Bí mật ở phòng thu

Để mau nổi tiếng, để khỏi “đụng hàng” hoặc chứng tỏ mình có giọng hát không kém ai, không ít người đã tìm đến phòng thu, lạm dụng kỹ thuật xử lý âm thanh để chỉnh sửa - nâng chất lượng sản phẩm âm nhạc của mình.
Để mau nổi tiếng, để khỏi “đụng hàng” hoặc chứng tỏ mình có giọng hát không kém ai, không ít người đã tìm đến phòng thu, lạm dụng kỹ thuật xử lý âm thanh để chỉnh sửa - nâng chất lượng sản phẩm âm nhạc của mình.

Hát hay nhờ... công nghệ

"Hát cao lên tí nữa", "chưa được, dùng hơi đẩy mạnh từ đó ra", "vẫn chưa tới cao độ..." đó là những yêu cầu của người kiệu ca (người hướng dẫn, chỉnh sửa cho ca sĩ) lặp đi lặp lại nhiều lần trong phòng thu. Sau vài chục lần hát đi hát lại mệt lả, cô ca sĩ vã mồ hôi còn người "kiệu ca" gật gù ra chiều hài lòng thì công việc mới tạm ngưng.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Hình ảnh này thường thấy ở tất cả các phòng thu âm, nhưng là ở phòng thu của vài ba năm trước. Nói điều này bởi với kỹ thuật thu âm phát triển vượt bậc như hiện nay, ca sĩ, kiệu ca và cả những kỹ thuật viên thu âm không cần phải mệt mỏi như trước nữa. Kỹ thuật và công nghệ của phòng thu mang lại rất nhiều tiện ích lẫn hiệu quả cho âm nhạc. Nếu ca sĩ hát đi hát lại cả chục lần với câu nhạc chỉ 7, 8 chữ nhưng vẫn không xong, đến lúc này người bấm máy ghi âm (recorder) sẽ dùng cách kết nối từng từ, từng câu lại với nhau để cho bài nhạc thật sự hoàn chỉnh.

Dù có hát rời rạc, thiếu hơi, không tới cao độ thì được công đoạn điều chỉnh phía sau khắc phục. Tận dụng các phương tiện kỹ thuật của thời đại cộng với kinh nghiệm “nghề dạy nghề”, người điều chỉnh, pha trộn âm thanh (mixer) sẽ điều chỉnh làm cho giọng ca dày, mỏng, mềm và ngọt hơn. Hát không tới cao độ, hiệu ứng âm thanh (effect) sẽ làm giảm âm lượng để nhạc che lấp khiếm khuyết ấy. Ngoài ra, chương trình phần mềm soạn thảo âm nhạc (sound forge) cũng cho phép cắt nối, loại bỏ những tạp âm không cần thiết, sửa được luôn cả cao độ...

Kết quả là ca sĩ hay nói đúng hơn người điều chỉnh âm thanh cho ra lò một sản phẩm CD hoàn chỉnh. Sự hỗ trợ của phòng thu không chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm thời gian cho ca sĩ mà “khi một giọng ca nào đó có cùng tần số với micro thì giọng ca ấy trở nên cực kỳ xuất sắc. Đó là chưa kể, một giọng hát rất mỏng nhưng qua hệ thống mix, micro xịn, giọng hát ấy cũng vẫn dày lên như mong muốn”.

Nếu trước đây, một ca sĩ được biết đến nhiều, thường phải qua một quá trình dùi mài tập luyện trên sân khấu, sau khi có chút tiếng tăm mới ra album. Còn nay nhờ có kỹ thuật phòng thu thì vòng quay dường như đảo ngược. Nhiều ca sĩ ra album trước như một cách làm quen với thị trường sau đó mới xuất hiện trên sân khấu.

Những kỹ thuật tiên tiến của phòng thu hỗ trợ rất nhiều cho những người chọn ca hát làm nghiệp. Nếu những năm trước, ca sĩ phải cùng ban nhạc vào phòng thu ghi âm từ đầu đến cuối, chỉ cần một người hát hoặc đàn sai thì bắt buộc tất cả phải làm lại từ đầu. Bởi vậy, ca sĩ lúc bấy giờ đòi hỏi trình độ chuyên môn cao mới bước được chân vào làng âm nhạc. Nay thì đã khác, ban nhạc hay ca sĩ - người nào muốn thu trước cũng được, chẳng nhất thiết cùng thu.

