"Biển"

Sung rủ vợ chồng tôi đi Mũi Kê Gà nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày cưới của vợ chồng nó. Sung nói không phải lo chỗ ở, một người dì vợ của Sung nhà ở sát ngay biển.

Sung rủ vợ chồng tôi đi Mũi Kê Gà nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày cưới của vợ chồng nó. Sung nói không phải lo chỗ ở, một người dì vợ của Sung nhà ở sát ngay biển. Nhà rộng, có vườn, tôm cá tươi thì gần đó đã có vựa bán sẵn tha hồ nhậu. “Mày có nghe nói đến hải đăng và ngắm cảnh mặt trời mọc ở đó chưa? Chưa? Vậy thì băn khoăn gì nữa”.

Mô tả ảnh.

Kế hoạch được Sung phác họa thế này: Hai đứa chúng tôi, mỗi đứa một chiếc Honda, khởi hành từ năm giờ sáng, đi thong thả, mệt đâu nghỉ đó. Khoảng trưa thì đến nơi.

Khi Sung đi khỏi, tôi ngồi bần thần. Thế mà đã 5 năm trôi qua! Ngày nó lấy vợ, nó nhờ hai đứa tôi làm phù dâu, phù rể. Lúc đó nó cân nặng chưa đến năm mươi ký, mặc một bộ vest màu kem mượn của thằng bạn học, tay áo dài trùm cả cổ tay. Tôi còn giữ mấy tấm hình chụp tôi với Ly ôm mâm quả và cả mấy tấm đứng bên cạnh bàn thờ gia tiên. Ngày ấy Ly tròn trịa và trắng hơn bây giờ rất nhiều.

Lời mời mọc của Sung thật sự làm tôi xao xuyến. Lần cuối cùng vợ chồng tôi đi biển nhân dịp cơ quan tôi tổ chức một chuyến nghỉ mát ở Vũng Tàu cho tất cả nhân viên. Khi ấy, còn khoảng hai tháng là chúng tôi làm đám cưới. Không hiểu sao tôi lại chẳng giữ tấm hình nào về chuyến đi ngày đó hết. Bây giờ con bé Hồng đã tròn bốn tuổi, và chưa một lần biết đến biển.

Tôi nói chuyện này với Ly sau bữa cơm tối, lúc Ly đang rửa chén trong bếp. Nàng liền dừng tay nhìn tôi, với một vẻ bán tín bán nghi. “Thật hả?”. Nước đã ở mấp mé miệng chậu trong khi cái vòi rô-bi-nê vẫn tiếp tục chảy. Nàng xoay người lại để khóa nước. Cái rô-bi-nê bị lờn gioăng, chưa sửa cho nên dù đã khóa mà nước vẫn cứ nhỏ giọt tí tách.

“Nhưng mà…”. Ly ngập ngừng, bỏ dở câu nói.

“Bộ có vấn đề gì sao, em?”.

“Tối thứ sáu này có một tiệc sinh nhật. Cả thảy năm bàn ăn, gần năm mươi người”.

Hơn một năm nay Ly bỏ nghề dạy học để cùng mấy người bạn đứng ra nhận nấu ăn thuê cho các đám tiệc. Công việc chẳng có giờ giấc và rất ít khi có ngày nghỉ lễ; trái lại, càng vào những ngày lễ, tết, khách hàng đặt tiệc càng nhiều. Có những hôm Ly về đến nhà thật muộn, mang theo những bọc thức ăn trên tay và đủ thứ mùi xào nấu trên người.

“Để em nói với con Tư xem nó bữa đó có làm giúp được không”. Ly nói.

Có lẽ cũng như tôi, nàng đang chịu đựng sự cám dỗ của chuyến đi. Tôi có thể đọc thấy điều ấy qua ánh mắt Ly.

Đêm ấy chúng tôi thức nói chuyện khá khuya. Giường bên cạnh, con bé đã ngủ say từ sớm. Ban đầu, chúng tôi bàn chuyện sẽ mua cho con một chiếc xe đạp để cho nó tập đi, loại xe có hai bánh sau mà tôi vẫn thuê cho nó cưỡi ở công viên. Ly khoe, sắp tới sẽ có một con chó. Nàng kể, con chó Phú Quốc nhà ông tổ phó vừa mới đẻ một lứa bốn con, ông ta hứa sẽ cho Ly một con. Nhưng phải chờ cho nó mở mắt và uống được sữa thì mới bắt về. Có con chó con trong nhà cũng vui chứ, phải không anh? Rồi chúng tôi, như không thể cưỡng lại được, lại quay trở về với chuyện đi Mũi Kê Gà. Nàng nói: “Em sẽ làm mấy món đem theo cho hai anh nhậu nhé?”. Tôi nói: “Không cần đâu em. Thằng Sung nó nói với anh rồi mà!”.

