Biển hát

Truyện ngắn của Nhật Chiêu

Cuối cùng, chúng tôi quyết định đi thăm Hòn Nhạn. Từ bờ ra đến đấy chỉ mất 45 phút đi canô. Cái tên Hòn Nhạn đã ám ảnh chúng tôi cả tuần nay. Khi tôi đồng ý, người bạn già của tôi là lão B. hết sức vui mừng, reo lên như trẻ con, “Hoan hô! Hòn Nhạn! Đi thôi!”

Chỉ là một chuyến đi đơn giản, thuê canô ra Hòn chơi. Thế thôi! Nhưng cái náo nức đầy thơ dại của lão B. dường như cũng lây sang tôi. Người lái canô, lớn tuổi và ít nói, đón chúng tôi từ sáng sớm. Ông vắn tắt cho biết: dân cư của Hòn Nhạn, như tên gọi của nó, chỉ có loài nhạn biển sinh sống, không người, ngoài những khi có khách như chúng tôi hoặc có vài dân chài ra Hòn thu nhặt trứng nhạn, đặc sản duy nhất của Hòn, không còn gì khác.

“Không người”, lão B. nói, “thì có thể. Nhưng không có gì khác thì chưa chắc đâu”.

Người lái canô im lặng.

Không người và không còn gì khác, tôi nghĩ, vậy Hòn Nhạn là một nơi im lặng, nó có cô đơn không?

Tôi thích cái cô đơn đó khi chưa nhìn thấy nó. Một cái cô đơn mà ta sắp được gặp.

Bây giờ thì Hòn Nhạn đã hiện ra trong nắng mai.

Đến gần. Lồ lộ hình hài.

Ồn ào khủng khiếp.

Không hề im lặng. Tôi nghĩ không có góc nào của Hòn Nhạn, dẫu là góc khuất, có thể im lặng.

Đó là một ngọn đồi đầy tiếng chim. Hàng ngàn con chim nhạn đua nhau kêu réo.

Hỗn loạn đập cánh. Trên hòn, chúng cứ bay vào nhau, bay tứ tung, bay một cách hoài phí, bay như phát rồ.

Hỗn loạn tiếng kêu. Không hót, không gọi, chỉ kêu. Như thể là chúng đang cố ý tạo nên những nghịch âm.

Đó là một trang viên bằng đá tảng với đủ loại hình thù. Có vô số đá cuội nhỏ trải khắp nơi trên đá trên cát, cả nơi cao lẫn nơi thấp. Đá cuội, mới nhìn thì tưởng thế. Thật ra, đó chỉ là trứng nhạn, vô số trứng nhạn lốm đốm trắng đen. Mỗi bước đi đều có thể đạp phải trứng.

Chim nhạn bay rợp trên đầu. Ta đi dưới bóng rợp của ngàn cánh nhạn. Những tia nắng lấp lánh vội vàng lướt qua các kẽ hở giữa những đôi cánh xám vẫy gió.

Chỉ cần nhảy bật lên đủ nhanh là tóm được một con chim đang bay. Nhạn ở đây có mỏ vàng, cánh xám và bụng trắng.

Dường như chúng chẳng biết sợ người là gì, thản nhiên bay là là trên đầu hai khách lạ, kêu réo liên hồi những chuỗi âm thanh rền rĩ, liến láu không thể nào hiểu nổi.

Người lái canô ngồi yên gần bờ, mặc chúng tôi loanh quanh tìm chỗ dạo chơi.

Đứng trên một tảng đá cao, lão B. tìm cách trò chuyện với bầy nhạn, thậm chí còn đọc thơ cho chúng nghe.

Thơ lão B. rất khó hiểu đối với người đọc như tôi, nhưng biết đâu lại thích hợp với loài chim hoang dã như nhạn?

Nhiều cánh nhạn bay quanh lão B. Có vẻ như chúng tò mò muốn tìm hiểu xem lão đang làm gì trong vương quốc của chúng.

Biết đâu lão B. có khả năng học nhanh ngôn từ của loài nhạn. Những tiếng kêu ríu rít gắt gỏng của đám nhạn đó có nghĩa gì vậy? Tôi cố học, cố đoán, cố điền vào hư không cách diễn dịch của mình.

Và tôi nghe tiếng lão B. liền lúc đó: “Đúng! Bọn mi đã hiểu thơ. Phải, nó kết bằng những thứ tan nát, vỡ vụn, những thứ giống như ký ức, như giấc mơ…”

Vậy là giữa tôi và lão B. ai đang tưởng tượng đây? Hay một chút rồ nơi lão và một chút ngốc nơi tôi đã gặp nhau trong cuộc trò chuyện giữa chim và người?

