Hòa nhã, ân cần, thân thiết với bệnh nhân, ấy là những điều chúng tôi cảm nhận được khi lần đầu tiên tiếp xúc với bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Tốt nghiệp Đại học Y khoa loại giỏi, tốt nghiệp Chuyên khoa 1 Tâm thần cũng đạt loại giỏi, có nhiều sáng kiến, nhiều đề tài khoa học mang lại lợi ích cho hàng trăm trẻ em, đó là những gì mà bạn đồng nghiệp thường nhắc tới người phụ nữ này.
Như là một ân nhân
|
Bác sĩ Hải Vân đang thăm khám một bệnh nhân trong khoa. |
Những người thân của bệnh nhân, có người bực bội, khó chịu khi nghe bảo con mình bị bệnh tâm thần, có người nôn nóng muốn bệnh của con thật mau khỏi, nhiều người bi quan, chán nản trước bệnh tình của con và cũng không ít người lại có phản ứng, cho rằng “bác sĩ nói không đúng”... Trong mọi trường hợp, chị luôn cố gắng giúp cho gia đình bệnh nhân hiểu rằng: Điều trị trẻ bị bệnh tâm thần là cả một quá trình kiên trì, nhẫn nại, khéo léo, phải có sự phối hợp giữa gia đình với bệnh viện.
Bà H.K khi cầm tờ giấy chuyển viện cho con đến đây, đầy vẻ bi quan, tuyệt vọng. Chị Vân nhẹ nhàng khuyên giải, bà K. mới trấn tĩnh lại và người mẹ này hoàn toàn không ngờ chỉ hơn một tháng sau, con của mình đã bình phục. Bây giờ, thỉnh thoảng bà vẫn đưa con đến đây chơi và coi chị Vân như là một ân nhân.
Lời nhắn nhủ cho các bà mẹ...
Bác sĩ Trần Thị Hải Vân có nhiều đề tài khoa học được ngành y tế đánh giá cao, trong đó đề tài “Sử dụng trắc nghiệm trí nhớ đánh giá trí nhớ học sinh không thành đạt bậc tiểu học” đã áp dụng ở Đà Nẵng và đã thống kê được toàn thành phố có 352 học sinh tiểu học không thành đạt. |
Chị T, mẹ của bé N.D nói rằng, đến 3 tuổi, cháu D vẫn lầm lì, ánh mắt khác thường, cả ngày không nói năng gì cả, hễ thấy ai vào nhà là la hét ầm ĩ. Chị đã đưa con đến đây luyện tập hơn một năm, bây giờ cháu đã nhận biết được người thân và biết chơi đùa, ăn uống như những đứa trẻ khác. Còn anh H, bố cháu K.B thì bộc bạch: Con tôi đã nhiều lần được bác sĩ Vân luyện tập và từ chỗ một đứa trẻ không bình thường, không nói được, nay cháu đã biết nói, biết cười, biết ôm hôn, đùa giỡn với bố mẹ... Những bà mẹ, ông bố như chị X, chị T, anh K... dù con đã ra viện, vẫn thường xuyên đưa con đến thăm bác sĩ Vân. Đứa trẻ nào thấy chị cũng reo lên: “Mẹ Vân! Mẹ Vân!” và hớn hở sà vào lòng chị. Đó là danh hiệu tuyệt đẹp nhất mà những đứa trẻ dành tặng cho chị. Với đồng nghiệp, chị Vân lại được yêu mến gọi là “Biển mây tỏa sáng”.
Điều trăn trở của chị là tâm lý xã hội chưa có sự trân trọng đúng mức đối với những y, bác sĩ làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người tâm thần. Có lẽ vậy, mà nhiều năm qua hầu như không có bác sĩ tình nguyện xin về công tác tại Bệnh viện Tâm thần. Chị gửi gắm qua bài viết của chúng tôi lời nhắn nhủ đối với các bà mẹ đang nuôi con nhỏ: Hễ thấy con mình có dấu hiệu khác thường như trầm cảm, không muốn tiếp xúc, hành vi không ổn định là hãy sớm đưa đi khám bệnh, không được chậm trễ, vì để muộn là sẽ khó chữa hơn nhiều!
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM