Biến động chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông: Nguyên nhân, bản chất sự việc ?

 (ĐCSVN) - Từ giữa tháng 12 - 2010 đến nay, nhiều nước vùng Bắc Phi và Trung Đông (MENA) xảy ra những biến động chính trị to lớn, sâu sắc.

 (ĐCSVN) - Từ giữa tháng 12 - 2010 đến nay, nhiều nước vùng Bắc Phi và Trung Đông (MENA) xảy ra những biến động chính trị to lớn, sâu sắc. Theo dõi tình hình khu vực này, có thể tìm ra những căn nguyên bề nổi, mang tính chủ quan, nhưng không dễ thấy được căn nguyên sâu xa, mang tính khách quan, rất có thể, là nguyên nhân quan trọng, chủ yếu.

Biến động chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông: Nguyên nhân, bản chất sự việc ? ảnh 1


Như chúng ta đều biết (và sự việc có vẻ giản đơn): Ngày 17-1- 2011, Mô-ha-mét Bu-a-zi, công dân Tuy-ni-di 26 tuổi, do bị cảnh sát tịch thu gánh hàng rong, vì quá phẫn uất, đã tự thiêu. Hình ảnh đó được ghi lại bằng máy quay phim, bằng điện thoại di động, được tung lên các trang mạng xã hội Facebook, Twitter, YouTube… Ngay sau đó, nhiều cuộc biểu tình, bạo loạn liên tiếp nổ ra ở Sidi Bouzid và các tỉnh, thành phố khác của Tuy-ni-di. Qua các cuộc xô xát, trấn áp, phản kháng, đã có hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương. Trước sức ép của phe đối lập và các lực lượng biểu tình, ngày 14-2, Tổng thống Ben Ali cùng gia đình trốn chạy khỏi Tuy-ni-di.
Biến động chính trị dữ dội ở Tuy-ni-dy, được thế giới khoác cho một cái tên mỹ miều - “cuộc cách mạng hoa nhài”, nhanh chóng tác động, lây lan, xô đẩy nhiều nước khác ở Bắc Phi, Trung Đông. Ở An-giê-ri, trong các ngày từ 6 đến 8-1, biểu tình, bạo loạn cũng bùng phát ở trên 20 tỉnh, thành phố, đến nay, tình hình tuy có dịu xuống, nhưng trên 80 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương. Ở nước có hơn 80 triệu dân Ai Cập, bằng khẩu hiệu “Một ngày nổi dậy” đòi Tổng thống Hu-xni Mu-ba-rắc từ chức truyền đi qua điện thoại di động, qua Facebook, qua báo chí và mạng internet, nhiều cuộc biểu tình, bạo động chính trị quy mô lớn, thu hút sự tham gia của hàng chục ngàn người nổ ra tại thủ đô Cai-rô, thành phố cảng Alechxandria, vùng kênh đào Xuy-ê… Không thể có con đường nào khác, 19h15 (GTM) ngày 11-2, Phó Tổng thống Ai Cập Ô-ma Su-lây-man phát biểu trên truyền hình tuyên bố Tổng thống Ai Cập Hu-xni Mu-ba-rắc “đã quyết định từ chức”, kết thúc 32 năm cầm quyền liên tục ở đất nước đông dân nhất thế giới Arập. Hội đồng tối cao của các lực lượng vũ trang Ai Cập (do Bộ trước Quốc phòng Mô-ha-met Hu-xây-in Tan-ta-uy đứng đầu) thay thế Tổng thống để điều hành đất nước.
Tình hình căng thẳng với nhiều cuộc biểu tình, bạo động chính trị cũng xẩy ra ở các nước lân cận như Li-bi, Y-ê-men, Ba-ren, Xu-đăng, I-ran, Cô-oét, Ô-man, Giooc-đa-ni, Gi-bu-ti…
Việc gì đang xẩy ra ở các nước MENA? những nguyên nhân nào đưa đến biểu tình, bạo loạn ? Câu trả lời đang dần hé lộ: Thứ nhất, đó là các nguyên nhân nội tại, bắt nguồn từ việc các nước này lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, cả về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, nhất là sự lệ thuộc về kinh tế. Khi kinh tế toàn cầu suy giảm, nền tài chính, tiền tệ thế giới rơi vào khủng hoảng, chính các nước này bị tác động sớm và mạnh mẽ nhất. Thứ hai, là đường lối chính trị, là cách thức lãnh đạo, điều hành đất nước của nhà cầm quyền, nhất là của những người đứng đầu, sai lầm. Tình trạng độc đoán, chuyên quyền, gia đình trị, tham nhũng kéo dài, tạo nên sự bất bình ngày càng gia tăng của các giai tầng trong xã hội. Khi các đảng phái đối lập, các nhóm Hồi giáo