Bí mật về những tuyệt tác đồng hồ lấy cảm hứng từ trống đồng Đông Sơn

(PLO) - Những chiếc đồng hồ Đông Sơn Tourbillon của nhà sản xuất đồng hồ danh tiếng Thụy Sỹ Speake-Marin trở nên đắt giá không chỉ bởi được lấy ý tưởng từ tinh hoa văn hóa Việt Nam mà còn bởi mỗi chi tiết trên đồng hồ đều có thể được xem là những kỳ công thực thụ.

Kiệt tác lấy cảm hứng từ tinh hoa văn hóa 

Năm 2011, ông Peter Speake-Marin – Chủ tịch của hãng đồng hồ danh tiếng Thụy Sỹ Speake-Marin, cũng là một bậc thầy về đồng hồ cơ khí đương đại, người chuyên chế tác đồng hồ cho các nguyên thủ, hoàng thân hay các chính trị gia trên thế giới – lần đầu đến Việt Nam.

Khi tới thăm Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, ông đã bị thu hút bởi các hoa văn trang trí trên mặt trống đồng Đông Sơn trưng bày tại đây. Ý tưởng tạo ra những chiếc đồng hồ cao cấp lấy cảm hứng từ những chiếc trống đồng Việt nhanh chóng được Speake-Marin bắt tay vào thực hiện. 

Trên trang web của Speake-Marin, phần giới thiệu về những chiếc đồng hồ tuyệt tác được viết như sau: “Trống đồng Đông Sơn là những chiếc trống bằng đồng, là sản phẩm của nền văn hóa Đông Sơn tồn tại ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, miền bắc Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 600 trước Công nguyên tới năm 300 sau Công nguyên.

Phần thân và mặt trống thường được trang trí với những họa tiết đồng tâm, mô tả khung cảnh cuộc sống hàng ngày của người dân lúc bấy giờ. Những chiếc trống đồng này đã chứng minh người Đông Sơn là những thợ đúc đồng có kỹ thuật đỉnh cao. 

Những chiếc trống đồng Đông Sơn thường nặng đến 100kg. Để đúc được một chiếc trống, các nghệ nhân có thể phải đúc từ 1 đến 7 tấn quặng đồng. Người ta cho rằng những chiếc trống đồng Đông Sơn được sử dụng làm nhạc cụ trong các lễ hội, làm cầu nối để người dân thỉnh cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu với thần linh.

Những chiếc trông như vậy cũng được sử dụng trong các đám cưới hay đám tang và để cổ vũ tinh thần của những người đàn ông khi ra trận. Những chiếc trống đồng Đông Sơn đạt trình độ nghệ thuật mà hiếm có nền văn hóa nào ở thời đó có thể đạt được”. 

Chính những hình ảnh và biểu tượng mang tính chất truyền thống của chiếc trống đó đã tạo cảm hứng cho những chiếc đồng hồ Speake-Marin Đông Sơn có độ tinh xảo cao ra đời và có tên là Đông Sơn Tourbillon.

Hoàn thiện đến từng chi tiết

Lấy cảm hứng từ sự sáng tạo của các nghệ nhân Đông Sơn được thể hiện trên những chiếc trống đồng Hoàng Hạ, Cổ Loa, Ngọc Lũ và quan trọng hơn là sự phức tạp của các hình trang trí cùng sự trường tồn theo thời gian của những chiếc trống, Speake-Marin đã diễn họa lại các hoa văn và họa tiết tiêu biểu của trống đồng nguyên mẫu trên mặt số của những chiếc đồng hồ do ông tạo ra. 

Theo đó, mặt số của những chiếc đồng hồ Đông Sơn Tourbillon được trang trí theo mô típ gồm một ngôi sao trung tâm, cùng các vòng tròn đồng tâm mà trong đó là những hình tượng chiến binh, người lao động và chim Lạc tung cánh… nhằm thể hiện sự thành kính đặc biệt dành cho kiệt tác văn hoá trí tuệ của người Việt thời xa xưa.

Đông Sơn Tourbillon nhìn từ mặt trước.

Những chiếc đồng hồ Đông Sơn Tourbillon có mặt được làm bằng vàng đỏ 18K  còn thân vỏ được đính một viên kim cương chính giữa núm xoay. Sức sống của những chiếc mặt đồng hồ không chỉ đến từ việc áp dụng mô típ trang trí mặt trống mang tính biểu tượng của những chiếc trống đồng Đông Sơn mà còn đến từ sự chính xác đến ngoạn mục trong tay nghề điêu khắc, với mỗi nét chạm chỉ sâu đúng 0,3mm trên bề mặt vàng 18K dày chỉ 1mm. Sau khi chạm chi tiết, mặt đồng hồ còn phải trải qua quá trình xử lý “matte” để tạo được sắc độ tuyệt vời đúng vàng đỏ như trên những chiếc trống huyền thoại.

Đông Sơn Tourbillon sở hữu bộ kim được Speake-Marin coi là “Phiến đá Rosetta” của ông. Trong truyền thuyết, Phiến đá Rosetta chính là bia đá cổ ghi sắc lệnh của vua Ptolemy V, sau này trở thành chìa khóa giải mã chữ tượng hình Ai Cập. Kim giờ trên những chiếc Đông Sơn Tourbillon mang hình tượng một trái tim.

Cả kim này và kim phút đều được tạo hình, đánh bóng và đốt nhiệt thủ công mang màu xanh đặc trưng nổi bật tại vị trí trung tâm đồng hồ. Mốc 12 giờ bằng số La Mã và các mốc dấu điểm giờ vòng quanh mặt số được khắc lên bề mặt vàng đỏ 18K, phủ một lớn sơn mài, rồi tạo vân. Vòng đệm vàng bao quanh bảo vệ mặt số cũng được đánh bóng thủ công tương phản sáng như gương.

Nghệ thuật chế tác đồng hồ thủ công tuyệt vời của Speake-Marin trên những chiếc Đông Sơn Tourbillon có thể nhìn thấy rõ ràng ở mặt sau của những chiếc đồng hồ. Tất cả các chi tiết ở đó đều được chế tác và được đánh bóng bằng tay. Quả văng micro-rotor được làm bằng platinum - là kim loại quý và nặng nhất - nhằm đem lại sự mạnh mẽ và cân bằng trong quá trình chuyển động của Tourbillon ở mặt trước.

Cầu Tourbillon được Speake-Marin chọn chế tác từ bạc Đức phủ rhodium, tạo ra các hiệu ứng sáng độc đáo. Toàn bộ các chi tiết đều được xoa bóng tạo vân thủ công. Các ký tự hiển thị được điêu khắc bằng vàng. 

Chi tiết làm nên đẳng cấp

Một điểm khác làm nên “đẳng cấp” cho chiếc Đông Sơn Tourbillon thực tế đã được nêu trong chính tên của chiếc đồng hồ - Tourbillon. Tourbillon là từ tiếng Pháp có nghĩa là lốc xoáy, là bộ phận được thợ chế tác đồng hồ bậc thầy Abraham Louis Breguet thêm vào những chiếc đồng hồ vào năm 1798 nhằm loại bỏ tác động của trọng lực lên bộ phận bánh lắc lò xo của đồng hồ cơ khi đồng hồ ở những vị trí không thuận lợi, như khi tay cử động hoặc chuyển động quá nhanh. 

Mặc dù chỉ là một bộ phận hỗ trợ độc lập, nhưng tourbillon lại có cấu tạo vô cùng phức tạp, khó sản xuất, chế tạo và cũng rất đắt. Có kích thước chỉ bằng nửa đốt ngón tay út của người bình thường hoặc bé hơn nhưng tourbillon lại được cấu thành từ rất nhiều linh kiện. Thông thường, mỗi tourbillon có từ 40 - 90 chi tiết nhỏ ghép lại, với tổng trọng lượng chỉ dao động từ 0,2 đến 0,6g.

Chính đòi hỏi kỹ thuật cao như vậy đã khiến tourbillon trở thành biểu tượng đỉnh cao của nghề đồng hồ cơ khí cao cấp. Theo một số thống kê, kể từ khi Tourbillon được biết đến vào năm 1801 đến những năm 1960 mới chỉ có tổng cộng 640 chiếc đồng hồ tourbillon được chế tạo, tức trung bình mỗi năm chỉ có 4 chiếc. Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến nhưng số lượng đồng hồ tourbillon được sản xuất mỗi năm cũng chỉ dao động trong khoảng 20 - 30 chiếc.

Nhờ bàn tay tinh xảo và sự khắt khe đến từng chi tiết, Peter Speake-Marin hiện được giới sành đồng hồ đặt cho biệt danh “ông vua” của mặt số với những kỹ thuật đỉnh cao để biến mỗi mặt đồng hồ thành một kiệt tác. Đặc biệt, ông được xem là một trong số những truyền nhân ít ỏi có khả năng chế tác những bộ tourbillon tuyệt đẹp hiện nay.

Trên chiếc Đông Sơn Tourbillon, Speake-Marin cũng đã sử dụng những bộ tourbillon tương tự bộ sản phẩm trên chiếc đồng hồ Foundation đánh dấu sự xuất hiện của ông trong giới đồng hồ siêu hạng thế giới.

