Bí mật lớn trong vụ án viên kim cương Vera Krupp

Tối ngày 10/4/1959 Vera Krupp vừa kết thúc bữa ăn cùng người quản lý trang trại Spring Mountain của mình, bỗng có ba người đàn ông gõ cửa đề nghị được nhận trải nhựa cho con đường xe chạy trong trang trại, tuy bị từ chối nhưng cả bọn đã kịp xông vào nhà.

Tối ngày 10/4/1959 Vera Krupp vừa kết thúc bữa ăn cùng người quản lý trang trại Spring Mountain của mình, bỗng có ba người đàn ông gõ cửa đề nghị được nhận trải nhựa cho con đường xe chạy trong trang trại, tuy bị từ chối nhưng cả bọn đã kịp xông vào nhà.

Chiếc nhẫn kim cương Vera Krupp – Elizabeth Taylor

Đã có chủ định trước, chúng khống chế người quản lý trang trại, một tên trong bọn chộp lấy bàn tay của Vera Krupp cố giật chiếc nhẫn kim cương – món quà của ông chồng tỷ phú mà nữ nghệ sĩ này coi như vật bất ly thân. Chiếc nhẫn vốn đã chật lại thêm cuộc giằng co nên nó chỉ thoát ra khỏi ngón tay của Vera Krupp sau khi đã để lại những vết trầy xước rớm máu.

Xong việc, nhóm cướp cạn bịt mắt bà chủ trang trại và người quản lý rồi trói họ vào mấy chiếc ghế trong phòng ăn. Trước khi tẩu thoát chúng còn kịp khua khoắng căn nhà lấy đi 700.000 USD tiền mặt, một khẩu súng lục và một chiếc máy chụp hình.

Sau một hồi loay hoay tìm cách thoát thân, Vera Krupp và người quản lý đã cởi trói cho nhau. Họ định gọi điện thoại báo cảnh sát nhưng bộ ắc quy cung cấp điện cho trang trại hẻo lánh trong hoang mạc đã bị đập nát. Hai người đành phải lái xe tới sân bay Las Vegas mới có thể thông tin cho nhà chức trách.

Danh tính của nạn nhân và giá trị của chiếc nhẫn đã buộc FBI vào cuộc. Vera Krupp vốn là một nữ nghệ sĩ nhưng không mấy người nhớ tên thời con gái của bà. Năm 1952, Vera  Hossenfeld, dù đã từng có ba đời chồng, nhận lời trở thành người vợ thứ hai của Alfried Krupp - người đứng đầu tập đoàn công nghiệp khổng lồ Đức Krupp AG.

Mặc dù bị kết án 12 năm tù do hỗ trợ cho phát xít Đức trong những năm chiến tranh Thế giới II nhưng thực tế Alfried Krupp chỉ ngồi nhà lao 3 năm. Khi Vera Hossenfeld lấy Alfried Krupp, bà đã 43 tuổi nhưng vẫn còn rất đẹp. Vera Krupp có công giúp chồng xuất hiện trở lại đời sống bình thường sau một đoạn đời u tối của ông. Một người hầu lâu năm của gia đình Krupp thừa nhận rằng lần duy nhất thấy ông chủ của mình mỉm cưòi sau chiến tranh là lúc ông ta ở bên vợ.

Tuy nhiên, Vera và Alfried Krupp chỉ sống với nhau không lâu, năm 1957 họ chia tay. Vera Krupp quá ngán ngẩm với cuộc sống dày đặc những chuyến công du làm ăn của chồng cũng như tính khí quá chi li cẩn trọng, nghiêm trang đạo mạo, khép kín của một ông trùm công nghiệp người Đức.

Tuy nhiên, trước đó, vào năm 1955 Vera Krupp đã trở thành bà chủ trang trại Spring Mountain và cũng là chủ sở hữu của chiếc nhẫn nạm viên kim cương 33 carat trị giá thời đó lên tới hơn 275.000 USD. Trang trại Spring Mountain là nơi Vera Krupp nương thân cho tới ngày cuối đời của bà vào năm 1967, sau đó nó được bán cho tỷ phú Huge Horward.

Elizabeth Taylor với chiếc nhẫn Vera Krupp trên ngón tay

Lich sử của viên kim cương  cho đến vụ cướp ở trang trại Spring Mountain , đến nay vẫn là một bí mật lớn. Người ta không biết gì ngoài việc Vera Krupp đã mua nó từ nhà kim hoàn nổi tiếng Harry Winston nằm trên đại lố Số 5 của New York, có lẽ bằng món tiền lớn mà bà được chia sau khi chia tay với chồng.

Căn cứ các mặt cắt hình vuông theo phương pháp do anh  em nhà Asscher người Hà Lan phát kiến có thể suy đoán rằng viên kim cương của Vera Krupp được cắt từ một viên kim cương thô trong khoảng từ năm 1902 đến năm 1920 – thời kỳ lối cắt kim cương này thịnh hành nhất.  

Căn cứ theo độ trong suốt và sắc màu tán xạ, người ta đoán viên kim cương Vera Krupp có lẽ được khai thác từ mỏ Jagersfontein ở Nam Phi. Ban đầu, trong thời kỳ 1888 đến 1913 mỏ này được khai thác lộ thiên và sau đó được khai thác ngầm cho đến khi bị đóng cửa năm 1971. Ánh xanh da trời phơn phớt của viên kim cương Vera Krupp đặc trưng cho những viên kim cương khai thác được ở mỏ Jagersfontein trong thời kỳ 1902-1930.

