửa sau khi cồn bay hơi. Sử dụng butane làm nhiên liệu và thùng giấy để chứa, khoang tàu được đóng kín và sau đó hơi được đánh lửa. Lực nổ thổi cánh cửa khoang mở tung và làm rung động mô hình theo tỷ lệ, bằng cỡ một chiếc quan tài. Ethanol cháy ở nhiệt độ khá thấp với điểm cháy 13°C. Không thùng chứa bằng giấy nào bị hư hại, cũng không có vết cháy xém nào. Giả thuyết này có thể giải thích số lượng hàng vẫn còn nguyên vẹn và vết gãy trên xà tàu, có thể do một trong những cánh cửa khoang hàng. Đám cháy hơi cồn này trong khoang có thể đã khá lớn và có thể đủ để khiến thủy thủ đoàn hoảng sợ để rời tàu nhưng nó không đủ mạnh để để lại dấu vết. Một sợi thừng sờn kéo dưới nước phía sau tàu có thể là bằng chứng cho thấy thủy thủ đoàn vẫn nối dây với tàu hy vọng đám cháy sẽ qua. Con tàu bị bỏ lại khi vẫn căng tất cả các buồm và một cơn bão đã được ghi nhận chỉ một thời gian ngắn sau đó. Có thể sợi dây nối với xuồng cứu sinh đã đứt vì lực kéo quá mạnh. Một con thuyền nhỏ trong bão không thể so sánh được với Mary Celeste. Một số người đưa ra giả thuyết cho rằng, cồn chính là nguyên nhân dẫn tới sự biến mất của thủy thủ đoàn, nhưng với lý do khác. Họ tin rằng thủy thủ trên tàu Mary Celeste đã vào khoang và uống số lượng cồn chứa trong đó, phản bội và giết hại thuyền trưởng Brít và sau đó đã đánh cắp một xuồng cứu sinh. Các giả thuyết khác đưa ra nguyên nhân về một vụ nổi loạn trong thủy thủ đoàn, giết hại vị thuyền trưởng khắc nghiệt Brít cùng gia đình ông rồi sau đó bỏ trốn trên một chiếc thuyền cứu sinh. Tuy nhiên, không hề có bằng chứng cho thấy thuyền trưởng Brít là tuýp người có thể khiến thủy thủ đoàn của mình nổi loạn. Thuyền phó An-nớt Ri-chát-sơn và những thủy thủ còn lại đều có lý lịch tốt. Một giả thuyết khác cho rằng con tàu đã gặp một vòi rồng, một cơn bão kiểu lốc xoáy với một đám mây hình phễu trên biển. Trong trường hợp đó, vùng nước xung quanh tàu có thể, khi bị hút lên trên, tạo cảm tưởng rằng chiếc Mary Celeste đang đắm. Điều này có thể giải thích tại sao chiếc Mary Celeste lại ướt nhẹp khi thủy thủ đoàn chiếc Dei Gratia tìm thấy nó, và một sự sợ hãi ghê gớm của mọi người có thể giải thích vết trầy trên dầm và chiếc la bàn hỏng được tìm thấy, cũng như chiếc thuyền cứu sinh đã mất. Một giả thuyết khác cho rằng một trận động đất trên biển đã khiến thủy thủ đoàn hoảng sợ rời bỏ con tàu. Tuy nhiên, những người đi biển nói chung đồng ý rằng, việc rời bỏ con tàu chỉ là một biện pháp cuối cùng. Một giả thuyết khác cho rằng, một trường hợp nhiễm độc ergot đã xảy ra do nguyên nhân từ những chiếc bánh mì trên tàu và có thể đã khiến tất cả những người trên boong tự lao mình xuống biển. Bri-an Híc và Xtan-li Xpai-xơ trong những cuốn sách gần đây đã nêu lên một giả thuyết hoàn toàn hợp lý rằng thuyền trưởng Brít đã mở cửa khoang để thông gió khi thời tiết biển đang yên tĩnh. Đám hơi cồn độc hại từ trong khoang có thể đã đầu độc vị thuyền trưởng và thủy thủ đoàn tới mức họ phải rời bỏ tàu để lên xuồng, chỉ nối với tàu bằng một sợi dây không đủ chắc. Nếu sợi dây đứt khi thời tiết thay đổi và do gió thì sẽ dễ dàng giải thích được sự rời bỏ bí ẩn và đột ngột khỏi con tàu với các cánh cửa khoang, cửa sổ mở tung. Hơn 40 năm sau khi chiếc Mary Celeste được tìm thấy, những giấy tờ và tài liệu thuộc về một người đã chết tên là A-ben Pho-đi tuyên bố rằng, ông ta đã là một hành khách bí mật trên tàu. Pho-đi kể lại, một ngày, sau một cuộc tranh cãi vui với một thủy thủ về khoảng cách một người có thể bơi được với quần áo trên người, thuyền trưởng Brít và thủy thủ đoàn đã nhảy xuống biển, trong khi vợ thuyền trưởng và con gái, Pho-đi, cùng hai thủy thủ khác đứng trên một boong đặc biệt để quan sát cuộc vui. Bỗng nhiên, cá mập lao tới tấn công những người ở dưới nước. Những thủy thủ trên tàu chạy lên boong để quan sát rõ hơn, khiến nó đổ sập và hất tất cả xuống biển. Pho-đi, rơi lên một mảnh ván, là người duy nhất sống sót. Không thể lên được tàu, ông đã trôi dạt nhiều ngày trên biển và cuối cùng dạt tới bờ biển châu Phi. Sợ hãi vì những gì đã trải qua, ông không bao giờ kể lại cho bất kỳ ai. Câu chuyện của Pho-đi chưa bao giờ được chứng minh, và nhiều điều không chính xác (như việc Pho-đi miêu tả các thủy thủ là người Anh) cho thấy đây có thể là chuyện giả mạo.
Theo QĐND

Đọc thêm