Biên phòng Kiên Giang tăng cường công tác bảo vệ an ninh, an toàn công trình khí dưới biển

(PLVN) - Công tác bảo vệ an ninh, an toàn công trình khí và bảo vệ chủ quyền an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Ngày 22/08, Đại tá Hoàng Minh Dẫn - Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang báo cáo kết quả thực hiện phối hợp bảo vệ an ninh, an toàn hoạt động dầu khí và bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển (gọi tắt là Quy chế phối hợp 3053)

Tại buổi làm việc, Đại tá Hoàng Minh Dẫn cho biết: Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Công ty Khí Cà Mau đã chỉ đạo, quán triệt cụ thể đến các đơn vị và bộ phận chuyên môn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành của chủ tàu và thuyền trưởng trong đảm bảo an ninh, an toàn công trình khí dưới biển và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn dầu khí.

Xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện tổ chức triển khai đến các đồn, trạm Biên phòng tuyến biển, đảo; thường xuyên phổ biến, tuyên truyền các nội dung pháp luật về biên giới, chủ quyền vùng biển, đảo đến cán bộ, chiến sĩ gắn với bảo vệ an toàn công trình đường ống dẫn khí MP3 – Cà Mau trong tình hình mới.

Quang cảnh buổi làm việc

Năm 2022 đến nay, Công ty khí Cà Mau đã thông tin cho BĐBP Kiên Giang 7 trường hợp tàu cá vi phạm an toàn đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau; 14 trường hợp tàu cá hoạt động gần đường ống dẫn khí PM3-CM; BĐBP Kiên Giang đã thông tin 12 lượt về tình hình tàu thuyền hoạt động, an ninh trật tự trên biển cho Công ty khí Cà Mau.

Công tác thông báo, trao đổi thông tin, tình hình đã đi vào nền nếp, kịp thời; công tác phổ biến, tuyên truyền cho Nhân dân được duy trì thường xuyên. Trong quá trình thực hiện, hai bên luôn tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ lẫn nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh những thành tích đã làm được, công tác cũng còn tồn tại hạn chế, vướng mắc như: Một số thuyền trưởng các tàu cá còn chủ quan, chưa chấp hành tốt việc dán tờ rơi, lưu giữ tọa độ trên máy định vị trên tàu, việc neo đậu tàu trong hành lang đường ống dẫn khí còn xảy ra.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 có thời điểm bùng phát và diễn biến phức tạp nên công tác phối hợp tuyên truyền bảo vệ an ninh, an toàn công trình khí biển dưới biển cũng gặp nhiều khó khăn; tuy nhiên, hai bên đã linh hoạt chuyển từ hình thức tuyên truyền tập trung sang hình thức trực tiếp cho từng tàu; cán bộ Biên phòng sẽ tuyên truyền cho thuyền trưởng khi làm thủ tục ra vào, cấp phát sổ tay an ninh, an toàn cho bà con ngư dân.

Đại tá Hoàng Minh Dẫn cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ phối hợp thời gian tới, cụ thể như sau: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 3053 và Quy chế phối hợp số 02 giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam, công ty khí Cà Mau với Bộ Tư lệnh BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn hoạt động dầu khí và bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển.

Phối hợp chặt chẽ với Công ty Khí Cà Mau và các lực lượng có liên quan, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân tầm quan trọng của đường ống dẫn khí từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho bà con nhân dân. Thường xuyên phổ biến các quy định của pháp luật về biên giới, hải đảo, dầu khí.

Đại tá Hoàng Minh Dẫn - Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang đại diện nhận quà từ Công ty Khí Cà Mau

Duy trì thường xuyên cấp phát tờ rơi, sổ tay tuyên truyền bằng những hình ảnh trực quan sinh động giúp bà con ngư dân được tiếp xúc thường xuyên các tọa độ công trình khí, quy định pháp luật liên quan, từ đó biết được vị trí các hệ thống đường ống dẫn khí cũng như mức độ rủi ro của việc vi phạm hành lang an toàn tuyến ống.

Hệ thống đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau với tổng chiều dài 325 km, đường kính 457 mm, vận chuyển khí tự nhiên trong điều kiện áp suất cao, rải dưới đáy biển dài 298 km, qua nhiều khu vực có mật độ phương tiện đánh bắt thủy sản cao, nguy cơ cháy nổ rất lớn có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với con người, môi trường và tài sản. Đây còn là công trình quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho quốc gia nói chung và phát triển kinh tế tại địa phương nói riêng.

Đọc thêm