Nhưng tôi vẫn không thể làm cho Ly đổi ý vì nấu nướng vốn là sở thích và nghiệp dĩ của nàng.

Một lúc lâu không nghe Ly nói gì nữa, tôi nghĩ nàng đã ngủ. Tôi nằm nhìn bóng cây trứng cá in lên vách những hình thù kỳ dị di động theo gió, như trong một phim đèn chiếu. Cây trứng cá trước nhà là nơi trú ngụ quen thuộc của bầy dơi, tiếng đập cánh và tiếng kêu hoảng loạn của chúng trong không gian tĩnh mịch làm cho đêm khuya càng lạnh lẽo thâm u một cách khác thường. Tôi nghĩ, thế nào cũng phải mua một chai Stolichnaya mang theo hôm đi biển.

Bất thình lình, bên cạnh, Ly lại lên tiếng: “Không biết bộ áo tắm của em bây giờ có còn mặc vừa nữa không... Chắc nó rộng lắm rồi”.

Hóa ra nàng vẫn còn thức. Tôi nói: “Trời! Em mua cái khác đi. Nó cũng cũ quá rồi còn gì”. Tôi chợt nhớ đến lần đi biển trước: “Em còn nhớ lần mình đi Vũng Tàu không?”.

“Nhớ! Sao hả?”.

“Sao anh với em chẳng có tấm hình nào hết vậy?”.

Ly quay người lại, trả lời thật gọn: “Làm gì có chụp riêng tấm nào. Anh không nhớ à?”.

Vậy ra, chỉ có những tấm hình chụp chung với mọi người thôi sao? Tôi lẩn thẩn nghĩ trong đầu. Chẳng biết bây giờ có ai còn giữ những tấm hình ngày ấy để tôi có dịp một lần xem lại?

Một lúc sau. “Thế anh có nhớ bài thơ hồi ở Vũng Tàu anh làm tặng em không? Quên luôn rồi chắc?”.

Thật sự tôi không nhớ mình có làm bài thơ nào lúc ấy không nữa. Lâu quá rồi. Có một thời kỳ tôi gặp khó khăn, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đồng lương không đủ chi trả đến cuối tháng. Cơm bụi, cà phê vỉa hè, thuốc lá đen, và thường xuyên thức giấc nửa đêm bởi cơn mê đang bóp chết một con vật hay đập nát một cái gì đó, đến nỗi có lúc bỗng dưng tôi mắc chứng nói lắp. Tôi đã tìm đến trang viết như một cách vượt thoát. Tôi nuôi mộng trở thành nhà văn, tôi ấp ủ hoài bão viết lách. Bây giờ thì trong tôi văn chương đã kết thúc, như một giấc mộng đẹp nhưng quá ngắn ngủi.

Ly đọc cho tôi nghe bài thơ. Sau bao nhiêu năm tháng ấy, không hiểu sao Ly vẫn còn nhớ được. Bài thơ có tiếng sóng, có những cánh chim hải âu và những chòm mây trắng. Tôi ngạc nhiên không nhận ra bài thơ ấy lại là của mình, như đã từng ngạc nhiên không nhận ra mình trong một tấm hình cũ chụp lúc lên ba, mặc chiếc áo liền quần có yếm trước ngực, đứng ngơ ngác giữa một công viên dập dìu người qua lại. Tấm ảnh ấy đã thất lạc cùng với một vài thứ đẹp đẽ khác chẳng nhiều nhặn gì cho lắm mà tôi thừa kế từ quá khứ.

Bài thơ khá dài và có lẽ, tôi đã ngủ lơ mơ khi nó vẫn chưa kết thúc.

 ***

Sung chỉ ngón tay xuống bãi cát nó đang ngồi, nói có thể mấy năm nữa bãi tắm này chỉ còn dành cho khách du lịch thôi. Một dự án khu nghỉ mát khép kín đang được gấp rút hoàn thành. Tôi hỏi: “Vậy chớ bà dì mày với mấy đứa con nít sẽ đi đâu?”. Sung nói: “Chưa biết”.