Biết rằng bọn cướp không thể dễ dàng bán một món giá trị như chiếc nhẫn của Vera Krupp, FBI lẳng lặng giăng lưới. Cơ quan này lọc ra tên của những kẻ có thể là thủ phạm và họ chú ý tới John William Hagenson, một kẻ đang bị truy nã vì một vụ cướp tương tự. Hagenson và đồng bọn là những con cáo già.

Sau vụ đánh cướp ở Mountain Spring, chúng tản ra và di chuyển loanh quanh qua hàng chục bang khiến các thám tử bám theo mệt phờ. Bắt đầu từ Las Vegas (bang Nevada), tuyến đường chữ chi của những tên cướp xuyên qua nước Mỹ rồi ghé qua Miami Beach, Chicago vài lần trước khi tới Newak. Tuy nhiên, FBI chưa thể xác định được chiếc nhẫn đang nằm ở đâu, trong tay ai. Mạng lưới chỉ điểm của FBI đang dò theo những cuộc mua bán kim cương trong thế giới ngầm.

Cuối tháng 5/1959, một nhân viên FBI tại Newark (bang New Jersey) nghe được tin đồn từ giới bất hảo rằng có một chủ hiệu tạp hóa vô danh tiểu tốt đang dọ dẫm chào bán một viên kim cương lớn. Không chậm trễ, FBI tung người vào cuộc xác định kẻ chào bán là ai và từ đó lần tới James Reves – một trong ba gã tham gia vụ cướp trang trại Spring Mountain.

Lục soát căn phòng khách sạn nơi hắn trú ngụ ở Elizabeth các thám tử FBI tìm thấy viên kim cương 33 carat nằm trong túi chiếc áo khoác của hắn treo trong tủ. Nhưng ngoài viên kim cương lớn nhất khảm ở giữa, chiếc nhẫn của Vera Krupp còn 2 viên kim cương khác nhỏ hơn. FBI đã tìm được chúng trong một tiệm kim hòan ở St. Louis.

Hagenson, Reves và những kẻ có liên quan bị đưa ra toà vào tháng 11/1959, trong đó Hagenson bị cho là chủ mưu và cầm đầu.

Sau khi nhận lại số kim cương, Vera Krupp cho làm lại chiếc nhẫn và bà giữ nó cho đến khi qua đời. Năm 1968, sau khi Vera Krupp mất, chiếc nhẫn được mang ra đấu giá. Nam tài tử màn bạc Richard Burton đã bỏ ra 305.000 USD để mua nó làm quà tặng tình yêu của ông dành cho huyền thoại màn bạc Elizabeth Taylor nhân dịp sinh nhật lần thứ 40 của bà.

Trong cuốn “Tình yêu của tôi với nữ trang”, Elizabeth Tay lor thú nhận rằng khi viên kim cương Vera Krupp được đưa ra đấu giá bà đã mơ ước được thấy viên kim cương này “trên tay một cô gái Do Thái như tôi”. Richard Burton đã chiều lòng người đẹp mà ông từng thú nhận là “Tôi không thể hình dung đời mình thiếu Elzabeth. Nàng là hơi thở, là máu, là trí óc, là trí tưởng tượng của tôi”. Thực ra, Elizabeth Taylor không phải là người Do Thái. Bà cải đạo sang Do Thái giáo khi lấy người chồng thứ tư, ca sĩ Eddie Fisher.

Trang trại Spring Mountain ngày nay.

Cũng như Vera Krupp trước đây, Elizabeth Taylor không bao giờ chịu để chiếc nhẫn rời khỏi tay mình và nó trở thành một trong những món nữ trang không thể thiếu trong bất kỳ tấm hình hay bộ phim nào  của nữ minh tinh màn bạc này từ năm 1968. Elizabeth Taylor gìn giữ chiếc nhẫn như kỷ vật tình yêu của bà với Richard Burton mặc dù hai người chia tay nhau năm 1976. Ngày Burton mất tại Thuỵ Sĩ, Elizabeth Taylor vẫn đeo chiếc nhẫn Vera Krupp mà ông tặng bà.

Trong những năm sau đó, Elizabeth Taylor đã bán đi rất nhiều món trong bộ sưu tập dồ trang sức nổi tiếng của mình để cúng cho các quỹ từ thiện. năm 1978 bà đã bán đi viên kim cương nặng 68 carat mệnh danh Taylor – Burton để góp vào quỹ xây dựng bệnh viện ở Botswana, năm 2002 bà lại bán tiếp một viên kim cương và một chiếc nhẫn đính ngọc lục bảo do Burton tặng được 80.000 USD giúp quỹ chữa trị AIDS. Tuy vậy, chiếc nhẫn bạch kim đính viên kim cương Vera Krupp đã theo Elizabeth Taylor đến hơi thở cuối cùng. Sau khi Elizabeth Taylor mất vào năm 2011, tên của bà được gắn cho viên kim cương đó.

Tháng 12/2011, viên kim cương Elizabeth Taylor được nhà đấu giá Christie’s chào bán và nó lọt vào tay một tỷ phú Hàn quốc với giá  8.818.500 USD. Ban đầu, người ta dự đoán nó sẽ được bán với giá khoảng từ 2,5 đến 3 triệu USD.

Thi Anh

Đọc thêm