Quả nhiên, những việc mà cử tri đề xuất đều là những vấn đề bức xúc mà họ đã phải chịu đựng quá lâu, đặc biệt là chuyện ô nhiễm môi trường mà dân phải sống chung với nó, đến mức không thể chịu nổi nữa.
Đến việc nào, Bí thư chỉ ngay cho người phụ trách việc đó, vì sao để tình trạng như vậy, thẩm quyền cấp nào, vướng mắc ở đâu,.. và gỡ rối ngay, định thời hạn cụ thể, ai chịu trách nhiệm. Đáng chú ý nhất là ông không tin vào báo cáo của cấp dưới, ông không xuê xoa, “động viên” mà thẳng thắn chỉ ra, mọi thứ lý giải vòng vo trở nên vô nghĩa khi ông cho rằng những cơ sở gây ô nhiễm môi trường không có căn cứ gì để tồn tại thì mọi cái khác như kiểm tra, đánh giá chẳng có ý nghĩa gì!
Vì thế, bãi rác “thí điểm” phải dọn ngay, bệnh viện cần đảm bảo các điều kiện cần thiết trong một thời hạn cụ thể, nhà máy giữa khu dân cư phải di chuyển đi nơi khác,...
Tiếp xúc cử tri nhưng không phải như trong phòng họp như người ta thường thấy mà ông dẫn mọi người đến tận hiện trường vụ việc, đề nghị mọi người cùng hít thở không khí xú uế và hỏi xem có chịu được không. Phương châm chỉ đạo của ông với cách hành xử của cán bộ là “phải đặt mình vào vị trí người dân”. Vì thế, ông đề nghị phải cách chức một trưởng phòng môi trường vì để nhà máy ô nhiễm trong khu dân cư, ông “mắng” cán bộ quy hoạch trong phòng lạnh mà không xuống tận thực địa: “Quy hoạch cây xanh gì mà ở giữa những nhà dân thế này?!”.
Bí thư Đinh La Thăng đã nhiều lần nhắc nhở và yêu cầu các cán bộ, công chức “nếu không làm được việc thì nên xin nghỉ”, đó là yêu cầu về năng lực, giờ đây, ông đòi hỏi đạo dức “cán bộ nào mà vô cảm thì đừng làm việc nữa!”.
Tiếp xúc cử tri phải như thế, giải quyết vấn đề tại chỗ, thẳng thắn và minh bạch. Cách làm của Bí thư Đinh La Thăng như vậy hẳn là tránh được các buổi tiếp xúc cử tri hình thức, ra vẻ lắng nghe rồi hứa hẹn, cuối cùng chẳng giải quyết được việc gì cho dân, cho nước cả mà ta vẫn thấy tồn tại nhiều năm nay.