Biệt thự bỏ hoang không phải lỗi chủ đầu tư?

 Tập đoàn HUD vừa  báo cáo Bộ xây dựng và các cơ quan chức năng về tình trạng một số nhà đầu tư sau khi mua biệt thự và căn hộ liền kề tại các dự án của HUD do nhiều nguyên nhân khác nhau chưa tiến hành hoàn thiện và đưa vào sử dụng ngay, gây nên tình trạng bỏ hoang đất, biệt thự, gây bức xúc trong dư luận. Trao đổi với phóng viên PLVN, đại diện tập đoàn HUD kiến nghị : Bộ Tài chính nên sớm thực thi các giải pháp về thuế để hạn chế tình trạng nhà bỏ hoang tại các khu đô thị mới.

Tập đoàn HUD vừa  báo cáo Bộ xây dựng và các cơ quan chức năng về tình trạng một số nhà đầu tư sau khi mua biệt thự và căn hộ liền kề tại các dự án của HUD do nhiều nguyên nhân khác nhau chưa tiến hành hoàn thiện và đưa vào sử dụng ngay, gây nên tình trạng bỏ hoang đất, biệt thự, gây bức xúc trong dư luận.
Trao đổi với phóng viên PLVN, đại diện tập đoàn HUD kiến nghị : Bộ Tài chính nên sớm thực thi các giải pháp về thuế để hạn chế tình trạng nhà bỏ hoang tại các khu đô thị mới.

Khu biệt thự Mỹ Đình 2 do HUD làm chủ đầu tư hiện phần lớn đã đưa vào sử dụng
Khu biệt thự Mỹ Đình 2 do HUD làm chủ đầu tư hiện phần lớn đã đưa vào sử dụng

Trông vậy nhưng… không phải vậy

Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) thuộc Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam là chủ đầu tư của 16 dự án khu đô thị mới (KĐTM), với tổng diện tích gần 2.130 ha.

HUD là đơn vị tiên phong “làm mới đô thị Hà Nội” với dự án KĐTM Linh Đàm khởi công năm 1997. Sau hơn 10 năm đầu tư xây dựng, KĐTM Linh Đàm đã được Bộ Xây dựng công nhận là KĐTM tại Quyết định số 74/QĐ-BXD ngày 22/1/2009. Đây là một trong hai KĐTM kiểu mẫu đầu tiên ở nước ta và là KĐTM kiểu mẫu đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội.

Với thành công của Linh Đàm, Tập đoàn HUD đang tiếp tục đầu tư, xây dựng nhiều KĐTM mang tính kiểu mẫu khác tại nhiều vùng miền trong cả nước. Trước mắt, KĐTM Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) đang được Tập đoàn tập trung hoàn thiện và đăng ký với Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội để được công nhận là khu đô thị mới kiểu mẫu vào cuối năm 2012.

Đầu tư bài bản, hiệu quả cho các KĐT, tạo dựng bộ mặt mới cho đô thị thủ đô, nhưng thực tế ngay tại các KĐT này, Tập đoàn HUD vẫn “vướng” phải những bất cập làm ảnh hưởng tới tiến độ dự án - nhất là khâu GPMB. Hệ lụy của nó khiến cho bộ mặt các KĐTM của HUD  bị “chắp vá” bởi còn tồn tại một số diện tích, đặc biệt là các diện tích đất thổ cư hoặc các diện tích đất phi nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong phạm vi KĐTM.

Dẫn chúng tôi đi quanh KĐT Việt Hưng, ông Nguyễn Thắng- Chánh Văn phòng Tập đoàn HUD bức xúc chỉ cho chúng tôi một số diện tích đất còn phải bỏ hoang, cỏ dại mọc lún chân người và cho hay KĐT Việt Hưng được quy hoạch trên 302,5 ha, được khởi công đã hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn đang tiếp tục trong quá trình hoàn thiện cũng bởi còn vướng trong công tác đền bù dự án. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại KĐT Linh Đàm, có diện tích đất HUD quy hoạch để xây dựng trường học nhưng thực tế đất vẫn thuộc về một cơ sở khác và cơ sở này đang cho thuê để sắt vụn, sản xuất nhựa, nhôm khiến cho người dân hiểu lầm là HUD cho thuê đất vô tội vạ.

