Xác minh sai “yếu tố nước ngoài”
Theo Quyết định thuận tình ly hôn số 22-TTLH ngày 22/3/1984, ông Lê Ân được ly hôn với bà Lê Ngọc Lan. Tuy nhiên, cho rằng quyết định này giao căn nhà 408 Cách mạng tháng Tám (TP HCM) cho bà Lan là không đúng, ông Ân đã khiếu nại.
Năm 1988, TAND TP HCM đã có Quyết định kháng nghị, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND TP HCM xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm vì cho rằng căn nhà 408 Cách mạng tháng Tám chưa có giấy tờ sở hữu hợp lệ. Quyết định sơ thẩm chưa xác minh cụ thể đã công nhận cho bà Lan sở hữu là chưa có cơ sở pháp lý.
Ngày 30/9/1988, Ủy ban Thẩm phán TAND TP HCM đã có Bản án Giám đốc thẩm số 08/LHGĐ chấp nhận Kháng nghị nói trên, hủy phần giải quyết về tài sản của Quyết định thuận tình ly hôn số 22, giao toàn bộ hồ sơ vụ kiện cho TAND quận Tân Bình giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.
Sau đó, tuy đã thụ lý lại nhưng TAND quận Tân Bình đã không mở phiên tòa mà chuyển vụ kiện lên TAND TP HCM vì cho rằng, vụ án có yếu tố người nước ngoài (khi đó bà Lan đã ủy quyền cho ông Lê Đa-ni-ên làm đại diện tham gia tố tụng). Tiếp đó, ngày 20/8/2004, TAND TP HCM đã ra Quyết định đình chỉ vụ án vì lí do: triệu tập nhiều lần, nhưng đại diện ủy quyền của ông Lê Ân vắng mặt.
Đến năm 2005, ông Lê Ân được trả tự do (do trước đó bị kết án tù trong vụ án liên quan đến ngân hàng VCSB do ông làm Chủ tịch HĐQT) nên đã có đơn yêu cầu TAND TP HCM tiếp tục xét xử vụ kiện chia tài sản sau ly hôn với bà Lan.
Sau khi thụ lý lại vụ kiện, TAND TP HCM mới thấy ông Lê Đa-ni-ên không phải là Việt kiều định cư ở nước ngoài (tức là không có yếu tố nước ngoài) nên chuyển hồ sơ về TAND quận Tân Bình xét xử sơ thẩm theo thẩm quyền.
Lúc này, ông Lê Ân mới phát hiện bà Lan đã được UBND quận Tân Bình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với nhà đất đang tranh chấp từ năm 2005. Thửa đất rộng 140m2 nằm sau lưng ngôi nhà 408 Cách mạng Tháng Tám cũng đã được cơ quan này cấp vào GCNQSDĐ mang tên bà Lan.
Đến năm 2010, vụ kiện lại bị TAND quận Tân Bình “tạm đình chỉ giải quyết” để chờ kết quả giải quyết đối với GCNQSDĐ cấp sai cho bà Lan.
Ngày 5/02/2013, UBND quận Tân Bình có quyết định thu hồi, hủy bỏ GCNQSDĐ đã cấp cho bà Lan. Sau đó, bà Lan đã khởi kiện hành chính đối với UBND quận Tân Bình, đề nghị hủy quyết định thu hồi GCNQSDĐ. Trong các năm 2015 và 2016, TAND quận Tân Bình và TAND Tp Hồ Chí Minh đã lần lượt có bản án sơ thẩm và phúc thẩm hành chính, tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Lan.
“Ngâm án” đến bao giờ
Năm 2016, TAND quận Tân Bình đã tiếp tục giải quyết vụ kiện chia tài sản sau ly hôn và thẩm phán Huỳnh Thị Như Hà được phân công giải quyết. Như vâỵ, sau 28 năm kể từ án sơ thẩm (lần 1) bị tuyên hủy thì bà Hà đã là thẩm phán thứ 5 được phân công giải quyết vụ kiện.
Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Lê Ân thì thẩm phán này đã có biểu hiện “gây khó dễ” cho nguyên đơn, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án, vi phạm quy định của BLTTDS. Đơn cử, con gái của ông Ân và bà Lan đã có bản tường trình ngày 15/4/2009 gửi TAND quận Tân Bình nêu rõ“toàn bộ tài sản tranh chấp trong vụ án là thuộc quyền sở hữu của ông Lê Ân và bà Lê Ngọc Lan. Quyền và lợi ích hợp pháp của tôi hoàn toàn không liên quan gì đến vụ án nêu trên, không bị ảnh hưởng và không bị xâm phạm khi quý tòa giải quyết vụ án”. Tờ tường trình có xác nhận của chính quyền địa phương nơi chị Lê Thị Ru Tơ thường trú nhưng thẩm phán Hà vẫn yêu cầu chị này phải có mặt tại Tòa để làm việc hoặc ủy quyền cho ông Lê Ân.
Ngoài ra, thẩm phán còn yêu cầu ông Lê Ân cung cấp về các hợp đồng bà Lan cho thuê căn nhà 408 Cách mạng tháng Tám. Ông Lê Ân thì cho rằng yêu cầu này đã “đánh đố” nguyên đơn bởi bà Lan đã cho thuê căn nhà này khi mình đang ở trong trại giam thì lấy đâu hợp đồng để trình cho Tòa. Vả lại, trước đây, Thẩm phán đã chấp nhận nội dung khởi kiện bổ sung và đã thông báo cho ông Lê Ân nộp tạm ứng án phí bổ sung. Người thuê nhà đã được Thẩm phán này xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tòa cũng đã từng tống đạt và niêm yết các văn bản tố tụng đối với những người thuê nhà để tham gia tố tụng theo quy định. Không hiểu vì sao, Thẩm phán Hà còn đề nghị ông rút yêu cầu khởi kiện bổ sung?
Với mong muốn sớm đưa vụ án ra xét xử, ông Lê Ân đã “xuống nước”, chấp nhận rút yêu cầu bà Lan phân chia tiền cho thuê nhà. Và sau nhiều lần có đơn đề nghị sớm đưa vụ kiện ra xét xử, ngày 21/12/2016 thẩm phán Hà đã triệu tập ông Lê Ân đến TAND quận Tân Bình để làm việc.
Theo ông Lê Ân thì buổi làm việc này đã không được lập biên bản và ông Lê Đa Ni Ên (đại diện cho bị đơn) có đưa ra điều kiện rằng, nếu ông Lê Ân giao 30 tỷ đồng thì bị đơn sẽ trả nhà. Không chấp nhận và bức xúc trước việc làm này, ông Lê Ân cho rằng, Tòa đã nhiều lần tiến hành hòa giải nhưng không thành thì tại sao Thẩm phán Hà lại triệu tập ông đi từ Vũng Tàu lên TP HCM chỉ để làm một công việc thừa như vậy?
Từ đó đến nay, đã hơn 1 năm trôi qua, TAND quận Tân Bình vẫn chưa mở phiên tòa sơ thẩm. Cho rằng thẩm phán đã vi phạm nghiêm trojng về thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định của BLTTDS, gây ảnh hưởng quyền lợi cho mình và có biểu hiện thiên vị cho bị đơn, ông Lê Ân đã có đơn đề nghị thay đổi thẩm phán Huỳnh Thị Như Hà.