Biểu dương và tôn vinh sức sống của nghệ thuật dân gian

Sau thành công lớn về hát chầu văn tại Phủ Thượng Đoạn năm 2009,  Hội Văn nghệ Dân gian (VNDG)  thành phố chuẩn bị tổ chức Liên hoan nghệ thuật dân gian Hải Phòng lần thứ nhất với chủ đề “Còn mãi với thời gian” vào tối 28-8-2010.

Sau thành công lớn về hát chầu văn tại Phủ Thượng Đoạn năm 2009,  Hội Văn nghệ Dân gian (VNDG)  thành phố chuẩn bị tổ chức Liên hoan nghệ thuật dân gian Hải Phòng lần thứ nhất với chủ đề “Còn mãi với thời gian” vào tối 28-8-2010. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Giang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng về một số nét chính của Liên hoan.

 

Ba thế hệ ca nương, kép đàn CLB Ca trù Hải Phòng biểu diễn tại Đình Kênh

Ảnh: Đỗ Diệp

- Thưa ông! Chỉ còn gần 1 tuần  nữa, liên hoan  chính thức khai mạc. Nhưng gần 1 tháng nay, hầu như các tiết mục đã được các nghệ sĩ,  nghệ nhân Hải Phòng,  Hà Nội dàn dựng, tập luyện về cơ bản, chỉ chờ giờ G là  trình diễn. Điều gì đã tạo nên không khí đam mê trong lực lượng biểu diễn  như vậy?

 

- Việc Ca trù Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, có đóng góp lớn của ca trù Hải Phòng. Với thành phố cửa biển, ăn sóng nói gió như Hải Phòng mà  vẫn sót lại “hạt ngọc ca trù”. Hơn thế, hạt ngọc ấy lại tỏa  sáng long lanh trong nhịp sống  mở cửa vươn tới tầm quốc tế chính là điều thu hút sự chú ý của nhiều người, nhất là giới nghiên cứu, các nghệ sĩ, nghệ nhân tham dự. Bằng việc chuẩn bị các tiết mục tham dự, các nghệ sĩ, nghệ nhân muốn khẳng định: Cùng với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, bộ môn nghệ thuật Ca trù chính là bản sắc dân tộc Việt Nam, có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa nước nhà với tư cách là những  “hạt ngọc hạt châu” còn mãi với thời gian, như chính chủ đề liên hoan lựa chọn.

 

- Giới âm nhạc cho rằng: Sau NSND quá cố Quách Thị Hồ, thì NSƯT Kim Đức là bậc thầy duy nhất về ca nương ở bộ môn nghệ thuật ca trù tại thời điểm này. Ông có thể giới thiệu về tiết mục của NSƯT Kim Đức tại liên hoan?

 

- NSƯT Kim Đức nguyên là nghệ sĩ công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam . Tiếng hát và nhịp phách ca trù của bà được tôn vinh trên rất nhiều sân khấu trong nước và quốc tế cũng do ảnh hưởng từ cụ thân sinh ra bà là quản ca của giáo phường ca trù Khâm Thiên, Hà Nội những thập niên đầu thế kỷ 20.  Lần này về với Hải Phòng, NSƯT Kim Đức cùng với một số học trò do chính bà  đào tạo hát múa Dâng hương và hát lót Cửa đình trong tiếng phách của bà và tiếng đàn đáy, tiếng trống chầu của các NSƯT Đặng Công Hưng, Đàm Quang Minh. Sức hấp dẫn của các tiết mục này là tài năng và sức  cống hiến nghệ thuật của người nghệ sĩ già. Bà Kim Đức năm nay ở tuổi 80. Do vậy, việc NSƯT Kim Đức về với Hải Phòng là  duyên may cho khán giả  và cả ca trù đất Cảng.

 

- Còn các tiết mục khác? Nghe nói, riêng đàn đáy không chỉ có mình NSƯT  Đặng Công Hưng?

 

- Cùng với nhóm ca trù của NSƯT Kim Đức, Hà Nội còn có nhóm ca trù  với sự góp mặt của NSƯT Thanh Bình, NSND Xuân Hoạch đệm đàn đáy. Hải Phòng có các  tay đàn đáy trẻ Tô Tuyên, Hoàng Khoa, trống chầu Phạm Cường, Ngọc Diệp đệm cho tiếng hát ca trù của các ca nương ba thế hệ, trong đó có múa Bỏ bộ- điệu múa trong không gian ca trù cửa đình đã có gần 700 năm chào mừng chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3 dưới thời vua Trần Nhân Tông. .. Các tiết mục nghệ thuật dân gian khác có Xẩm chợ, Xẩm huê tình, Múa hát chèo, hát đúm Đúm, hát văn “Hầu xá thượng”… Đặc biệt còn có diễn xướng 2 giá Chầu đồng, Bát Nàn tướng quân và Cô đôi Thượng Ngàn với sự thể hiện của NSƯT Khắc Tư- Nhà hát Chèo Việt Nam và nghệ nhân Mai Hương của Hải Phòng. Hầu hết các nghệ nhân, diễn viên biểu diễn tại liên hoan lần này đều là những người danh hiệu cao quý, có giải thưởng cao, các HCV, HCB tại các cuộc liên hoan nghệ thuật dân gian.

 

- Ông có thể nói cụ thể về quy trình ra mắt công chúng đất Cảng của liên hoan lần này?

 

- Khi triển khai liên hoan,  Hội VNDG nhận được sự ủng hộ rất lớn từ lãnh đạo thành phố. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, một số ban ngành. Ở góc độ xã hội hóa, đáng mừng nhất là gia đình ca nương Thu Hằng đã tài trợ toàn bộ phần ăn nghỉ cho các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân về liên hoan. Tối 28-8, Liên hoan chính thức khai mạc tại Nhà hát thành phố. Đây là nơi từng diễn ra và để lại dư âm thành công rất tốt đẹp Liên hoan Chầu Văn Hải Phòng mở rộng năm 2006. Với chủ đề “Còn mãi với thời gian”, liên hoan là cuộc biểu dương và tôn vinh sức sống của nghệ thuật dân gian mà ca trù là điểm nhấn.

 

- Xin cảm ơn ông.

 

Ngọc Anh

Đọc thêm