Mà nếu không đôi khi gặp nhau như thế, làm sao chúng tôi lại có thể làm bạn với nhau lâu năm đến thế?

Dẫu sao đi nữa, chúng tôi vẫn khác nhau.

Nên tôi muốn leo qua phía khác của Hòn, để mặc lão B. ở lại với bầy nhạn lắm chuyện.

Vừa bám vào đá, vừa vin vào những cành cây mạnh chắc, tôi thử đưa mình vào một cuộc phiêu lưu vặt.

Mi thường tưởng tượng ra nhiều cuộc phiêu lưu. Cho nhân vật của mi. Bây giờ mi tự phiêu lưu đi!

Nhưng đây đâu phải là đảo hoang?

Hẳn rồi! Đâu phải đảo hoang nữa.

Chẳng còn gì hoang nữa! Chẳng còn gì lạ nữa! Chẳng còn gì mới nữa! Chẳng còn gì trinh nguyên!

Khi ta mở mắt chào đời, thời gian đã quá già cỗi, nhăn mặt nhìn ta nhạo báng:

Thế gian già rồi

Còn gì mà chơi?

Nhưng thời gian cũng phải luân hồi chứ? Nếu không có gì mới thì phải làm mới lại thời gian. Làm ơn đi!

Khi nhìn thấy bên dưới một bãi cát có vẻ tắm được, tôi leo xuống.

Bất ngờ, dưới một hòn đá chặn tôi thấy dường như có hoa, một thứ hoa bìm tím biếc tuyệt đẹp. Nhìn kỹ, thì ra là một bộ bikini bằng lụa xanh in hình những cánh hoa bìm duyên dáng.

Lấy bộ bikini lụa ra khỏi hòn đá chặn, tôi ngồi lên đá mà nhìn ngắm nó.

Qua kích cỡ của bộ áo tắm gợi cảm này, tôi đoán người mặc nó là một cô gái có tầm vóc trung bình. Bộ áo tắm trông thật thanh tú, hẳn cô gái ấy rất chăm sóc cách ăn mặc và có khiếu thẩm mỹ tinh tế.

Nhưng trên bàn tay tôi, bộ bikini trông mới vô hồn làm sao.

Sau khi tắm biển và tắm nắng, cô gái đã phơi bộ bikini lụa dưới một hòn đá chặn và rồi quên nó?

Hay điều gì đã xảy ra với cô gái? Có thể hỏi người lái canô về chuyện này không? Cái thói im lặng của ông ta bắt đầu làm tôi khó chịu.

Nhìn độ khô nhưng màu sắc tươi thắm của bộ bikini, tôi đoán nó nằm đây mới vài hôm thôi. Tất nhiên, không ai cất công trở lại đây vì một vật bỏ quên bình thường dù nó đẹp đến đâu.

Buồn cười cho cuộc phiêu lưu của tôi. Không có báu vật nào ngoài một bộ bikini bằng lụa.

Đặt bộ áo tắm của cô gái xa lạ nào đó trở về dưới hòn đá chặn, tôi quay đi. Sẽ không kể lại với lão B. đâu, tôi tự nhủ.

Lão luôn luôn bắt được những điều kỳ diệu. Còn tôi?

Khoan đã! Với mi, một bộ bikini là tầm thường, là không kỳ diệu, phải không? Chưa hẳn thế đâu. Dưới cái nhìn của một nhà thơ “rồ” như lão B. có khi lại khác đấy.

Nói theo Barthes, ta đang đứng đây, trước biển khơi, hiển nhiên chẳng có thông điệp nào ở đây. Nhưng bộ áo tắm ấy có thể là thông điệp, là huyền thoại đấy! Ngay cả ở đây, Hòn Nhạn xa xôi này, BIKINI cũng đã đến!

Về lại chỗ cũ, tôi không thấy lão B. đâu.

“Lão B. ơi!”, tôi gọi lớn.

Hồi lâu, không nghe hồi đáp, tôi càng lo ngại, đi quanh tìm kiếm. Vừa đi, vừa gọi lớn. Tiếng gọi vang vọng, hầu như thất thanh.

Cuối cùng!

Lão đứng đó, xa bờ, nước ngập đến ngực, tóc bay loạn tơi bời trong gió biển, ánh mắt dõi trùng khơi.

Như tượng đá.

