Biết điểm thi trước 31-7

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án của đợt hai, ông Ngô Kim Khôi -  phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, phó trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh 2010 - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề mà thí sinh quan tâm.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án của đợt hai, ông Ngô Kim Khôi -  phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, phó trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh 2010 - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề mà thí sinh quan tâm. Ông Khôi cho biết:

- Theo lịch tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH có tổ chức thi tuyển sinh (bao gồm cả các trường tổ chức thi đợt hai) phải hoàn tất khâu chấm thi và công bố điểm thi của thí sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 31-7. Đối với các trường CĐ có tổ chức thi cũng phải hoàn tất khâu chấm thi và công bố điểm thi của thí sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 5-8. Điểm sàn sẽ được công bố trước ngày 10-8-2010.

Ông Ngô Kim Khôi
Ông Ngô Kim Khôi
* Thưa ông, khi công bố đáp án của các môn tự luận, Bộ GD-ĐT đã công bố cả thang điểm cụ thể. Vậy cách chấm bài thi tự luận và trắc nghiệm có gì khác nhau?

- Thang điểm chấm thi được quy định thống nhất là thang điểm 10. Đối với các môn tự luận, các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm như đáp án, thang điểm bộ đã công bố. Các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm tuy chấm theo thang điểm khác nhưng điểm cuối cùng toàn bài thi cũng phải quy về thang điểm 10.

Trong quá trình chấm thi các môn tự luận, cán bộ chấm thi phải chấm theo đúng thang điểm và đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT đã công bố. Cán bộ chấm thi không được tự động quy tròn điểm từng bài thi mà phải để nguyên điểm lẻ, ví dụ như 5,25 điểm hay 8,75 điểm.

Việc quy tròn điểm sẽ do máy tính tự động thực hiện sau khi cộng cả tổng điểm ba môn theo nguyên tắc nếu tổng điểm ba môn của thí sinh có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5, có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1,0 thì quy tròn thành 1,0.

Nguyên tắc quy tròn điểm như vậy nhằm đảm bảo tổng điểm ba môn của thí sinh chính xác, tăng tính công bằng trong một kỳ thi có tính cạnh tranh cao, với 0,5 điểm cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả đỗ, trượt.

Đối với các môn thi trắc nghiệm, chấm thi bằng máy, sau khi chấm bằng thang điểm 100, máy tính sẽ tự quy điểm bài thi về thang điểm 10.

* Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án và thang điểm chi tiết, nhiều thí sinh băn khoăn, lo lắng về việc quy chế yêu cầu phải chấm thi đúng theo đáp án, thang điểm của bộ. Vậy những trường hợp bài thi có cách giải khác với đáp án hoặc làm ra kết quả đúng sẽ được chấm như thế nào?

- Trước hết, ngoài yêu cầu chấm thi theo đúng đáp án, thang điểm chính thức đã được Bộ GD-ĐT công bố, quy chế cũng có quy định cho phép đối với những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án không những vẫn được tính điểm mà có thể còn được thưởng điểm.

Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do trưởng môn chấm thi trình trưởng ban chấm thi quyết định, nhưng không vượt quá 1 điểm.

Trong trường hợp thí sinh sau khi so sánh với đáp án và thang điểm, thấy điểm bài thi của mình có gì bất thường hoặc không thỏa đáng, thí sinh có thể làm đơn xin đề nghị phúc khảo điểm bài thi.

Sau khi công bố điểm thi, hội đồng tuyển sinh chỉ nhận đơn xin phúc khảo các môn văn hóa của thí sinh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố điểm thi, và phải trả lời đương sự chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn. Thí sinh nộp đơn xin phúc khảo phải nộp lệ phí theo quy định của trường.

Nếu sau khi phúc khảo phải sửa điểm theo quy định thì hội đồng tuyển sinh hoàn lại khoản lệ phí này cho thí sinh.

Không phúc khảo các môn năng khiếu.

* Những bài thi nào bị coi là bất thường và sẽ được xử lý ra sao?

- Những bài thi “bất thường” là những bài thi làm trên giấy khác với giấy quy định dùng cho kỳ thi, bài làm trên giấy nháp, bài có hai thứ chữ khác nhau, bài có viết bằng mực đỏ, bút chì hoặc có viết vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi, bài thi nhàu nát hoặc có những dấu hiệu đặc biệt nghi vấn đánh dấu bài sẽ không được chấm như bình thường.

Những bài thi này phải được cán bộ chấm thi giao lại cho trưởng môn chấm thi xem xét để xử lý theo một quy trình khác.

Những bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định, viết bằng hai thứ mực, hai loại chữ khác nhau sẽ bị cho điểm 0 đối với từng phần của bài thi hoặc toàn bộ bài tùy trường hợp cụ thể. Đối với những lỗi nặng hơn như viết vẽ nội dung không liên quan đến bài thi sẽ bị hủy kết quả.

* Có trường hợp nào trong quá trình làm bài không bị lập biên bản kỷ luật, nhưng khi chấm điểm bài thi vẫn bị trừ điểm hoặc hủy kết quả?

- Có những trường hợp tuy không bị lập biên bản xử lý kỷ luật trong quá trình coi thi nhưng đến khi chấm thi bị phát hiện các vi phạm, gian lận... vẫn bị xử lý trừ điểm bài thi hoặc hủy kết quả.

Hội đồng chấm thi cũng có quyền cho điểm 0 đối với những phần của bài thi, hoặc toàn bộ bài thi được xác định đã chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi, những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định hoặc khi thí sinh nộp hai bài cho một môn thi hoặc bài thi viết bằng các loại chữ, loại mực khác nhau được phát hiện trong quá trình chấm.

Nếu thí sinh có tới hai môn thi vi phạm những lỗi kể trên hoặc viết vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi, bị phát hiện nhờ người khác thi hộ hoặc làm bài hộ cho người khác dưới mọi hình thức dù đã thi xong; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp... sẽ bị hủy bỏ kết quả thi của cả ba môn thi.

* Xin cảm ơn ông.

Theo Tuổi trẻ online

Đọc thêm