Dù từ năm 1993 chính quyền Trung Quốc đã có văn bản yêu cầu, nếu nhận quà biếu trị giá 200 tệ (700 ngàn VND) trở lên phải báo cáo và nộp cho cơ quan, đơn vị trong vòng 1 tháng kể từ ngày nhận”; nhận quà giá trị 5000 tệ trở lên sẽ bị truy cứu hình sự nhưng trong thực tế vẫn có chuyện một quan tham thành thật: “Ai đến biếu thì không nhớ, ai không đến biếu thì nhớ rõ”.
“Lễ phẩm hồi thu điếm”
Hầu như xung quanh mỗi khu nhà tập trung nhiều quan chức đều có các cửa hàng thu mua quà biếu, gọi là “Lễ phẩm hồi thu điếm”; gần đây thì có hình thức thu mua qua mạng thông qua các trang web.
Rượu và Đông trùng Hạ thảo là thứ dễ tiêu thụ nhất trên thị trường quà biếu. Mấy năm trước, một đơn vị quân đội đặt làm riêng loại Mao Đài Phi Thiên bình màu lam đã nhanh chóng trở thành loại quà biếu “hot” nhất.
Sau loại này do cung không đủ cầu nên đã xuất hiện hàng giả tràn lan, nay lại thịnh hành loại rượu trắng sản xuất từ 3 - 4 chục năm trước, chủ yếu là “Trung Hoa tứ danh tửu”: Mao (Đài), Ngũ (Lương Dịch), Kiếm (Nam Xuân), Lô (Châu Lão Giáo).Tuy nhiên rượu lâu năm thật thì ít mà bị các gian thương Đại Lục và cả Đài Loan làm giả thì nhiều.
Trà cũng là mặt hàng chủ chốt trong đồ biếu, Thiết Quan Âm, Ô Long, Bạch Cao Đông Phương Mỹ Nhân của Đài Loan là những nhãn hiệu được ưa chuộng; gần đây nổi lên cơn sốt lùng mua Nham Trà do Sở nghiên cứu Mạn Đình núi Võ Di sản xuất “số lượng có hạn”.
Đồ gỗ, đồ phong thủy
Mấy năm gần đây, đồ gỗ làm bằng các loại gỗ quý như Sưa (Huỳnh Đàn), Cẩm Lai, Giáng Hương, Trắc…cũng tới tấp được đưa tới nhà các cao quan vào dịp Tết bởi chúng có giá trị lâu bền. Phần lớn các lãnh đạo đều chú trọng đến phong thủy nên các loại đá ngọc, tượng Phật, tượng Quan Công rất được chuộng làm quà biếu.
Nghê Phát Khoa, nguyên Phó tỉnh trưởng An Huy khi ngã ngựa, cơ quan điều tra thống kê thấy 80% tổng giá trị tiền, đồ nhận hối lộ là đá ngọc, trong đó món lớn nhất là miếng Điền Ngọc giá 3,5 triệu tệ. Một ông chủ kinh doanh địa ốc còn cất công đưa một tảng đá Thọ Sơn trị giá 2 triệu tệ về Bắc Kinh để biếu một quan chức.
Một loại quà biếu nữa được các quan tham ưa thích là tranh, thư pháp của các họa sĩ danh tiếng. Khi Vương Thiên Nghĩa, Cục trưởng Công an Lộc Thành, Ôn Châu bị ngã ngựa, cơ quan pháp luật đã tìm được tại nhà riêng 195 bức tranh, thư họa của các danh họa, 27 món đồ sứ cổ của Trung Quốc và tác phẩm nghệ thuật phương Tây, 1.351 món đồ bằng vàng, ngọc, tiền cổ, album tem…
Trong đó có cả những thứ đặc biệt quý hiếm và đắt tiền như bức “Xuân Sơn đồ” của Tề Bạch Thạch và bình hoa sứ đời Thanh Càn Long. Họa sĩ nổi tiếng Phạm Tăng khi nói về nguyên nhân khiến tranh của ông liên tục tăng giá đến chóng mặt đã cười “nội kháo quan tham, ngoại kháo thổ phỉ mà” (nhờ quan tham trong nước và thổ phỉ ở ngoài).