Đông Sơn Tourbillon nhìn từ mặt sau

Kỹ thuật chế tác tourbillon bậc thầy của Peter Speake-Marin đã giúp hoàn thiện một cách hoàn hảo phiên bản đồng hồ Đông Sơn. Tourbillon trên chiếc đồng hồ Speake-Marin Đông Sơn được chế tác hoàn toàn bằng tay, có kích thước chỉ bằng nửa đốt ngón tay út, gồm 67 chi tiết siêu nhỏ. Bộ phận này được đặt vào lồng thép bảo vệ kiên cố ở vị trí 6 giờ trên mặt số của chiếc Đông Sơn Tourbillon. Cầu Tourbillon trên những chiếc đồng hồ được Peter Speake-Marin thiết kế bắt mắt, làm từ thép Durnico - một loại thép siêu cứng, rất khó chế tác và đánh bóng. 

“Tourbillon là một trong những điều mà tôi thích thú nhất khi chế ra những chiếc đồng hồ. Sự chuyển động của nó đã tạo nên sức sống cho những chiếc đồng hồ, nó cho thấy thời gian đang di chuyển theo cách thức mà những chiếc đồng hồ cơ lặp lại mỗi phút hay đồng hồ grande sonnerie không thể đem đến được. Với tôi, đó là điều đáng tự hào”, Speake-Marin cho biết.

Theo thống kê, chỉ có 18 chiếc đồng Đông Sơn Tourbillon được sản xuất. Về sau, Speake-Marin đã cho ra mắt thêm 2 chiếc Diamond Magister Dong Son nữa cũng lấy cảm hứng từ chiếc trống đồng của Việt Nam. Kể từ đó, hãng không sản xuất thêm chiếc đồng hồ này dù có nhiều đơn đặt hàng.

Speake-Marin là thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ ra mắt năm 2002 nhưng đã nhanh chóng thu hút tạo tiếng vang bởi sự sáng tạo trong các sản phẩm của họ. Mỗi chiếc đồng hồ của Speake-Marin được xem là sự kết hợp hoàn hảo giữa bí quyết và sự xuất sắc của ngành chế tạo đồng hồ Thụy Sỹ. Người sáng lập hãng đồng hồ này là ông Peter Speake-Marin, một nghệ nhân người Anh nhưng lập nghiệp ở Thụy Sỹ. Theo Speake-Marin, mỗi chiếc đồng hồ của hãng đều cần 2 đến 3 tháng để thiết kế và từng đó thời gian để chế tác với sự  tham gia của hàng trăm người. Mỗi năm, hãng chỉ sản xuất khoảng 500 chiếc đồng hồ.

Chính sự độc đáo như vậy đã khiến Speake-Marin trở thành thương hiệu được các hoàng thân, nguyên thủ, chính trị gia tại nhiều nước ưa chuộng. Ví dụ, Quốc vương thứ 13 Malaysia Abdul Halim từng sở hữu một chiếc Speake-Marin Eternity được làm từ vàng trắng 18K nguyên khối, gắn 490 viên kim cương và phải mất đến 6 tháng mới hoàn thiện… Giá bán của chiếc đồng hồ này không được tiết lộ theo yêu cầu của chủ nhân nhưng chắc chắn không hề rẻ nếu xét tới việc giá của những chiếc đồng hồ “độc” của hãng luôn ở mức nhiều tỉ đồng.

Ngày xưa, các cụ nhà ta xem giờ thế nào?

Theo Nguyễn Dữ (từ Lyon, Pháp), xưa kia nước ta dùng đồng hồ nước của Tàu. Nguồn gốc cái đồng hồ này được Lê Quý Đôn kể như sau: "Cái đồng hồ gồm có 3 từng, tròn và đều có bề kính 1 thước đặt trên cái thùng hứng nước có góc vuông, có cái vòi rồng phun nước vào cái thùng hứng nước, nước chảy xuống dưới một cái cừ đặt ngang, trên nắp có đặt một hình người đầy đủ áo mão đúc bằng vàng gọi quan Tư Thì (coi về giờ khắc), hai tay cầm một cây tên. Đó là phép lậu khắc của Ân Quỳ.

