Bia đá cũng tàn

Trong thời gian vừa qua, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam có tổ chức đoàn sưu tầm, in rập văn bia và văn chuông tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Là người địa phương, đồng thời là chỗ bạn bè với cán bộ của Viện, tôi đã tham gia (dẫn đường) với một nhóm sưu tầm tại Đà Nẵng. Cả đoàn đều có chung một nỗi niềm ưu hoài với di sản dân tộc nơi đây.

Trong thời gian vừa qua, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam có tổ chức đoàn sưu tầm, in rập văn bia và văn chuông tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Là người địa phương, đồng thời là chỗ bạn bè với cán bộ của Viện, tôi đã tham gia (dẫn đường) với một nhóm sưu tầm tại Đà Nẵng. Cả đoàn đều có chung một nỗi niềm ưu hoài với di sản dân tộc nơi đây.

Tấm bia mộ của Hàn lâm viện Thị độc (Ảnh trái). Và Tấm bia bài vị cổng Tam quan Chùa Tam Thai bị gãy đôi.

Đà Nẵng hiện tại có rất nhiều di tích nhưng có rất ít bia. Ví dụ quận Sơn Trà, chùa An Hải có 4 bia, chùa Mân Quang có 2 bia, đình Mân Quang có 4 bia, đình Mỹ Khê có 3 bia, đình Nại Hiên Đông chỉ 1 bia (1957). Hay quận Liên Chiểu chỉ có một mình đình Xuân Thiều có 3 bia. Những văn bia ở đây hầu hết là bia công đức đóng góp xây dựng di tích. Số bia tại các di tích tín ngưỡng của 2 quận này gộp lại có thể không bằng số bia tại một di tích tín ngưỡng ở miền Bắc. Âu cũng vì cái sự ít văn bia này mà trong 2 đợt khảo sát vào cuối tháng 5 và đầu tháng 7-2010, nhóm nghiên cứu trẻ thuộc Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Thừa Thiên-Huế đã tìm ra 2 mộ cổ cùng nhiều văn bia rất độc đáo tại khu vực phường Nam Dương, quận Hải Châu, và phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê đã gây nhiều sự chú ý trên báo chí.

Những ngày đầu khi chưa đi sưu tầm ở quận Ngũ Hành Sơn, các anh chị đều than phiền rằng lặn lội suốt cả tuần mà chỉ được mấy tấm bia. Họ đùa rằng, Đà Nẵng chỉ có nhiều bia... Larue! Bia ở Đà Nẵng đã ít, lại không được bảo tồn tốt. Trước đây tôi từng trăn trở trên báo Lao động - Miền Trung và Tây Nguyên và Tạp chí Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng về tấm bia ca trù rất độc đáo và tấm bia Phổ Đà rất giá trị của Ngũ Hành Sơn. Qua thực tế, tôi thấy văn bia Đà Nẵng có những điều đáng bàn.

Thứ nhất, thực trạng bia đá bị gãy, vỡ. Một tấm bia làm bài vị đặt trên cổng tam quan của chùa Tam Thai - Non Nước bị gãy đôi, lắp ghép lại và đặt tựa vào lưng tường; đến khi in rập ra, trên thác bản có một đường cắt ngang trông đến tội nghiệp! Tấm bia ca trù của Án sát sứ Quảng Nam bị vỡ một góc, làm cho một bài ca trù hay lại không còn trọn vẹn. Mảnh vỡ này muộn nhất cũng từ năm 1990 (thác bản đợt sưu tầm lần đầu tiên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã cho thấy như vậy). Năm 2005, tôi đã dụng tâm tìm mảnh vỡ đó nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong đợt sưu tầm này, chúng tôi cố tìm cho bằng được mảnh vỡ đó để tiền nhân khỏi buồn tủi. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nó trong một hốc sâu dưới đất, phủ đầy bụi nhân gian.

Tấm bia ca trù của Huyền Không bị vỡ một góc.

Thứ hai, thực trạng bia bị mòn mờ rất nhiều. Qua các thác bản do Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp sưu tầm từ thập niên 40 của thế kỷ trước, tôi thấy văn bia ma nhai của Ngũ Hành Sơn ở thời điểm cách nay 70 năm đã bị mòn mờ. Đến nay, bia Non Nước càng bị mòn mờ nhiều hơn, không tài nào in chụp được. Đoàn chúng tôi sờ từng nét chữ theo cách của những người khiếm thị nhưng vẫn không nhận ra tự dạng. Tôi đùa lại với cán bộ sưu tầm rằng, nếu những thác bản này mà cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm đọc được sẽ phong luôn là viện sĩ. Điều đáng tiếc, phần lớn những văn bia ma nhai ở Ngũ Hành Sơn là tác phẩm thơ văn của các bậc danh sĩ, góp phần tạo nên nền văn học Đà Nẵng.

Thứ ba, thực trạng bia bị xâm hại nghiêm trọng. Văn bia Ngũ Hành Sơn bị khách vãng lai khắc đè lên trên nguy hại đến mức mà báo Dân trí đã phản ánh trong bài viết “Bôi bẩn chốn linh thiêng” của tác giả Khánh Hồng. Có lẽ sau bài báo này, Ban quản lý di tích và danh thắng Ngũ Hành Sơn đã dùng sơn nước quét che những dòng chữ, hình ảnh “bôi bẩn” đó. Song những con người này “vô tình” “bôi phủ” cả các tuyệt phẩm của người xưa. Điều này rất nguy hại, có lẽ sau này Đà Nẵng phải thuê chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản) xử lý hóa chất mới hòng phục hồi được nguyên dạng văn bia, như lời của một cán bộ sưu tầm tâm sự với tôi.

Thứ tư, văn bia Đà Nẵng có nguy cơ mất đi. Do nhiều nguyên nhân mà văn bia Đà Nẵng ngày càng mai một và biến mất. Theo lời các cụ cao niên ở địa phương, trước đây Pháp làm đường bộ để lên núi Bà Nà đã chôn vùi một tấm bia đình làng Đa Phước. Hay vì lý do tranh giành tổ tiền hiền giữa chư phái tộc, dẫn đến mọi người đập phá tấm bia mộ của vị tướng phò Trần Khắc Chung trong vụ cứu công chúa Huyền Trân đang táng tại Nam Ô. Hoặc với quá trình đô thị hóa và quy hoạch cơ sở hạ tầng như hiện nay, nhiều văn bia ở các di tích và bia mộ của các vị tiền hiền, danh tướng, danh sĩ sẽ bị biến mất. Như tấm bia của một vị Hàn lâm viện Thị độc ở nghĩa trang Xuân Thiều (sát QL 1A, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) liệu ngày mai có còn?

Văn bia Đại Việt một thời bị tàn phá, hủy hoại bởi chính sách văn hóa thâm độc của giặc Minh nhưng nhiều bia vẫn còn mãi đến tận ngày nay. Văn bia Đà Nẵng không những không bị phá hoại bởi người nước ngoài mà còn được người nước ngoài góp phần xây dựng, nhưng lại đang dần có nguy cơ tàn lụi. Chúng ta hãy giữ lấy những tấm bia đá quý báu cổ xưa để làm “đòn kê” cho văn hóa Đà Nẵng, để mai sau, không phải ngậm ngùi nuối tiếc.

Hoàng Thân

Đọc thêm