Như mất hồn. Hoặc là hồn đang kết nối với một bí ẩn xa xôi.

Không biết bơi, lại đứng sâu trong nước như vậy, chỉ cần một con sóng lớn là chết!

Vội vã chạy ra biển, tôi ôm lấy vai lão. Càng có cảm giác mình đang ôm vai một tượng đá.

“Sao thế?” tôi nói “Vào thôi!”

Gần như dùng hết sức mình, tôi mới đưa được lão B. vào bờ. Không chỉ chôn chân, lão chôn cả linh hồn vào một làn nước xanh huyền hoặc.

Trong hai cánh tay tôi, lão B. dường như là một con cá lớn. Lão không vùng vằng gì nhưng cũng không nương theo đà tôi kéo. Dường như lão không còn ý thức.

Đặt lão ngồi dựa một tảng đá lớn, tôi bắt đầu xem xét người lão.

Không có thương tích.

Hơi thở vẫn đều.

Lão cựa quậy một chút, mắt nhắm lại và… đi vào giấc ngủ!

Tôi ngồi canh. Và kiên nhẫn chờ.

Không thấy người lái canô đâu. Có khi nào chúng tôi bị bỏ rơi trên hòn đảo không người này?

Tôi nhớ đến bộ bikini bằng lụa xanh. Hay là cô gái đã chết? Cô bị tế sống? Bây giờ đến lượt chúng tôi?

Buồn cười! Tôi nghĩ vậy.

Khoảng hai mươi phút sau, lão B. thức giấc.

Tôi chưa kịp hỏi gì thì đã nghe lão B. cất tiếng hát:

Bụi hồng một cõi

Trăm năm bụi hồng

Hai chân người bước

Có gì vui không?

    Hai chân người bước

    Đất xa xôi trời

    Ta chơi với sóng

    Trùng trùng khôn vơi!

Người đem người tới

Vào lòng ta đi!

Biển đang đón đợi

Người về vô vi.

Chưa bao giờ tôi nghe lão B. “hát” thơ hay đến thế.

Mừng lão vô sự, tôi hỏi, “Bài ca lão mới làm đó à?”

“Không”, lão đáp dứt khoát, “bài ca ta mới nghe được!”

“Mới nghe được từ đâu?”

“Từ biển”

“Biển? Và có ai đó ở ngoài biển à?”

“Ngồi trên ghềnh đá kia”, lão giơ tay chỉ ra xa bờ, và tôi có thấy một hình thù đá ghềnh xa xa, “và hát! Giọng hát mê ly!”

“Ai ngồi trên ghềnh đá? Ai hát?”

“Cô gái biển”

Đã quen với thế giới tinh thần của lão B., tôi gật gù, “À, phải rồi, cô gái biển! Cô ấy hát quá tuyệt phải không? Và cái đuôi cá có vảy óng ánh nữa.”

“Đúng thế”, lão B. từ tốn nói, “mi không đến nỗi ngốc đâu!”

Và lão bắt đầu câu chuyện truyền kỳ của mình.

Chim nhạn, một bầy lũ hung hăng, đang tấn công người con gái của biển.

Vừa từ dưới nước ngoi lên, nàng ngồi nghỉ trên ghềnh đá. Tóc nàng dài mượt và rất mềm, lượn quanh mình trần của nàng như một thứ rong đen huyền, cài nhiều hạt trân châu lấp lánh trông như những giọt lệ đóng băng.

Làn da nàng óng mịn như dát nắng. Tựa ngà voi mới nhú, ngực nàng vươn ra trắng ngần giữa mấy dòng tóc trôi đen nhánh.

Kỳ tuyệt là cái đuôi cá rất dài của người con gái biển. Từng vảy lấp lánh màu hổ phách, đậm nhạt theo một sắp xếp bí ẩn nhưng hài hòa.

Thấy nàng duỗi mình tắm nắng, bầy nhạn bay sà xuống, kêu rít lên những âm thanh đe dọa, nghe như tiếng cối đá đang nghiền không khí và bản thân nó. Đuôi xẻ sâu và mỏ dài nhọn, bầy nhạn xiết chặt vòng vây quanh nàng.

Cầm một hòn ngọc trai lớn, cô gái biển vẽ một đường cầu vồng trên đầu mình. Ánh sáng đa sắc chói ngời của nó lập tức làm lũ chim lóa mắt, phải dạt ra xa từng hồi.