Sáng qua, lúc chạy xe, tôi thấy rải rác dọc hai bên đường mấy tấm bảng to giới thiệu bản đồ quy hoạch. Theo thời gian, nhiều xóm chài đã lần lượt biến mất, chỉ còn lác đác mấy căn nhà trơ trọi sót lại, để nhường chỗ cho những công trình xây dựng ngổn ngang lởm chởm gạch ngói phía sau hàng rào kẽm gai.

Bãi tắm chúng tôi ngồi chơi cũng sắp được đắp bờ kè để chắn sóng. Những hộc đá xanh nằm lổn nhổn ở một góc, có chỗ cao như một ngọn núi nhỏ bị khoét nham nhở, bên cạnh mấy chiếc xe cút kít đẩy tay. Hiện chỉ có mấy người chúng tôi ở đây, trong khi các khách du lịch đều ở mé trên, nơi tập trung những khu nghỉ mát với bãi cát trắng, sạch sẽ, dài đến ngút tầm mắt.

Thỉnh thoảng, vài người tản bộ đi qua tò mò ngó chúng tôi. Một đôi vợ chồng già. Người chồng đội chiếc mũ rơm bước khập khiễng, hình như có tật ở chân, một tay nắm lấy cánh tay vợ, từ khu nghỉ mát đi tới. Tôi nhìn theo cho đến khi họ khuất hẳn. Rất lâu sau đó, vẫn không thấy họ đi ngược trở lại. Trong gió thấm đẫm mùi cá tanh. Những người đi ghe họp chợ sớm đã giải tán. Trên bãi bây giờ chỉ còn rải rác mấy chiếc thuyền thúng, xác cá ươn và những con hải âu lạc lõng.

Sung lấy trong túi áo bao thuốc lá, rút ra một điếu đưa lên miệng, đầu điếu thuốc nhăn nhúm nhưng Sung không buồn vuốt lại cho thẳng và cũng không vội châm lửa ngay. Cái nắp zippo bị Sung bật lên xuống trong tay kêu lách cách không ngớt. Đó là cái zippo của lính Mỹ thời chiến tranh. Một mặt của nó khắc dòng chữ Fighter by day. Lover by night. Drunkard by choice. Army by mistake. Nét chữ bây giờ đã mờ cũng như cái bật lửa đã bị trầy xước cũ kỹ, mòn vẹt gần hết.

Sung đã vượt biên mấy lần đều thất bại. Lần cuối cùng ra khỏi trại giam, tìm được việc làm tạm bợ một thời gian rồi lấy vợ. Trong suốt những tháng ngày trôi nổi đó, cái zippo luôn ở bên Sung, như một thứ nhân chứng thầm lặng.

“Mày biết không, năm ngoái biển động, sóng đánh tràn qua chỗ này, vượt lên tận con lộ”, Sung nói.

Nhìn theo ánh mắt của Sung, tôi chỉ thấy toàn cỏ rác, vài thân dừa nằm lăn lóc trên đám rau muống biển và một vũng nước lớn khoét sâu vào đất. Trên trục đường chính có một cây cầu nhỏ. Lúc chạy ngang qua đó tôi thoáng thấy bóng những người đàn bà lom khom trong đám sú vẹt, cào hàu.

Con Hồng vẫn ngồi vọc cát trên bãi cùng với hai đứa cháu của Sung, cạnh mấy mỏm đá trơn bóng. Đứa trai lớn hơn Hồng và đứa gái trạc tuổi, đều cởi trần, lưng đen nhẻm. Cha mẹ chúng không còn đi ghe nữa, lưu lạc vào tận Sài Gòn kiếm sống, để hai đứa cho bà nội giữ.

Một con chim nhỏ mon men kiếm mồi gần đấy nhưng chúng không để ý. Lúc nãy tôi dắt Hồng, chưa ra đến mép nước nó đã rụt ra khỏi tay tôi, vùng chạy xuống trước. Nhưng chỉ mới nhúng chân vào vũng nước trước mặt, nó đã co ngay chân lại, không biết vì nước lạnh hay vì nó quá nhát. Sau đó tôi dỗ thế nào nó cũng chỉ ngồi một chỗ, không chịu xuống nước nữa.

Ly và vợ Sung ngâm mình ngay sát bờ để trông chừng mấy đứa bé. Đầu họ nhô lên khỏi mặt nước như hai quả cầu bằng sắt đen. Ở khoảng cách này, tôi không thể nghe thấy gì từ phía họ.