Khu đất được quy hoạch để xây dựng trường học nhưng hiện vẫn thuộc quyền sử dụng của một cơ sở khác nên HUD không thể triển khai xây dựng trường học
Khu đất được quy hoạch để xây dựng trường học nhưng hiện vẫn thuộc quyền sử dụng của một cơ sở khác nên HUD không thể triển khai xây dựng trường học

Kiến nghị sớm có giải pháp đánh thuế biệt thự bỏ hoang

Theo ông Thắng, có tình trạng này là bởi có sự mâu thuẫn giữa đòi hỏi đền bù hỗ trợ của người dân với những ràng buộc, khống chế của các quy định, chính sách. “Điều này đôi khi dẫn đến sự hiểu lầm là các chủ đầu tư sử dụng đất trong KĐTM để cho thuê không đúng mục đích sử dụng. Để giải quyết những tồn tại này, với phương châm mềm dẻo, linh hoạt, chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền đoàn thể địa phương vận động người dân, đồng thời đề xuất các cơ chế để đảm bảo hài hòa lợi ích của chủ đầu tư, người bị thu hồi đất, triển khai công tác giải phóng mặt bằng xây dựng đồng  bộ các dự án khu đô thị mới”, ông Thắng nói.

KĐTM thiếu đồng bộ bởi chiếc áo mới vẫn còn “những miếng vá” là các diện tích đất chưa giải phóng mặt bằng xong, người dân có đất chưa chịu nhận tiền đền bù. Chiếc áo mới ấy tiếp tục bị “làm xấu” bởi các nhà đầu cơ “vô trách nhiệm” khi mua đất, mua nhà xong nhưng không chịu hoàn thiện phần thô.

Dạo quanh một vòng các KĐTM do HUD xây dựng, chúng tôi thấy phần lớn các căn hộ liền kề và biệt thự đã được đưa vào sử dụng với bộ mặt kiến trúc hiện đại, đồng bộ song đâu đó lại có “miếng vá” khi có một vài căn biệt thự để hoang hóa, rong rêu mọc đầy. Một khảo sát mới đây nhất của HUD cho thấy có khoảng vài phần trăm số biệt thự của HUD trong các KĐTM chưa được đưa vào sử dụng. Đây là những trường hợp cá biệt và có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tình trạng các chủ hộ chưa tiến hành hoàn thiện và đưa vào sử dụng ngay.

“Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian gần đây, tại các dự án do Tập đoàn  HUD làm chủ đầu tư đều được tổ chức xây thô hoàn thiện mặt ngoài công trình để đảm bảo mỹ quan đô thị và sự thống nhất phong cách kiến trúc trong toàn khu đô thị mới”, đại diện HUD khẳng định.

   Không chỉ HUD phải “giải bài toán” biệt thự bỏ hoang, các chủ đầu tư KĐTM khác cũng phải tính toán để ngăn ngừa tình trạng này. Ông Trần Tùng Linh- Tổng giám đốc Cty CP đầu tư đô thị An Hưng cho biết, cả 600 căn hộ liền kề và biệt thự cao cấp của dự án KĐTM An Hưng sẽ được hoàn thiện tất cả mặt ngoài sau đó mới bàn giao cho khách hàng.

Lãnh đạo Tập đoàn HUD cũng cho biết đã chủ động rà soát, thống kê các trường hợp nhà xây thô tại các dự án do Tập đoàn làm chủ đầu tư chưa đưa vào sử dụng, đôn đốc, yêu cầu các chủ hộ nhanh chóng hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng, tạo sự đồng bộ cho toàn KĐTM.

Ở góc độ vĩ mô, các chủ đầu tư KĐT như HUD hay An Hưng đều kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành các giải pháp về thuế để hạn chế tình trạng nhà bỏ hoang tại các KĐTM.

Thanh Lương

Đọc thêm