Cất lên một tiếng cười ngân vang réo rắt, cô gái biển hát:

Bay ngông bay ngông

Nhạn ơi nhạn ơi

Bay qua bay lại

Lòng vòng hư không

Nhạn ơi nhạn hỡi

Coi chừng bão giông!

Rõ ràng nàng đang chơi đùa! Với những sinh linh thù nghịch ấy.

Dường như nàng chơi đùa với mọi thứ: sóng, nắng, gió, hải âu và cả hư không và cả thời gian.

Mỏ dài nhọn và tối sẫm, bọn nhạn rất muốn rỉa rói nàng. Nhưng chúng lại sợ hòn ngọc trai trên tay nàng đang vẽ những vệt sáng huyền ảo ma quái.

Có lúc trông nàng như một gái thơ hồn nhiên tinh nghịch. Nhưng cũng có lúc khác hẳn. Gương mặt diễm lệ đang hồng bỗng dưng chuyển sang xanh rờn, trông ghê rợn như một bà phù thủy hàng trăm năm tuổi.

Tuy nhiên, nhan sắc của cô gái biển luôn biết tự điều chỉnh. Màu sắc ác ma tan biến rất nhanh và gương mặt ấy lại trở về với một vẻ đẹp thần tiên với đôi mắt màu biển và đôi môi màu hồng san hô.

Lúc ấy ta đang đứng trên một tảng đá to bên bờ mà ngây người nhìn nàng.

Cuối cùng, nàng cũng nhìn thấy ta. Mỉm cười, nàng cất tiếng hát. Bài hát rất dài và biến hóa không ngừng. Ta không nhớ hết. Đây là những gì còn vang ngân trong ta, e là không sai lạc ca từ của nàng:

Hai chân người bước

Mảy may mấy mùa

Ta vô tận biếc

Xanh từ xa xưa

   Lẫy lừng ta hát

   Lắt lay người cười

   Hai chân người bước

   Lượn mình ta bơi

Người đem người tới

Vào lòng ta đi

Biển đang đón đợi

Người về vô vi!

Đó là lời mời gọi nồng nàn tha thiết. Tiếng gọi của Vô Biên. Tiếng gọi của Bồng Lai.

Nàng nâng hòn ngọc trai lớn lên trên đầu mình để ánh sáng đa sắc của nó chiếu rọi lên ta.

Và giọng nàng, giọng nàng!

Có gì du dương hơn? Thánh thót hơn? Ám ảnh hơn? Ma mị hơn? Huyền bí hơn?

Đó là toàn bộ trùng dương thu vào trong tiếng hát.

Đó là toàn bộ cực lạc và sự chết thu vào trong tiếng hát.

Không gì có thể cưỡng nổi lực hút của tiếng hát ấy.

Thế là ta bắt đầu xuống nước, đi về phía người con gái của biển.

“Và lão đã gặp nàng chứ”, tôi hỏi, “phải không?”

“Không”, lão B. đáp một cách bình thản, “Sóng nhấp nhô hắt nắng vào mặt ta, như hàng nghìn ngọc mani đang chiếu. Và ta không thấy gì hết, không còn có thể nhìn thấy người con gái của biển nữa. Phải chi mi khoan kéo ta về! Thì có lẽ…

Có lẽ gì?

Cái thế giới bên trong của lão, tôi biết, tràn ngập những điều kỳ thú. Nhưng rồi đất trời và biển cả mà tôi đang nhìn thấy đây cũng nằm trong cái thế giới bên trong ấy. Đó là mới là điều đáng nói.

Có lẽ gì?

Có lẽ lão không muốn kể cho tôi nghe hết. Rằng lão đã ôm vào lòng người con gái của biển. Sá gì khoảng cách! Sá gì không biết bơi!

Những bức tranh tuyệt diệu về các nàng siren, thủy thần, ngư nữ… của các danh họa Rubens, Magritte, Segantini, Munch, Klimt, Moreau… qua các phiên bản mà lão thường cho tôi xem, tôi hãy còn nhớ ánh mắt lão ánh lên lúc ấy.

Giờ đây, trong câu chuyện lão vừa kể, nếu vẽ ra tranh thì có lẽ tôi sẽ để cho lão đi gặp người con gái của biển. Thì có lẽ…

Lão đang chơi. Với biển, với nắng, với gió, với thời gian, với ngôn từ… như một đứa trẻ.

Đầu tựa vào đá, lão lại nhắm mắt. Dường như đang ngủ.

Tôi ngắm nhìn lão B. Có một chút ganh tỵ trong tôi.

Đọc thêm