Nguyên Bộ trưởng Đường Sắt Lưu Chí Quân cũng nhận gần 200 món quà biếu là tranh, thư pháp và đá ngọc, tổng giá trị hơn 13 triệu tệ. Đằng sau những món quà được coi là “nhã hối” này là hành vi giao dịch quyền-tiền, một vốn nhiều lời.
Điển hình là vụ một ông chủ ở Hải Ninh, Chiết Giang đem biếu Phó thị trưởng Mã Kế Quốc một bức tranh cổ trị giá 170 ngàn tệ, đổi lại ông ta được cấp quyền sử dụng mảnh đất miễn thuế trị giá 1,75 triệu tệ.
Biếu tiền cho gọn
Một số cán bộ dưới quyền hay đối tác làm ăn lại cho rằng, ngày thường mạo muội đến biếu xén, lãnh đạo cảnh giác, không dám nhận vì sợ bị gài bẫy. Dịp Tết thì khác, đây là tập tục truyền thống, không ai đến chúc Tết tay không nên thật “danh chính ngôn thuận”, người biếu tự nhiên, người nhận cũng chẳng băn khoăn.
Trong một số vụ án tham nhũng đã xuất hiện những lời tự biện bạch tội nhận hối lộ của quan tham: “Nhận tiền biếu ngày tết là quan hệ tình nghĩa bình thường, không thể coi là hối lộ được”. Khi công tố viên vặn lại: “Nếu là tình nghĩa bình thường, sao người ta biếu ông chục vạn tệ, ông không biếu lại họ số tiền như thế?”, khi đó quan tham mới tắc tị.
Trong vụ án Đồng Mạnh Giao, Phó Tổng thư ký thành ủy Tam Môn Hiệp, nguyên Bí thư huyện ủy Thằng Trì (bị nhận án chung thân, tịch thu gia sản vì nhận hối lộ hơn 20 triệu tệ), Giao khai nhận việc nhận tiền ngày tết của mấy người cấp dưới đang chạy đua vào chức Phó huyện trưởng.
|
Đồng Mạnh Giao nhận tiền bán chức |
Bí thư xã Nam Thôn biếu 40 ngàn tệ, Giao nhận và hứa “sẽ xem xét”, nhưng sau đó tay Cục phó Tài chính huyện đến biếu 300 ngàn tệ cũng kèm theo đề nghị “anh cho em ghế huyện phó”, kết quả chức vụ này được trao cho người này.
Trong danh mục các quà biếu mà Giao đã nhận ngoài 8 triệu tiền mặt còn có 5 bức thư pháp trị giá 960 ngàn tệ và nhiều thỏi vàng, đồng hồ, rượu, quần áo hàng hiệu, đồ cổ…
Mấy năm nay mới xuất hiện loại quà biếu mới là phiếu mua hàng có mệnh giá. Tháng 12/2010, Tòa án khu Triều Dương, Bắc Kinh, từng công bố số liệu cho thấy, trong 5 năm họ đã xử 13 vụ án hối lộ bằng phiếu mua hàng giá trị. Phiếu mua hàng từ lâu đã trở thành thứ quà hối lộ mới thay cho tiền mặt.
Trương Truyền Quyền, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Trừ Châu, An Huy bị tòa án xử phạt 8 năm tù vì tội nhận hối lộ và số lượng lớn tài sản bất minh. Tất cả các tội của Quyền đều thực hiện vào các dịp lễ, tết. Trong số 2,9 triệu Nhân dân tệ tiền, quà thì có tới 177 nghìn Nhân dân tệ ở dạng phiếu mua hàng.