Mặt trời phủ lên người tôi một lớp nắng mỏng, êm dịu, vàng mịn như mật và cát dưới lưng cũng bắt đầu ấm dần. Cơn say hồi đêm vẫn còn lẩn khuất đâu đó và tôi có cảm tưởng cơ thể mình đang tan chảy chầm chậm như một mẩu sáp.

Biển đang biến mất khỏi tầm mắt, tiếng sóng nghe nhỏ dần và xa lắc. Cơn buồn ngủ ở đâu kéo đến đè nặng lên hai mí mắt… Tôi nghĩ là mình đã thiếp đi một lúc.

“Ê, con bé Hồng ngó thấy ghét quá nha mày”.

Sung khiến tôi choàng tỉnh. “Ừm...m..m”.

“Coi cái lóng chân của nó kìa… Con nhỏ này không có lùn đâu nghen”.

“Cao hơn mẹ nó là ô kê rồi”.

“Tao có cái phao nhựa cho nó đó”. Sung nói.

Tôi hít một hơi thật sâu, mùi thuốc lá đánh thức cái đầu còn ngầy ngật. “Thôi, không cần đâu. Nó không chịu xuống nước. Để nó chơi với thằng Khang, con Út ở đó được rồi”.

Vợ chồng Sung lấy nhau đã lâu nhưng không có con. Chẳng biết tại ai. Không đứa nào chịu đi khám để tìm hiểu. Hai vợ chồng nó rất thương con Hồng. Có lần Sung còn ngỏ ý muốn xin nó làm con nuôi.

Tôi chuyển sang đề tài khác. “Chừng nào đi ra ngọn hải đăng chơi, Sung?”.

“Tao định sáng sớm nay đi rồi đó chớ. Nhưng hồi hôm nhậu xỉn quá”.

“Thì sáng mai đi”.

Không nghe nó nói gì, tôi quay sang nhắc: “Sao, mày?”.

“Để tao coi. Tao có mấy nhà quen ngoài đó. Hay là tối nay cho mấy bả với sắp nhỏ ra đó chơi rồi ngủ lại luôn?”.

“Tùy. Sao tiện cho mày thì thôi”.

Câu chuyện bị bỏ lửng ở đó khi chúng tôi bất chợt nhìn thấy một người đàn ông đeo kính cận, sơ mi trắng tay dài bỏ trong chiếc quần màu nâu rộng thùng thình, vai khoác một cái túi đen, đang tiến thẳng về phía mình.

“Chào hai anh”.

Người đàn ông cất tiếng chào rồi sà xuống bên cạnh Sung, cái túi hở toác miệng được bỏ ra khỏi vai, đặt xuống đất. Khuôn mặt ông ta khắc khổ, xương xẩu, dưới cằm lún phún những sợi râu bạc. Chiếc kính cận có lẽ to một cách không tương xứng.

“Hai anh ngồi chơi coi bói? Tình duyên, gia đạo, làm ăn, buôn bán, vận mạng hanh thông…”.

“Cha bói gì vậy? Bài tây hay chỉ tay?”. Sung hỏi.

“Đủ. Bài tây, chỉ tay, chữ ký, tướng số, tử vi…”.

“Bao nhiêu một quẻ?”. Sung tiếp tục.

Tôi biết Sung chỉ đẩy đưa bỡn cợt chứ không có ý định gì hết.

Có lẽ nghĩ đã tìm được khách, nét mặt người đàn ông trở nên linh hoạt hẳn. “Cái đó thì tùy tâm của quý khách. Bao nhiêu cũng được. Nếu quý khách thấy tôi coi trúng thì quý khách thưởng”.

Thấy tôi im lặng nãy giờ, ông ta ngó sang tôi: “Ông anh này coi bộ tướng tốt đó nghe. Chỉ có cái mũi là hơi bị hếch chút xíu, tiền không giữ được lâu”.

“Tụi tôi chỉ muốn coi chừng nào trúng độc đắc để đổi đời thôi”. Sung đưa bao thuốc lá mời người đàn ông. Ông ta lắc đầu từ chối.

“Ông là người vùng này hả?”. Sung lại hỏi.

“Dạ phải”.

“Chắc ông hành nghề lâu rồi?”.