"Giải pháp an toàn" – “hát nhép”

Việc ra album một cách dễ dàng cũng phần nào tiếp tay cho hiện tượng "hát nhép", nhiều ca sĩ trở nên lười biếng, ỉ lại, không chịu tập luyện trau dồi thêm giọng hát của mình. Những đoạn rung, luyến láy... đòi hỏi phải tập luyện nay được lấp liếm bởi các "phù thủy" trong phòng thu. Có ca sĩ còn lười đến mức chỉ hát đoạn một, rồi cắt dán thành đoạn hai và chỉ cần thu thêm phần điệp khúc... Nhiều người tự bằng lòng với giọng ca chắp ghép, lợi dụng hình thức và vũ điệu mà khi biểu diễn sử dụng đĩa nhạc phối trước rồi chỉ việc "đớp lời". Đây không chỉ là việc lừa dối khán giả mà còn cho thấy một xu hướng xô bồ chuộng nhìn hơn nghe của giới nhạc.

Nếu tinh ý cũng có thể nhận thấy trên thị trường những album nhàng nhàng, cùng một kiểu hòa âm, phối khí, các âm thanh và giọng hát được "kéo ngang kéo dọc" mất hết độ tự nhiên và trung thực. Đa phần những album này sẽ bị lãng quên vì trong âm nhạc luôn đòi hỏi mỗi ca sĩ cần có một phong cách ổn định và một cá tính âm nhạc.

Thế nhưng thực tế, một số ca sĩ trẻ lại đang lạm dụng "hiệu ứng phòng thu". "Giọng hát máy móc" khiến họ không còn chất giọng riêng và đôi lúc gây phản cảm. Mặt khác, kỹ xảo thu âm chỉ thích hợp khi tiến hành trên băng đĩa, song một số ca sĩ cứ "vô tư" diễn trên sân khấu, chẳng khác nào "tuyên bố" với khán giả rằng mình đang... hát nhép.

Không hiếm những ca sĩ khi phát hành album đã tạo nên những tiếng vang đáng kể bởi album của họ rất đặc sắc. Không tính đến phong cách nhạc của album thì chất lượng âm thanh, ca khúc và giọng hát của họ đều đạt chuẩn. Tức là đáng nghe, album cũng đáng đồng tiền bát gạo. Ấy vậy nhưng, cũng giọng ca đó khi xuất hiện trên sân khấu (đặc biệt là những chương trình đòi hỏi hát live (hát thật), những chương trình nói không với lipsync), khán giả không còn nhận ra giọng ca ấy trong album mà họ vừa được nghe trước đó.

Nhạc sĩ Hà Dũng khẳng định: “Đó chính là mặt sau của phòng thu. Nhiều giọng ca đã phải đánh lừa khán giả yêu nhạc chỉ vì giọng ca thật của họ với giọng ca trong album khác nhau một trời một vực. Để không mất khán giả, họ buộc phải lipsync cho giống với những gì trong album”.

Cũng đồng thuận với quan điểm này, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nói: “Hiện nay, có rất nhiều giọng ca mà lẽ ra họ chẳng bao giờ có thể trở thành ca sĩ được”. Và như vậy, ai cũng có thể trở thành ca sĩ nhờ công nghệ của phòng thu.

Sự hỗ trợ của phòng thu là điều không phủ nhận nhưng nếu mọi người ý thức được việc mình làm, rằng phòng thu sẽ hỗ trợ chứ không lạm dụng công nghệ như hiện nay thì có lẽ nền âm nhạc VN sẽ sạch sẽ hơn với những giọng ca thật sự chất lượng.

Ở nước ngoài, mỗi khi lên kế hoạch cho một dự án âm nhạc, ca sĩ phải tốn rất nhiều tiền để có được những album riêng. Hơn nữa, không có bất kỳ sân khấu biểu diễn nào trên thế giới lại chấp nhận chuyện hát nhép. Chính vì vậy, ca sĩ phải thật tự tin về giọng hát của mình mới dấn thân vào con đường ca hát và coi đó là nghiệp. Trong khi đó, nhiều ca sĩ ở VN nói không ra hơi nhưng vẫn trở thành ca sĩ. Tất nhiên, hành trang của họ là những sản phẩm được thực hiện một cách chỉn chu trong phòng thu. Đó chính là lý do mà thị trường âm nhạc VN trở nên nhiễu nhương hơn với hàng trăm, hàng ngàn ca sĩ.

Tuy nhiên, kỹ thuật có phát triển siêu việt cũng không lấp được khiếm khuyết từ những bài hát do ca sĩ dạng này thể hiện: Thiếu nhạc cảm, thiếu sự mềm mại ngọt ngào và chiều sâu của tác phẩm... Các yếu tố này đòi hỏi rất cao ở tính sáng tạo và cảm xúc của chính ca sĩ chứ không phải ai khác. Đó chính là lý do mà nhiều giọng ca ngôi sao quyết định từ chối sự hỗ trợ của phòng thu khi thu live (quay về cách thu như ngày xưa với ban nhạc chơi sống chứ không sử dụng công nghệ của phòng thu tạo ra âm thanh) cho album của mình. Điều này không chỉ giúp họ có được những album lạ mà còn khẳng định đẳng cấp trên thị trường âm nhạc hiện nay.

Minh Anh

Đọc thêm