cực đoan trỗi dậy, nêu chiêu bài “dân chủ”, “chống tham nhũng”, “chống độc quyền, gia đình trị”…, rất dễ tranh thủ sự ủng hộ, đi theo của người dân. Thứ ba, là tình trạng đói nghèo, thất nghiệp, mù chữ, tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng bị khoét sâu, tạo nên mâu thuẫn xã hội sâu sắc. Từ ba nguyên nhân trên, dẫn đến nguyên nhân thứ tư là, nhà cầm quyền không nhận được sự trung thành, ủng hộ thật lòng của quân đội và lực lượng cảnh sát, khi xẩy ra nguy biến, rốt cuộc, các lực lượng này phản ứng yếu ớt, thậm chí buông xuôi. Có thể có thêm một vài nguyên nhân nội tại khác nữa. Tuy nhiên, có những nguyên nhân từ bên ngoài (mà không nên gọi là khách quan), về thực chất, đã nhúng tay, lúc thô bạo, lúc tinh vi, xảo quyệt.
Tháng 6-2004, chính quyền Bush vạch ra chiến lược Đại Trung Đông nhằm “thúc đẩy dân chủ” ở các nước A-rập, được Quốc hội Mỹ thông qua, trong đó có điều khoản yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này thành lập các trang website, mạng xã hội để liên kết, hỗ trợ “các phong trào dân chủ”; tài trợ tiền bạc cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) thuộc khối A-rập… Mạng xã hội Twitter ra đời từ chính sách đó, và đã thể hiện rất rõ sự lợi hại trong thời gian vừa qua. Mỹ cũng cho lập Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED), Ngôi nhà tự do (FH), tài trợ cho hơn 1000 NGO ở hơn 90 quốc gia trên thế giới, trong đó có 33 NGO ở Ai Cập. Tổ chức USAID của Mỹ hàng năm tài trợ trên 70 triệu USD cho các “hoạt động xã hội dân sự” tại Ai Cập… Tháng 8 năm 2010, Tổng thống Mỹ O. Ô-ba-ma lệnh cho các cố vấn an ninh soạn thảo một báo cáo mật, trong đó chỉ rõ những nơi nào trong thế giới A-rập có khả năng xẩy ra biến động, bạo động chính trị.
Ở Ai Cập và cả khối MENA, người ta đang rất quan tâm tới một nhân vật mang mật danh ElShaheed, tiếng A-rập có nghĩa là “tử vì đạo”, người đóng vai trò chính trong việc kích động giới trẻ Ai Cập thông qua mạng Facebook. Đài BBC, trong bài viết gần đây tựa đề “Cách mạng: I-ran - Thiên An Môn - Ai Cập”, nêu ra những “kinh nghiệm” để làm “cách mạng”: kích động quần chúng gây rối, bạo loạn; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ; sử dụng mạng xã hội, báo chí, truyền thông để kích động, liên kết trong ngoài… Ngày 15-2- 2011, phát biểu tại trường đại học G. Oa-sinh-ton, Ngoại trưởng Mỹ, bà H. Clinton lại lên tiếng chỉ trích, xuyên tạc Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, I-ran, My-an-ma, Sy-ri… “vi phạm tự do Internet”; thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục tung ra các trang mạng xã hội Twitter bằng các thứ tiếng Trung Quốc, Nga, Ấn Độ (sau khi đã thực hiện rất hiệu quả các trang mạng xã hội này bằng tiếng A-rập, Farsi). Năm 2011, Mỹ sẽ chi ít nhất 25 triệu USD để “bảo vệ” các bloger đang bị ngăn cản, “cải thiện môi trường pháp lý” cho hoạt động truyền thông.
Biến động chính trị tại Bắc Phi, Trung Đông, đặc biệt là ở Ai Cập, Tuy-ni-di, đã và đang được nhìn nhận, đánh giá một cách bình tĩnh, đầy đủ, công bằng và khách quan hơn. Khi đi vào vấn đề này, rất cần có cái nhìn toàn diện, đi vào chiều sâu, vào bản chất sự việc, vừa không xem nhẹ nguyên nhân bên trong, càng không được xem nhẹ các nhân tố bên ngoài. Đó là bài học cảnh tỉnh, cảnh giác cho nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đó cũng là cách tiếp cận cần thiết để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch; thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

TS. Nguyễn Thế Kỷ
(Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương)

Đọc thêm