Đỗ Hồng Miêu, nguyên Phó chủ tịch Chính Hiệp thị xã Thừa Châu, Chiết Giang có đặc điểm khác người. Đó là “Tết chỉ nhận phiếu mua hàng, không nhận tiền mặt”. Miêu có 16 lần nhận hối lộ, thì 15 lần là phiếu mua hàng, cũng đều vào Tết âm lịch hoặc Trung Thu.
Ai biếu là bạn, không biếu là “có vấn đề”
Quý Kiến Nghiệp - Phó Bí thư thành ủy, Thị trưởng Nam Kinh - hôm 7/4/2015 bị nhận án 15 năm tù vì nhận hối lộ 11,32 triệu NDT, bào chữa: “Vấn đề của tôi là chơi hết mình, cả nể những bạn bè kết giao hơn 20 năm trước từ khi làm Phó bí thư huyện Ngô”.
Điểm lại những “người bạn 20 năm” của Nghiệp, người ta thấy có: Từ Đông Minh, Giám đốc Công ty thương mại Cẩm Liên, hối lộ 7,8 triệu tệ; Chu Thiên Hiểu, chủ Tập đoàn Ngô Trung, hối lộ 2,4 triệu tệ; Chu Hưng Lương ở Công ty Kim Đường Lang, hối lộ 300 ngàn tệ; Trương Học Nhân, Bí thư Khu khai phát Tô Châu: hối lộ 500 ngàn tệ…và 3 người khác. Được Quý Kiến Nghiệp giúp đỡ, những người bạn này liên tiếp nhận được các hạng mục béo bở, kiếm được bộn tiền.
Tại An Huy từng xảy ra vụ án tham nhũng kiểu “bài Đôminô”, 3 ông bí thư 3 huyện đều phải ngồi tù vì hối lộ kiểu “phân phát chức vụ”: Mẫu Bảo Lương ở huyện Tiêu bị chung thân vì nhận 20 triệu tệ, Lưu Gia Khôn huyện Thái Hòa bị chung thân vì nhận 29 triệu tệ, An Kim Tinh ở huyện Tứ nhận 14 năm vì nhận 5,2 triệu tệ.
Trước tòa, Mẫu Bảo Lương khai nhận đã nhận tiền của gần 300 người, một nửa số đó là cấp dưới. Theo ông ta, ai đến biếu tiền, quà mới là “người của mình”. Lương nói: “Có lúc thấy có cán bộ ngày tết không đến biếu, trong lòng tôi nghĩ: hay người này có vấn đề gì với mình? Hay mình đắc tội gì với họ chăng? Chỉ đến khi sau tết, người này gửi phong bao lì xì, tôi mới yên tâm”.
Lý Bảo Cường, Cục phó Thuế vụ huyện Khánh Vân tỉnh Sơn Đông ngày 4/10/2013 bị tòa án phạt tù 2 năm về tội nhận hối lộ và lơ là trách nhiệm. Nói lời cuối trước tòa, Cường giãi bày: “Tôi dần dà quen với việc được mọi người biếu xén, đều vui vẻ nhận. Về sau tôi không còn nhớ cụ thể ai đã biếu mình thứ gì, nhưng rất nhớ ai không đến biếu”.
Các trường hợp nêu trên tiêu biểu cho hiện tượng đã phổ biến đến mức trở thành câu ca trong dân gian: “bất bão bất tống, nguyên địa bất động” (không chạy không biếu, nằm im tại chỗ), “bất tống lễ, bất biện sự” (không biếu quà, không giải quyết).
Thậm chí có quan chức như Ngô Chính Dương, nguyên Bí thư Ủy ban Chính pháp, Cục trưởng CA huyện Cửu Giang, Giang Tây (năm 2014 đã nhận án 13 năm tù) từng nêu “dụng nhân kinh” (nguyên tắc dùng người) nổi tiếng: “vô tống lễ, bất đề bạt” (ai không biếu quà, không đề bạt)…/.