Ông ta không trả lời ngay, lấy chân nhè nhẹ đẩy qua đẩy lại cái túi, “Cũng kha khá”.

“Ba!” con Hồng và hai đứa bé thôi không nghịch cát nữa. Chúng chạy lại, ngồi cạnh tôi. Tôi phủi cát bám đầy trên lưng, trên tóc cho Hồng. Nó nằm xuống, ngả đầu lên cánh tay tôi.

“Tôi thấy cha có vẻ giống công nhân viên nhà nước quá”.

Tôi phì cười nghe Sung coi tướng ngược lại cho ông thầy bói.

“Trước tôi làm bên bưu điện đó chớ. Sau rồi cơ cấu, sắp xếp tới, sắp xếp lui, tôi bị ra rìa lúc nào cũng không biết”.

Tôi hỏi: “Rồi ông chuyển nghề, đi coi bói luôn?”.

“Không. Tôi thử đủ thứ hết. Ban đầu viết đơn, thư từ cho mấy bà, mấy cô, rồi đi bỏ báo… Hầm bà lằng. Có gì làm đó”.

Thằng Khang có vẻ chán. Nó bắt đầu móc cát đắp lên chân tôi. Con Hồng ngồi bật dậy cùng với con Út hí hửng bắt chước làm theo. Tôi nằm im để mặc tụi nó.

“Ông có con cái gì không?”. Tôi hỏi.

“Từ hồi tôi thất nghiệp, mụ vợ cũng bỏ đi luôn. Đàn bà mà, phải không hai ông anh?”.

Giọng người đàn ông dửng dưng, không đượm một chút gì chua chát, như thể đó là một việc hoàn toàn hiển nhiên. Sung rít hơi thuốc cuối cùng, tiếng rít thật dài, rồi cong hai ngón tay búng mẩu thuốc ra xa. Tôi thoáng thấy đốm lửa ở đầu điếu thuốc lóe sáng lên rồi tắt lịm trước khi rơi xuống đất.

“Hai ông anh coi cho một quẻ nghe. Coi làm quen”. Vừa nói ông ta vừa thò tay vào trong  túi xách, lấy ra cuốn sổ nhỏ và cây bút bi.

“Nói thiệt tụi tôi đang có công chuyện. Ngày mai, ngày kia, ông trở lại đi”. Sung nói.

Một chút thất vọng thoáng qua gương mặt phong sương sạm nắng của người đàn ông. Ông ta bần thần nhét trở lại mấy thứ vừa lấy ra vào lại túi du lịch, khoác nó lên vai, rồi đứng lên, cười buồn. Tất cả những động tác ấy đều được thực hiện một cách chậm rãi cố ý, như để cố kéo dài đến giây phút cuối tia hy vọng mong manh. “Thôi, xin chào hai ông anh”.

Người đàn ông vừa bước đi, Ly và vợ Sung cũng đứng lên.

“Để tao vô kiếm cái gì trưa mình lai rai. Vậy mà hết nguyên buổi sáng”. Sung nói.

Đợi hai người đàn bà đến gần, Sung mới đứng dậy uốn éo lưng.

“Thằng Khang, con Út theo cô vô nhà rửa chân tay mặt mũi đi thôi”.

Hai đứa bé đứng lên theo vợ chồng Sung đi trở qua bên kia đường. Còn lại một mình, Hồng vẫn mê mải đắp cát lên người tôi.

Ly ngồi xuống bên. Trong bộ áo tắm một mảnh màu xanh nước biển pha vàng nhạt mới mua, nàng có vẻ gầy hơn và cái vết chàm ở bắp vế cũng đậm hơn.

Nàng hỏi: “Lúc nãy hai anh nói chuyện với ai vậy?”.

“À, thằng cha thầy bói đó mà”.

“Ổng nói gì với anh?”.

“Anh có coi đâu”.

“Sao anh không kêu em với chị Sung?”.

Ly ngồi một lúc rồi cũng đứng lên, dắt Hồng về nhà. Tôi nói với Ly để tôi nằm chơi một chút rồi sẽ vô sau.

Tôi nghe tiếng chân của họ xa dần, sau cùng chỉ nghe thấy mỗi tiếng gió thổi mấy cái bịch ny-lông bay lạch phạch trên bãi cát.

Tôi có cảm tưởng như không thể ngồi dậy được nữa. Cát, rất nhiều cát, trên thân thể đang nhấn tôi chìm xuống.

Theo TN

Đọc thêm