Biết "mười mươi" chồng ngoại tình vẫn "đuối lý" trước tòa

Biết mười mươi chồng có nhân tình nhưng chị M. không biết làm thế nào để “bắt tận tay, day tận mặt”. Lén lút đi theo để chụp ảnh, ghi âm… thì chị không muốn hay đúng hơn là không dám. Còn thuê thám tử thì có bán cả nhà chị cũng không đủ trả công. Báo ra chính quyền thì sợ “xấu chàng hổ ai”. Cuối cùng ra đến Tòa ly hôn, lý do chồng ngoại tình của chị cũng bị anh chồng gạt phăng vì không có chứng cứ.

Biết mười mươi chồng có nhân tình nhưng chị M. không biết làm thế nào để “bắt tận tay, day tận mặt”. Lén lút đi theo để chụp ảnh, ghi âm… thì chị không muốn hay đúng hơn là không dám. Còn thuê thám tử thì có bán cả nhà chị cũng không đủ trả công. Báo ra chính quyền thì sợ “xấu chàng hổ ai”. Cuối cùng ra đến Tòa ly hôn, lý do chồng ngoại tình của chị cũng bị anh chồng gạt phăng vì không có chứng cứ.

 

Ăn vụng… khéo che

Chị Nguyễn Thị M. ở Chương Mỹ, Hà Nội là giáo viên một trường mầm non của huyện. Chồng chị là nhân viên kinh doanh một Công ty tư nhân có trụ sở tại nội thành Hà Nội. Họ kết hôn đã được 7 năm. Tiếng là 7 năm chung sống nhưng họ chỉ gặp mặt nhau vào những ngày cuối tuần, thậm chí có khi không vì anh T, chồng chị luôn có nhiều lý do để không về nhà vào mỗi dịp nghỉ.

Thế rồi gần đây, qua một người quen ở Hà Nội, chị phát hiện ra chồng có nhân tình. Đó là một đối tác của Công ty anh T., một phụ nữ cũng đã “một lần đò”. Cô này có một con riêng và đang ở trọ gần nơi anh T. làm việc. Gần đây, anh T. lui tới ngôi nhà này thường xuyên hơn, thậm chí còn ở qua đêm. Là người phụ nữ ngại va chạm, lại hay nín nhịn chồng, chị M. chỉ biết khuyên can nhưng càng ngày anh T. càng quá đáng.

Đã không về nhà, anh T. còn cắt luôn cả khoản nuôi con hàng tháng. Khi chị M. cầu cứu đến hai bên nội ngoại thì anh T. cho rằng vợ làm mình mất mặt. Họ khẩu chiến một trận tơi bời và kết quả là chị M. phải nhập viện vì bị anh này phang cả cái ghế đẩu vào người. Hai năm sau đó, chị M. đệ đơn ra Tòa xin ly hôn. Tuy nhiên, khi chị M. trình bày lý do anh T. có người phụ nữ khác thì bị anh này gạt phăng, đòi chị M. xuất trình… chứng cứ.

Đến lúc này thì chị M. mới “ngã ngửa” vì chị làm gì có lén lút đi theo chồng để chụp ảnh, ghi âm, hay thuê thám tử tư như các bà vợ giàu có ở thành phố vẫn làm. Tuy nhiên, sau đó anh T cũng chấp nhận ly hôn nhưng vì lý do… không còn tình cảm, chứ không công nhận mình ngoại tình để… giữ thể diện.

Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Rất nhiều trường hợp như của chị M., dù biết rõ mười mươi chồng "chả nem” ở ngoài nhưng họ cũng không tìm được bằng chứng. Bởi, bản chất của ngoại tình là hành vi ăn vụng, nên nó được che đậy một cách kín đáo và rất khó phát hiện. Nhất là trong thời đại hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển đến từng ngõ ngách và ai cũng có thể sử dụng do tính tiện dụng của nó.

Ngoại trừ những trường hợp ngoại tình để lại hậu quả (ví dụ như có con chung) thì sẽ là bằng chứng trực tiếp chứng minh hành vi ngoại tình, còn lại tất cả các trường hợp khác (chứng cứ gián tiếp) thì hầu như rất khó. Ngay cả khi vợ/chồng bắt gặp “nửa kia” của mình thân mật với ai đó mà không phải là hành vi “đầu gối tay ấp” thì cũng rất khó quy họ tội… ngoại tình.

Luật cần “rắn” hơn

Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2010 quy định vợ chồng “có nghĩa vụ chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững”, nhưng khi một trong hai người vi phạm quy định này như ngoại tình, ngược đãi, hành hạ người kia thì Luật HN&GĐ lại không quy định chế tài cụ thể với các hành vi vi phạm.

Có chăng, hành vi ngoại tình, ngược đãi, hành hạ… của một bên vợ/chồng cũng chỉ được xác định là nguyên nhân ly hôn chứ không phải là căn cứ để xác định trách nhiệm về nhân thân, tài sản và con trong giải quyết ly hôn.

Trong khi Luật HN&GĐ chưa có chế tài để “xử” hành vi ngoại tình thì pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này lại quá “khiêm tốn”. Theo đó, người ngoại tình sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Đang có vợ (chồng) mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng; Chưa có vợ (chồng) mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng (vợ) nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Tòa án cũng sẽ buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật đối với người vi phạm.

Quy định là vậy, và thực tế hành vi ngoại tình là khá phổ biến nhưng việc xử lý lại không hề dễ dàng vì khó phát hiện như đã nói ở trên. Thậm chí nhiều trường hợp, ngay cả khi việc ngoại tình “cả làng cùng biết” thì những người có thẩm quyền xử phạt cũng rất e ngại vì đây là lĩnh vực… nhạy cảm.

Nhiều nơi, chính quyền, tổ dân phố khi tiếp nhận “thông tin” về hành vi ngoại tình cũng chỉ đến hòa giải, khuyên bảo qua loa, còn không thì… việc nhà ai người nấy làm. Vì thế, hành vi ngoại tình trên thực tế đã không được ngăn chặn kịp thời, không làm cho người ta sớm thức tỉnh để rồi nhiều gia đình phải chịu cảnh tan vỡ.

Sửa đổi Luật HN&GĐ, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung chế tài đối với hành vi ngoại tình, cũng như ngược đãi, hành hạ vợ/chồng. Còn theo Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu - Trưởng Văn phòng Luật sư Bảo Châu và cộng sự, “cần bổ sung quy định khi xác định vợ/chồng ngoại tình rồi vợ chồng ly hôn, thì người ngoại tình sẽ không được ưu tiên nuôi con, kể cả con dưới 36 tháng tuổi (nếu vợ ngoại tình), tài sản không được chia theo nguyên tắc “chia đôi”, mà người ngoại tình sẽ phải “chịu thiệt” hơn người kia một tỷ lệ tài sản nhất định khi chia”.

Bên cạnh đó, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cũng cần phải nâng lên nhằm đủ sức răn đe. Đồng thời để xử lý các hành vi ngoại tình trên thực tế, cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương bởi bên cạnh xử phạt, việc thức tỉnh những người “lạc lối” cũng là việc rất nên và cần làm.

Đông Bình 

Đọc thêm