Lấy đồng làm một cái ống hút nước (khát ô, con quạ khát nước) hình trạng giống như một cái móc uốn cong dẫn nước chứa đựng cho chảy vào một cái vòi rồng bằng bạc, phun vào cái đồ tưới (quán khí), nước rỉ chảy xuống 1 thang cân nặng 2 cân thì trải qua một khắc. Đó là phép lậu khắc của Lý Lan". (Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ)

Cái đồng hồ nước được Lê Quý Đôn miêu tả chữ Hán gọi là khắc lậu. Lậu nghĩa là nước rỉ ra, khắc là vệt khắc trên cái que. Nước từ bình trên rỉ thành giọt rơi xuống bình dưới. Dùng một cái que có khắc vạch để đo mực nước và theo đó mà tính giờ. Một ngày được chia thành 12 giờ (tí, sửu...tuất, hợi). Giờ được chia thành khắc (một khắc gần bằng 15 phút của đồng hồ ngày nay). Đêm được chia thành 5 canh (canh một, canh hai...). Làng xã ngày xưa tổ chức việc canh gác, đổi phiên theo canh.

Trong lĩnh vực văn chương, có lẽ Nguyễn Trãi (1380-1442) là người đầu tiên tại nước ta, nói tới cái khắc lậu (gọi tắt là lậu):

Vi sảnh thoái qui hoa ảnh chuyển 

Kim môn mộng giác lậu thanh tàn 

(Khi ở Vi sảnh lui về thì bóng hoa đã chuyển 

Ở Kim môn mộng tỉnh thì tiếng lậu đã tàn) 

Sau Nguyễn Trãi, vua Lê Thánh Tông cũng có nói tới cái khắc lậu:

Kế lậu canh mấy khắc dư 

Đêm dài đằng đẵng mới sang tư ... 

Canh chầy đèn hạnh lâm dâm 

Xao xác lậu canh trống điểm năm... 

(Hồng Đức quốc âm thi tập)

Tấm tranh dân gian Đồng hồ nước cho thấy hai cái bình, hay cái bình và cái chậu hứng, cả hai đều tròn xoay, đứng phía nào cũng thấy giống nhau. Như vậy thì đâu là mặt, đâu là lưng? Các tác giả đều dùng chữ lậu hay khắc lậu để chỉ toàn bộ cái đồng hồ, cái máy đo thời gian, chứ không chỉ riêng cái mặt đồng hồ.

Lục tìm trong một số thơ văn xưa của ta thì thấy rằng tên khắc lậu được dùng trong cả thơ văn chữ Hán và chữ Nôm, còn tên đồng hồ thì chỉ thấy dùng trong văn thơ Nôm và quốc ngữ. Từ đó có thể suy đoán rằng tên đồng hồ là do người Việt đặt ra. Đồng hồ nghĩa là cái bình bằng đồng. Từ ngày cái khắc lậu Việt Nam được làm bằng đồng thì ta gọi nó là cái đồng hồ. Tên đồng hồ có trễ nhất cũng là từ đời Hồng Đức (1470-1497).

Nước cạn đồng hồ canh chuyển hai 

Đêm dài đằng đẵng tựa năm dài 

(Hồng Đức quốc âm thi tập)

Mắt chưa nhắm đồng hồ đã cạn 

Cảnh tiêu điều ngao ngán dường bao 

(Nguyễn Gia Thiều, Cung oán)

Cá buồn cá lội thung thăng 

Người buồn, người biết đãi đằng cùng ai? 

Phương đông chưa rạng sao mai 

Đồng hồ chưa cạn, biết lấy ai bạn cùng? 

(Ca dao)

Năm 1884 nước ta bị Pháp đặt nền bảo hộ. Cái đồng hồ nước bắt đầu bị đồng hồ của Pháp cạnh tranh.

Sang đầu thế kỉ 20, số người dùng đồng hồ báo thức của Pháp chắc cũng đã khá nhiều. Điều này được nghệ sĩ dân gian ghi lại qua tấm tranh Chỉnh tu chung biểu (Sửa chữa đồng hồ), vẽ một cửa hàng sửa chữa đồng hồ được khai trương tại Hà Nội vào khoảng năm 1908.

Ít năm sau có thêm đồng hồ quả quýt bỏ túi, rồi đồng hồ đeo tay.

Từ đây, đêm đêm: Ngó trên án đèn xanh hiu hắt/Nghe tiếng kim...ký cách giục giờ (Tản Đà, Đêm đông hoài cảm).

Đêm khuya không còn nghe tiếng nước nhỏ giọt thánh thót, mà chỉ nghe tiếng kim kí cách, tiếng tích tắc đều đặn của cái đồng hồ quả lắc hay đồng hồ báo thức để đầu giường, đầu tủ.

Trong lúc thôn quê còn tiếp tục quan sát "gà gáy", "gà lên chuồng", “ngỗng kêu”, "mặt trời cao bằng con sào", "mặt trời xế bóng "...thì thành thị đã kháo nhau dùng đồng hồ tối tân có kim chỉ giờ, chỉ phút, chỉ giây, có cửa sổ ghi ngày, ghi thứ. 

Đọc thêm