"Tôi vừa nhận được tin nhắn của một giảng viên gợi ý TP nên hỗ trợ người vô gia cư, nếu những người này không được chăm sóc sẽ dễ là nguồn lây nhiễm. Tôi vừa chuyển cho Chủ tịch TP tin nhắn này và chúng tôi sẽ bàn chuyện giúp người vô gia cư như thế nào. Đây là việc chưa từng có nhưng trong mùa dịch này cũng là chuyện nên bàn" - ông Nhân cho biết.
Tại buổi gặp mặt, nhiều PV các báo đã đặt câu hỏi cho Bí thư Nguyễn Thiện Nhân về tình hình phòng, chống dịch Covid-19.
* Bí thư nhận định như thế nào về tình hình dịch hiện nay?
- Không ai có thể hình dung tốc độ lây lan của dịch bệnh Covid-19 khủng khiếp như vậy. Trong tháng 1-2020, cả thế giới mới có 9.500 ca bị nhiễm, hầu hết ở Trung Quốc. Đến tháng 2 có 76.000 ca nhiễm, nhưng đến tháng 3 đã có khoảng 840.000 ca nhiễm.
Số người chết cũng tăng lên chóng mặt. Chúng tôi dự đoán, đến khoảng ngày 3/4 trên thế giới có 1 triệu người nhiễm.
UBND phường 6, quận 6, TP Hồ Chí Minh phát gạo và nước rửa tay, khẩu trang cho người lao động nghèo, thất nghiệp. Ảnh: HPT |
* TP có kế hoạch gì sau khi hết hai tuần "vàng" phòng, chống dịch. Nếu đạt mục tiêu 150 ca nhiễm thì TP sẽ làm gì tiếp theo. Còn nếu không đạt được mục tiêu khống chế 150 ca nhiễm thì TP sẽ ứng phó ra sao?
- Việc có khống chế được số lượng ca nhiễm tại TP Hồ Chí Minh dưới 150 ca trong hai tuần "vàng" hay không với tình hình dịch này khó có thể khẳng định.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay việc khống chế của TP hiện rất tốt. Đúng 10 ngày từ khi cả nước có ca nhiễm thứ 100 (ngày 23/3), đến nay TP vẫn giữ được con số dưới 50 người nhiễm.
Hiện nay, nếu đặt mục tiêu đến ngày 2/4, cả nước chỉ có dưới 500 người nhiễm thì trách nhiệm TP phải phấn đấu khống chế không quá 150 người nhiễm.
Tuy nhiên, với tình hình có ổ dịch mới xuất hiện như ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) với khoảng 30.000 người ra vào đang được truy tìm thì cần phải thận trọng. Trong số đó không biết có người nhiễm hay không nhưng chúng ta không được chủ quan.
* Bí thư đánh giá người dân đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của TP hay chưa?
- Hai, ba ngày nay đường phố vắng như tết, như thế là tốt. Với tình hình hiện nay, mỗi người dân phải chịu thiệt, ăn uống cũng hạn chế, đi lại hạn chế, thậm chí công việc phải nghỉ. Việc hạn chế sẽ gây thiệt hại cho người dân nhưng thiệt hại đó nhỏ hơn rất nhiều nếu chúng ta không khống chế nổi dịch.
Kinh nghiệm các nước cho thấy khi dịch bệnh đã bùng phát sẽ bị cấm đi lại luôn. Do vậy, mỗi người chịu thiệt một chút về kinh tế, thu nhập để đất nước bình yên sau đó chúng ta sẽ làm lại.
Chúng tôi hiểu doanh nghiệp là phải kiếm lời, kinh doanh. Nhưng trong điều kiện này không phải thời cơ kinh doanh. Nếu cố tình kinh doanh để dịch bệnh lây lan đó là tội đồ của đất nước.
* Đội ngũ y tế rất quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh. Vậy TP có kế hoạch gì để đảm bảo đội ngũ này luôn sẵn sàng trong phòng, chống dịch?
- Sau vụ việc tại Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã chỉ đạo các bệnh viện phải rà soát lại quy trình chăm sóc, không để người đi thoải mái từ khoa này qua khác để tránh phát sinh các ổ dịch khác.
Mặt khác, chúng tôi thống nhất và chỉ đạo Sở Y tế phải có kế hoạch đảm bảo thời gian nghỉ cho đội ngũ y tế theo quy định. Đồng thời, tập huấn cho các bác sĩ không thuộc khoa lây nhiễm để họ có thể làm việc tại các khoa lây khi cần, giúp các bác sĩ khoa lây có thể được nghỉ ngơi.